Ngày 24/5, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Kết luận của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Bộ Chính trị lưu ý Quy hoạch Thủ đô phải bảo đảm tính kế thừa và phát triển, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược; bám sát, cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các chủ trương, nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư có liên quan.

Kết luận cũng yêu cầu đánh giá cụ thể các hạn chế, bất cập để thấy rõ nguyên nhân gốc rễ của điểm nghẽn, nút thắt, từ đó có tư duy đổi mới, giải pháp đột phá, chiến lược gắn với lộ trình ưu tiên thực hiện.

san bay noi bai lot top 100 san bay tot nhat the gioi 227.jpeg
Toàn cảnh Sân bay Nội Bài. Ảnh: Như Hà

Bộ Chính trị cũng lưu ý việc sắp xếp, phân bố không gian phát triển kinh tế - xã hội theo cấu trúc tâm - tuyến các hành lang, vành đai kinh tế. Tăng cường kết nối vùng, nhất là kết nối về giao thông, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa Hà Nội với các địa phương trong vùng và cả nước.

Bộ Chính trị thống nhất về sự cần thiết bổ sung chức năng lưỡng dụng cho các sân bay quân sự Gia Lâm, Hoà Lạc; đồng thời, nghiên cứu thành lập sân bay thứ hai. Tuy nhiên, cần nghiên cứu tính toán kỹ lưỡng về sự phù hợp, các tác động đến kinh tế - xã hội của Thủ đô và các địa phương lân cận để xác định địa điểm đặt sân bay thứ hai, bảo đảm hiệu quả, phù hợp với thực tiễn phát triển của Thủ đô và khu vực đồng bằng sông Hồng.

TP Hà Nội cần ưu tiên triển khai sớm việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị. Riêng việc đề xuất tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đi xuyên tâm qua khu trung tâm thành phố Hà Nội, qua ga Hà Nội theo đề xuất của Ban Cán sự đảng Chính phủ, đề nghị tiếp tục nghiên cứu cẩn trọng, đánh giá tính khả thi, hiệu quả cũng như sự phù hợp, đồng bộ với Quy hoạch mạng lưới đường sắt.

Theo kết luận, tại khu vực nội đô lịch sử, Hà Nội cần quan tâm cải tạo, chỉnh trang đô thị trên nguyên tắc kết hợp chặt chẽ giữa bảo tồn và phát triển, khai thác tối đa giá trị đất đai, giá trị các di tích văn hoá - lịch sử, các trụ sở cũ, các khu phố cổ, các công trình kiến trúc Pháp để lại nhằm phát triển mạnh các hoạt động du lịch, dịch vụ, thương mại.

Hà Nội cần chú trọng hơn nữa việc khai thác lợi thế sông, hồ của Hà Nội, nhất là là tiềm năng Hồ Tây, sông Hồng, sông Đuống, sông Tô Lịch. Xác định khu vực dự trữ phát triển cho thế hệ tương lai.

Bộ Chính trị lưu ý Hà Nội cần chú trọng nghiên cứu phương án phát triển trục sông Hồng để sông Hồng thực sự là trung tâm phát triển của Thủ đô với sự phân bố hài hoà các không gian sinh thái, không gian văn hóa, lịch sử, không gian xanh, không gian đô thị hiện đại hai bên bờ sông.

Hé lộ vị trí xây sân bay thứ 2 ở phía Nam Hà Nội

Hé lộ vị trí xây sân bay thứ 2 ở phía Nam Hà Nội

Hội đồng thẩm định Nhà nước đang trình Thủ tướng phê duyệt Đề án quy hoạch mạng cảng hàng không - sân bay cấp quốc gia. Hiện đã định hướng quy hoạch vị trí xây dựng sân bay thứ 2 ở Hà Nội.