Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm vừa có tờ trình Quốc hội khoá XV về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Đây là dự án luật được tách từ luật Giao thông đường bộ, được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV (10/2020). Trong quá trình thảo luận, do còn nhiều ý kiến khác nhau, nên Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.

Tại tờ trình, Chính phủ nêu việc tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, trong đó có nội dung liên quan đến quy định về quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Bộ GTVT là cơ quan chịu trách nhiệm về công tác quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe (Ảnh: Tuấn Kiệt)

Theo Chính phủ, quá trình thảo luận có 2 nhóm ý kiến liên quan tới quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Nhóm ý kiến thứ nhất đồng ý chuyển giao cho Bộ Công an quản lý để tập trung, thống nhất, phù hợp với chức năng quản lý trật tự, an toàn xã hội; đề nghị có lộ trình chuyển đổi, áp dụng cho phù hợp với thực tế, đồng thời xã hội hóa việc đào tạo lái xe cho các cơ sở đủ điều kiện. 

Nhóm ý kiến thứ hai đề nghị tiếp tục giao cho Bộ Giao thông vận tải quản lý vì đang thực hiện ổn định.

Tại dự thảo luật trình Quốc hội khóa XIV, Chính phủ thống nhất quy định giao Bộ Công an chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe.

Đề xuất này xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và là đòi hỏi khách quan để phù hợp với chức năng quản lý con người về trật tự, an toàn xã hội; đồng thời gắn trách nhiệm chính của Bộ Công an trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Tuy nhiên, tiếp thu các ý kiến góp ý hợp lý, để bảo đảm tính linh hoạt và phù hợp với phương hướng, nhiệm vụ hoàn thiện tổ chức bộ máy của Chính phủ trong những năm tiếp theo, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan soạn thảo chỉnh lý dự thảo luật, chỉ quy định nội dung chính sách về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và những vấn đề mang tính nguyên tắc về quản lý Nhà nước đổi với công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, không quy định về chức năng, nhiệm vụ của các bộ tại dự thảo luật.

“Tại Nghị quyết số 37 ngày 16/3/2022, Chính phủ thống nhất chưa thay đổi cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe”, tờ trình nêu rõ.

Tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng An ninh ngày 10/4 và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp ngày 13/4, Chính đã chỉ đạo cơ quan soạn thảo tiếp thu và quy định rõ Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm về công tác quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Trừ điểm giấy phép lái xe của người vi phạm giao thông

Về những nội dung cụ thể như trừ điểm của giấy phép lái xe, dự thảo luật trình Quốc hội khóa XIV xác định đây là biện pháp quản lý hành chính Nhà nước. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu, tiếp thu ý kiến góp ý của nhiều chuyên gia và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Chính phủ cho rằng, đây là một hình thức xử lý vi phạm hành chính. Vì thế, cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Xử lý vi phạm hành chính thay vì quy định trong dự thảo luật này.

Cũng theo Chính phủ, Bộ Công an đang đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội Nghị quyết thí điểm về trừ điểm giấy phép lái xe đối với người vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông.  

Về thời điểm trình Quốc hội cho ý kiến và xem xét thông qua, cơ quan thẩm tra là Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị đưa vào chương trình năm 2024, cho ý kiến tại kỳ họp 7 (tháng 5/2024) thông qua tại kỳ họp 8 (tháng 10/2024).

Chính phủ cho rằng, thời gian chuẩn bị 2 dự án luật này đã kỹ lưỡng, trải qua nhiều lần lấy ý kiến, thẩm định, thẩm tra và do tính chất cấp bách của nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đề nghị trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến đồng thời 2 dự án luật tại kỳ họp tới và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).