Trương Huệ Bân (43 tuổi, Trung Quốc) từng tốt nghiệp đại học. Ra trường anh đến Thâm Quyến làm công việc thiết kế thời trang, nhiếp ảnh và du lịch. Công việc thời thượng giúp anh được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều bạn bè. Đối với nhiều người, cuộc sống của anh khá ổn, thú vị. 

Tuy nhiên, bản thân Huệ Bân luôn cảm thấy nhịp sống của mình ngày một nhanh, chạy đua cùng với sự phát triển của các thành phố lớn. Sau khi cưới vợ, sinh con, lập nghiệp, anh càng cảm thấy cơ thể mình như một cỗ máy, ngày càng kiệt quệ. Trong khi đó, bố mẹ anh đều đã già. Mẹ anh dành 10 năm chăm con cho anh trên thành phố, chỉ có bố ở quê một mình. 

bodonthan.jpg
Huệ Bân sau ly hôn đã đưa các con về quê ở cùng ông bà nội

Trong đầu Huệ Bân thường hiện lên những ký ức tuổi thơ làm đồng áng cùng bố mẹ. Tiếng gọi quê hương ngày càng mạnh mẽ, thôi thúc anh thay đổi. 

Cuối cùng, Huệ Bân quyết định từ bỏ sự nghiệp trên thành phố, trở về làng Peitian ở huyện Liên Thành, tỉnh Phúc Kiến năm 2017. Khi đó, anh và vợ đã ly hôn. Hai người con, một trai, một gái của anh cũng theo bố về quê, trang Thepaper đăng tải. 

Làng Peitian nằm ở huyện Liên Thành, tỉnh Phúc Kiến, giáp với các tỉnh Quảng Đông và Giang Tây. Đây là một ngôi làng cổ của người Khách Gia có lịch sử hơn 800 năm.

Khi về làng, con trai 14 tuổi của Huệ Bân học ở thị trấn. Hàng ngày cậu bé đạp xe đến trường. Con gái 10 tuổi học trong làng. Ba năm đầu, Huệ Bân chỉ sửa sang nhà cửa, thuê đất, làm việc đồng áng và chăm con. Ba năm tiếp theo, anh vạch ra kế hoạch rõ ràng, ngày ngày cùng bố mẹ nấu rượu, làm thuốc trong căn nhà dưới chân núi. 

"Khi mới về, tôi không dám sống ở một ngôi làng có nhiều người quen như vậy. Ánh mắt của hàng xóm láng giềng khiến tôi chịu áp lực. Bởi công việc của tôi ở bên ngoài được cho là khá tốt. Việc trở về đột ngột đương nhiên gây sự tò mò", Huệ Bân chia sẻ. 

Vì vậy anh đã thuê một ngôi nhà dưới chân núi để ở. Ngôi nhà nằm trên diện tích 1,6 hecta, mang kiến trúc tiêu biểu của người Khách Gia.

bophoveque1.jpg
Anh cùng bố khôi phục lại nghề nấu rượu và làm thuốc của ông, cha

Chủ nhà đã chuyển lên thành phố ở nên ngôi nhà bị bỏ hoang hơn 10 năm. Mọi kiến trúc trong nhà đều cũ kĩ, tường mọc đầy rêu. 

Vì vậy Huệ Bân đã bắt tay vào cải tạo ngôi nhà. Anh không dùng gỗ mới mà sử dụng gỗ cũ của các hộ gia đình trong làng bỏ đi khi họ phá bỏ nhà cổ. Việc cải tạo khá kì công và tốn thời gian, chi phí cũng khá lớn. Cuối cùng Huệ Bân đã tạo ra được một ngôi nhà như anh mong muốn.

Huệ Bân cho biết, ông nội anh là bác sĩ đông y, bố anh là người giỏi nấu rượu. Tài nấu rượu của ông từng nổi tiếng trong làng. Ngày bé, anh và các anh em trong nhà thường giúp bố chưng cất rượu ngoài sân. Bố Huệ Bân có 5 người con nên việc ăn uống, sinh hoạt của các thành viên trong gia đình không hề đơn giản. Họ cần làm nhiều việc khác nhau để có thêm thu nhập. Vì vậy, từ đời ông đến đời cha, gia đình Huệ Bân rất giỏi các nghề thủ công. 

Nghĩ đến loại rượu thơm lừng ngày ấy, anh quyết định tìm giống lúa cổ trước đây người làng thường trồng. Nhưng người dân trong làng không còn ai trồng nữa vì năng suất thấp, khả năng kháng sâu bệnh kém. Tuy nhiên loại gạo này nấu rượu lại cực kì thơm. Cuối cùng, sau bao cố gắng tìm kiếm, anh cũng tìm lại được giống lúa cổ đó. 

Anh mua một khu ruộng bậc thang rất rộng trên núi và khai hoang hơn 1/3 diện tích đất. Anh thuê một số dân làng cùng nhau làm ruộng. Huệ Bân chịu khó học hỏi, tìm tòi các phương pháp nông nghiệp của cha ông. Anh thực hiện canh tác không dùng phân hóa học và thuốc trừ sâu. Vụ đầu năng suất kém nhưng cũng đủ thóc nấu rượu.

Công đoạn nấu rượu cũng được anh và bố thực hiện tỉ mỉ để cho ra loại rượu thơm ngon nhất. 

bophoveque.jpg
Các con của Huệ Bân cũng dần thích thú cuộc sống ở quê

Vùng núi của làng là nơi có hệ thực vật phong phú. Những người am hiểu sẽ tìm được dược liệu ở khắp nơi trên núi. Những năm gần đây, do xu hướng mua dược liệu từ bên ngoài nhiều nên người dân trong làng lên núi đào cả gốc bán ra ngoài để kiếm tiền. Vì vậy nhiều loại dược liệu quý có nguy cơ tuyệt chủng. 

Huệ Bân quyết định thuê một khu rừng 1.374 hecta trong 40 năm để bảo tồn dược liệu bởi ông của anh từng làm thầy thuốc đông y. Nhờ vậy anh đã nhân rộng được nhiều loại dược liệu quý sử dụng trong các bài thuốc y học cổ truyền.

Ở làng Peitian, những người trẻ hầu hết đều ra ngoài, người ở độ tuổi như Huệ Bân sống ở đây cũng hiếm, chủ yếu là thế hệ già như cha anh.

Ngoài rượu và thuốc, Huệ Bân còn cố gắng làm các việc công ích cho làng. Anh thuê lại kho thóc bị bỏ hoang, tự thiết kế thành Bảo tàng nghệ thuật Peitian. Nhờ bảo tàng này mà nhiều người biết anh đang làm gì ở Peitian và chuyển đến làng sinh sống.

bophoveque3.jpg
Huệ Bân cho biết, sau 6 năm trở về quê, cuộc sống của anh khác xa những năm ở thành phố

Tuy nhiên Huệ Bân vẫn luôn coi trọng việc chăm sóc con cái. Ngoài thời gian cho công việc, anh chăm chút cuộc sống. Ngoài giờ học, những ngày nghỉ, 3 bố con về căn nhà dưới chân núi, ra rừng hái quả, làm việc đồng áng. 

Việc học tập ở quê là vấn đề khá khó khăn vì các trường ít học sinh, chương trình học cũng không được như ở Thâm Quyến. Nhưng các con anh lại có thời gian được tự do với thiên nhiên và tập trung vào những thứ khác ngoài bài tập về nhà. Các con tìm được niềm vui trong công việc hàng ngày, hội họa và nấu ăn. 

Huệ Bân cho biết, sau 6 năm trở về quê, cuộc sống của anh khác xa những năm ở thành phố. Mối quan hệ với gia đình, bố mẹ cũng gắn kết hơn. Anh yêu cuộc sống này và cảm thấy các con cũng đang thích nghi tốt.