Theo Bộ GD-ĐT, hoàn lưu bão số 3 gây mưa lớn trên diện rộng, làm thiệt hại nặng nề cho các địa phương. Thời gian mưa lâu, kéo dài làm cho đất ngấm nước bị mềm, yếu, nguy cơ gây sạt lở đất rất cao.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT yêu cầu giám đốc sở GD-ĐT các tỉnh, thành cần chủ động rà soát, kiểm tra các công trình có nguy cơ mất an toàn để có phương án sửa chữa, khắc phục. 

Bộ yêu cầu không đưa vào sửa dụng các công trình không đảm bảo chất lượng, có nguy cơ đổ sập. Lên kế hoạch và triển khai ngay việc sửa chữa cơ sở hạ tầng trường học, đặc biệt ưu tiên các hạng mục có nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn của giáo viên và học sinh.

Các Sở tổ chức di dời học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học khỏi các khu vực bị hư hại nặng hoặc chưa an toàn.

z5816544214172_a946849c2d84eab2824d270ea6bceefe.jpg
Hình ảnh được ghi lại tại Trường Tiểu học Sơn Đông, tỉnh Vĩnh Phúc.

Bên cạnh đó, Bộ cũng yêu cầu rà soát hệ thống cây xanh, tường rào, cổng trường, có phương án tỉa cành, phòng chống sập tường, đổ cây. Đặc biệt kiểm tra các điểm trường, các cơ sở giáo dục gần sông suối, gần khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất để cảnh báo hoặc ngừng cho học sinh đến trường nếu mất an toàn.

Công điện của Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu đảm bảo cung cấp kịp thời các nhu yếu phẩm và trang thiết bị dạy học cần thiết cho các cơ sở giáo dục bị ảnh hưởng; Tổ chức hỗ trợ tâm lý cho giáo viên và học sinh bị ảnh hưởng bởi bão, đặc biệt là các gia đình bị thiệt hại về người và tài sản.

Các Sở cũng cần có kế hoạch chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng vật dụng cần thiết cho học sinh các trường bán trú, nội trú đảm bảo an toàn, chu đáo, thuận tiện cho học sinh.

Vĩnh Phúc cho các trường linh hoạt lịch và phương thức học trong tình huống thiên tai khẩn cấp

Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc vừa có công văn về việc tập trung ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất và tổ chức hoạt động dạy học đảm bảo an toàn cho học sinh.

Theo Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc, hiện nay, trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận có mưa to, xả lũ các hồ chứa nước; nguy cơ có thể xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại các địa phương trong tỉnh, đặc biệt tại các huyện, thành phố: Tam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô, Phúc Yên, Bình Xuyên có thể gây nguy hiểm tới tính mạng người dân, phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế, gây tắc nghẽn giao thông cục bộ. 

Vì vậy, Sở GD-ĐT yêu cầu các đơn vị tập trung ứng phó với mưa lũ và tổ chức hoạt động dạy học an toàn cho học sinh.

Cụ thể, các đơn vị thường xuyên cập nhật tin tức, tình hình bão lũ, thiên tai; không được chủ quan, lơ là, sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống. Đồng thời chú ý tuyên truyền, giáo dục học sinh nâng cao ý thức ứng phó thiên tai. Đặc biệt lưu ý các đơn vị phải thường xuyên rà soát các điều kiện đảm bảo trường học an toàn, khắc phục sự cố, thiệt hại do mưa bão gây ra; nhắc nhở học sinh đi lại trên các tuyến đường, khu vực sông, hồ phải đảm bảo an toàn,…

Việc tổ chức các hoạt động giáo dục, hoạt động ngoại khóa phải phù hợp với điều kiện thời tiết, ứng phó với thiên tai đảm bảo an toàn theo tình hình địa phương, đơn vị. 

Cùng đó, lập kế hoạch/kịch bản tổ chức dạy học thích ứng linh hoạt (kết hợp dạy học trực tiếp với trực tuyến) sẵn sàng ứng phó thiên tai, đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ năm học, đảm bảo chất lượng giáo dục và hoàn thành khung kế hoạch thời gian năm học.

Đối với các trường học do ảnh hưởng mưa lũ, học sinh không thể đến trường học trực tiếp (theo chỉ đạo/khuyến cáo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tại địa phương), cần phối hợp với phụ huynh rà soát các điều kiện đảm bảo tổ chức dạy học trực tuyến, quản lý học sinh đảm bảo an toàn khi sử dụng phương tiện học trực tuyến. 

Sở cũng yêu cầu đối với các học sinh không tham gia học trực tiếp/trực tuyến được, nhà trường tổ chức dạy bù đảm bảo kiến thức trong thời gian học sinh nghỉ học.

Trong tình huống có thiên tai khẩn cấp cục bộ tại địa phương, Giám đốc Sở GD-ĐT cũng ủy quyền cho hiệu trưởng các trường THPT; yêu cầu giám đốc các trung tâm GDNN-GDTX và trưởng phòng GD-ĐT các huyện/thành phố (đối với các trường mầm non, tiểu học, THCS) báo cáo UBND cấp huyện cho phép học sinh toàn trường hoặc một số khối, lớp được điều chỉnh lịch học/nghỉ học tạm thời và chuyển trạng thái học trực tiếp kết hợp trực tuyến để ứng phó.