Sáng 7/11, Bộ Công an tổ chức hội thảo "Phát triển nguồn nhân lực dữ liệu phục vụ chuyển đổi số trong lực lượng Công an nhân dân". Thiếu tướng, Tiến sĩ Dương Văn Tính - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin thừa uỷ quyền của lãnh đạo Bộ Công an chủ trì hội thảo. Hội thảo có sự góp mặt của đại diện các nhà khoa học, diễn giả trong và ngoài lực lượng công an. 

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thiếu tướng Dương Văn Tính nhấn mạnh: Chuyển đổi số là chủ trương lớn, mang tính chất chiến lược của Đảng và Nhà nước. Để thực hiện tốt chủ trương lớn nêu trên, Bộ Công an luôn là lực lượng tiên phong, đi đầu trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử,  kinh tế số và xã hội số.

Nhìn nhận trên thực tế, Thiếu tướng Dương Văn Tính cho rằng, quá trình chuyển đổi số trong Bộ Công an còn bộc lộ một số hạn chế về thực trạng nguồn nhân lực chuyển đổi số và cụ thể là nhân lực dữ liệu phục vụ chuyển đổi số trong Bộ Công an còn thiếu. 

W-bo-c244ng-an.jpg
Thiếu tướng Dương Văn Tính phát biểu khai mạc hội thảo.

Từ đó, Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích phân tích đánh giá thực trạng, xác định các cơ sở lý luận, khoa học và cơ sở thực tiễn để đề xuất, khuyến nghị các giải pháp mang tính đột phá nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực dữ liệu phục vụ chuyển đổi số tại Bộ Công an. 

Hội thảo diễn ra sôi nổi với các bài tham luận đi từ lý luận đến thực tiễn và từ đó các diễn giả tham gia đề xuất các giải pháp cụ thể để hướng đến việc phát triển nguồn nhân lực dữ liệu. 

Trong đó, TS. Đỗ Văn Hùng - Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội trao đổi các nội dung xoay quanh khung năng lực số của một số quốc gia trên thế giới và một số vấn đề đặt ra về xây dựng khung năng lực số tại Việt Nam. 

Theo ông Hùng, năng lực số bao gồm các khả năng về kỹ thuật số cơ bản, tư duy phản biện, khả năng tìm kiếm và đánh giá thông tin số, kỹ năng giao tiếp và hợp tác trực tuyến, kỹ năng sáng tạo nội dung số, bảo mật và an toàn thông tin.

TS. Đỗ Văn Hùng dẫn báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho biết, hơn 75% số công việc hiện đại đòi hỏi người lao động phải sở hữu một số năng lực số nhất định. Do đó, năng lực số trở thành một kỹ năng thiết yếu để có thể tham gia hiệu quả vào xã hội.

"Đối với cá nhân, năng lực số giúp cá nhân có thể tìm kiếm thông tin, học tập, làm việc và giải trí hiệu quả hơn thông qua các công cụ số. Đối với xã hội, năng lực số sẽ giúp tận dụng tối đa lợi ích của công nghệ số, hướng tới xã hội số, kinh tế số. Đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của công nghệ số lên cá nhân và xã hội", ông Hùng nhấn mạnh. 

W-cds-bo-c244ng-an.jpg
Toàn cảnh hội thảo do.  

Sau khi viện dẫn các khung năng lực số của các nước trên thế giới như Hoa Kỳ, các nước Châu Âu, ông Hùng cho biết, ở Việt Nam, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số sẽ chiếm 30% GDP.  Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần có nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực số vận hành các hệ thống, công nghệ.  Do đó, nâng cao năng lực số cho người lao động là giải pháp then chốt để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho mục tiêu phát triển kinh tế số của đất nước.

Còn GS.TSKH. Hồ Tú Bảo (Giám đốc phòng thí nghiệm khoa học dữ liệu, Viện nghiên cứu cao cấp về Toán) viện dẫn bài báo cách đây 10 năm với tựa đề "Nhà khoa học dữ liệu: nghề hấp dẫn nhất thế kỷ 21" để nhấn mạnh vai trò của dữ liệu và nhân lực dữ liệu trong bối cảnh hiện nay. 

Theo GS.TSKH Hồ Tú Bảo, thông tin và tri thức đều ẩn chứa trong dữ liệu thu từ các hoạt động. Dữ liệu cho ta thấu hiểu, tìm ra thông tin, tri thức để mỗi hoạt động đều có thể thông minh. 

Ông Nguyễn Trọng Khánh - Trưởng phòng hạ tầng chuyển đổi số, Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ TT&TT) cho rằng: Dữ liệu là tài nguyên mới, cơ quan nhà nước mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Các cơ quan nhà nước kết nối, chia sẻ dữ liệu để người dân chỉ phải khai báo, cung cấp dữ liệu một lần cho các cơ quan nhà nước và các đơn vị cung ứng dịch vụ công thiết yếu.

Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số

Đề cập đến định hướng xây dựng chương trình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số - Thượng tá Trần Xuân Ban (Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kỹ thuật - Hậu cần Công an nhân dân) cho biết Bộ Công an đã có những yêu cầu và nhiệm vụ cụ thể. 

Trong đó, có những nhiệm vụ trọng tâm như thay đổi nhận thức của cán bộ chiến sĩ, hoàn thiện hành lang pháp lý, hạ tầng chuyển đổi số, nền tảng số và các yếu tố đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng... 

W-5ad5a43c914747191e56-1.jpg
Thượng tá Trần Xuân Ban phát biểu tham luận tại hội thảo. 

Về việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng chuyển đổi số trong Công an nhân dân, Thượng tá Ban cho biết có một số yêu cầu đặt ra gồm: đào tạo lực lượng chuyên trách; đào tạo kỹ năng số cần thiết cho đông đảo cán bộ chiến sĩ; xây dựng giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đào tạo. 

Từ những yêu cầu trên đã đặt ra về chương trình đào tạo nguồn nhân lực  phục vụ chuyển đổi số gồm: Bổ sung tri thức và kỹ năng về công nghệ số, về những quy định, nguyên tắc trong tổ chức, quản lý, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong môi trường số;

Bổ sung các kiến thức, kỹ năng về quản trị, vận hành các hệ thống công nghệ thông tin cho các học viên để có thể đáp ứng yêu cầu công tác của các vị trí việc làm quản trị mạng, máy chủ, quản trị cơ sở dữ liệu; nhóm phân tích dữ liệu, phần mềm, ứng dụng, an ninh, an toàn, vận hành hệ thống, vận hành vỏ trạm; Tăng cường đào tạo năng lực tự học, tự nghiên cứu, sáng tạo, làm chủ công nghệ mới tránh bị tụt hậu, không theo kịp sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ.

Phát biểu bế mạc, Thiếu tướng Dương Văn Tính nhấn mạnh, hội thảo đã góp phần tích cực đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số tại Bộ Công an trong giai đoạn hiện nay.

Thông qua hội thảo đã đề ra những đề xuất một số nhiệm vụ cụ thể như: thay đổi tư duy về nguồn nhân lực dữ liệu; ban hành cơ chế chính sách trong đào tạo, thu hút nguồn nhân lực; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyển đổi số; triển khai khung đại học số nâng cao chất lượng trong đào tạo nguồn nhân lực và tăng cường hợp tác trong nước, quốc tế để trao đổi kinh nghiệm chuyển đổi số.