Sở hữu hơn 130km bờ biển, Bình Định được ví như thiên đường biển đảo Nam Trung bộ. Nhằm mục đích khai thác tài nguyên biển đảo hợp lý, năm 2023, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành kế hoạch triển khai Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bình Định ưu tiên phát triển lĩnh vực kinh tế biển, ưu tiên du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác và nuôi trồng hải sản, công nghiệp và đô thị ven biển, khai thác hiệu quả tài nguyên biển kết hợp với bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo.
Cùng với đó, ô nhiễm môi trường biển được kiểm soát, ngăn ngừa và giảm thiểu những sự cố ô nhiễm từ đất liền đổ ra biển, các sự cố về rác thải nhựa đại dương.
Các khu công nghiệp và khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định về môi trường và sức tải môi trường biển, khả năng phục hồi, chống chịu của hệ sinh thái biển, đảo. Gắn công tác phát triển kinh tế xã hội với quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học biển. Các tài nguyên dưới đáy biển, ven biển, đảo được giám sát, bảo tồn tối đa.
Để thực hiện được mục tiêu trên, tỉnh Bình Định từng bước khắc phục những mâu thuẫn, chồng chéo về lợi ích khai thác, sử dụng tài nguyên giữa các ngành, các cấp, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và sinh kế của người dân, bảo đảm môi trường biển, các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo được bảo vệ hiệu quả, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Triển khai công tác bố trí không gian biển cho các hoạt động phát triển du lịch sinh thái, du lịch địa chất thám hiểm khoa học, cộng đồng, văn hóa. Phát triển các tour du lịch ra các đảo, vùng biển xa bờ.
Xây dựng và phát triển hệ thống cảng biển xanh, thiết lập các khu vực biển đặc biệt nhạy cảm, có tính đến bối cảnh biến động trong khu vực và quốc tế. Phát triển Khu kinh tế Nhơn Hội, các khu công nghiệp ven biển và các đảo với các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ nền tảng, công nghệ nguồn.
Xác định các khu vực có thể lấn biển, đảo nhân tạo để phát triển kinh tế - xã hội. Hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, bảo đảm đủ công suất cho tàu cá thực hiện cập cảng, neo đậu. Các địa phương lồng ghép thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế đảo kết hợp với bảo vệ quốc phòng, an ninh.
Từ nay tới năm 2030, UBND tỉnh đưa ra các giải pháp như hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, ứng dụng khoa học cộng nghệ và mở rộng hợp tác quốc tế. Xây dựng cơ chế tài chính bền vững phục vụ khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo. Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về biển, về sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định tăng cường kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác, gây nuôi và buôn bán xuyên biên giới các loài sinh vật biển hoang dã thuộc danh mục cần được bảo tồn. Công tác giám sát biến đổi khí hậu, dự báo, cảnh báo, hệ thống truyền tin cảnh báo sớm rủi ro trên biển và vùng ven biển để chủ động ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu được đầu tư nâng cấp, áp dụng khoa học công nghệ.
Các địa phương trong tỉnh tập trung rà soát và đổi mới công nghệ và hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo theo hướng giảm thiểu tác hại lên môi trường và hệ sinh thái biển, hải đảo.