Cử tri TP Hà Nội vừa gửi kiến nghị tới Bộ GD-ĐT cho rằng, gần đây, dư luận bức xúc vì một số khoản thu không đúng quy định của Hội Cha mẹ học sinh. Từ đó, đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét lại hoạt động của Hội này. 

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay, Ban đại diện cha mẹ học sinh được quy định tại Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh ban hành kèm theo Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Theo đó nhiệm vụ của Ban đại diện cha mẹ học sinh có trách nhiệm phối hợp với nhà trường trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em, học sinh.

Về kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh được quy định trong Điều 10 của Điều lệ, theo đó, Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp các khoản không tự nguyện và các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban như: 

- Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; 

- Vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; 

- Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; 

- Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; 

- Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; 

- Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường. 

Tuy nhiên, hiện nay còn có tình trạng một số cơ sở giáo dục chưa thực hiện đúng quy định, còn lạm thu quỹ phụ huynh học sinh hoặc huy động tài trợ không đúng quy định tại Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT ngày 03/8/2018, gây bức xúc cho phụ huynh học sinh.

Thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục làm tốt công tác phối hợp giữa gia đình với nhà trường trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục. Tăng cường công tác truyền thông để phụ huynh học sinh và xã hội hiểu đúng về các quy định tại Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT, đặc biệt là các khoản thu không đúng quy định. 

Đồng thời tiếp tục hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức xã hội hóa, ủng hộ tài trợ cho nhà trường theo đúng quy định tại Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT về việc quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Ảnh minh họa.

Cử tri TP Hà Nội cũng đề nghị bổ sung các nội dung về giá trị truyền thống văn hóa, đạo đức trong môn giáo dục công dân, lịch sử trong các kỳ thi của học sinh các cấp. 

Về vấn đề này, Bộ GD-ĐT, ở bậc tiểu học và THCS của Việt Nam không có kỳ thi cuối cấp. Song, các giá trị truyền thống văn hóa, đạo đức, lịch sử được dạy lồng ghép trong nội dung các môn học như môn Tiếng Việt, Đạo đức, Lịch sử, Địa lí, Hoạt động trải nghiệm,... 

Theo quy định về đánh giá, xếp loại học sinh, kết quả học tập của các môn học được thực hiện thông qua đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ.

Ở bậc THPT, đề nghị của cử tri đã được thực hiện khá đầy đủ qua kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2015 đến năm 2019 và kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm 2020, 2021, 2022. 

Theo đó, đề thi của các kỳ thi được xây dựng bảo đảm đúng yêu cầu đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông, bám sát chuẩn kỹ năng chương trình giáo dục phổ thông và có nội dung gắn với thực tiễn đời sống, bao gồm nội dung về giá trị truyền thống văn hóa, đạo đức trong môn Giáo dục công dân và

Lịch sử ở phần lớn các câu hỏi mức độ cơ bản và ở lượng hợp lý các câu hỏi mức độ vận dụng và vận dụng cao để phân hóa kết quả thi của thí sinh.

Phương hướng ra đề thi đã nêu tiếp tục được Bộ GD-ĐT triển khai thực hiện nghiêm túc với yêu cầu cao về chất lượng trong các năm tiếp theo.