Mới đây, ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã có buổi tiếp và làm việc với Đoàn công tác tỉnh Hưng Yên do ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn đến trao đổi, học tập kinh nghiệm về công tác cải cách hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử và vận hành Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh Bình Dương.
Theo đó, hai địa phương đã thảo luận về kết quả Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hải lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS); các giải pháp để giữ vững và nâng cao các thứ hạng trong thời gian tới, nhất là giải pháp tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp nhằm bảo đảm nâng cao tất cả các chỉ số.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho hay, tỉnh Bình Dương gần đây có nhiều bước đột phá hết sức ấn tượng. Điều này khẳng định sự nỗ lực, nhất quán trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp nhằm mục tiêu vận hành bộ máy chính quyền các cấp vì nhân dân phục vụ.
Ông mong muốn, Bình Dương sẽ tiếp tục là trung tâm công nghiệp phát triển, trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà nhấn mạnh, những thông tin trao đổi giữa hai địa phương tại buổi làm việc sẽ góp phần vào việc định hướng phát triển của Bình Dương trong công tác cải cách hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử thời gian tới.
Được biết, ngày 19/4/2022, Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) Bình Dương chính thức đi vào hoạt động, là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương.
IOC là một hệ thống công nghệ thông tin bao gồm cơ sở hạ tầng, phần cứng, phần mềm có chức năng thu thập cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các cơ quan, đơn vị và xử lý, phân tích cho kết quả đầu ra đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền và các cơ quan, đơn vị.
IOC sẽ phục vụ đắc lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, giúp lãnh đạo tỉnh có cái nhìn tổng quan, toàn diện về mọi mặt hoạt động kinh tế - xã hội. Từ đó, đưa ra quyết định nhanh chóng, kịp thời, chuẩn xác, tiết kiệm nhiều thời gian và công sức trong quá trình giám sát, điều hành công việc.
Với khả năng tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có cùng các phần mềm điều khiển cùng hơn 20 lĩnh vực giám sát, điều hành, IOC đã được triển khai để khái quát toàn cảnh về các chỉ tiêu phát triển của tỉnh, nhất là các lĩnh vực trọng tâm, thế mạnh của tỉnh. Cụ thể như: Chỉ tiêu kinh tế - xã hội; hành chính công; thông tin du lịch; an ninh trật tự, giao thông; thông tin phòng, chống dịch Covid-19; tương tác, giao tiếp phục vụ công dân; công khai thông tin quy hoạch; giám sát chất lượng môi trường; giám sát hoạt động công nghiệp; giám sát tài nguyên, môi trường; thông tin lĩnh vực y tế; thông tin lĩnh vực giáo dục; thông tin về cung, cầu lao động, cơ sở dữ liệu về trẻ em, bảo trợ xã hội, giáo dục nghề nghiệp; thông tin khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thông tin về chỉ số tiêu dùng, cung cầu hàng hóa, mặt hàng thiết yếu…
Nguyễn Hạnh