Bộ Quốc phòng mới đây nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ Quốc phòng phối hợp với các đơn vị liên quan phúc tra sức khỏe theo Thông tư số 16 giữa Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng về khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.
Tại Thông tư 16 chỉ quy định khám lâm sàng các chuyên khoa, nhưng khi về các đơn vị lại khám cận lâm sàng (Điện tim, chụp X-quang, siêu âm,...) gây khó khăn cho địa phương giao quân. Nếu tổ chức khám cận lâm sàng thì phải trả kinh phí.
Trả lời kiến nghị này, Bộ Quốc phòng cho biết, hoạt động quân sự là loại hình lao động đặc biệt, có tính chất đặc thù, nặng nhọc và nguy hiểm nên yêu cầu rất cao về tiêu chuẩn sức khỏe.
Khi khám phân loại sức khỏe cho công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự cần tỉ mỉ, chặt chẽ, phối hợp khám lâm sàng và cận lâm sàng khi cần thiết để không bỏ sót các trường hợp bệnh lý mà không đủ tiêu chuẩn sức khỏe nhập ngũ.
Thông tư liên tịch số 16 quy định, “trường hợp cần xét nghiệm cận lâm sàng phục vụ cho kết luận sức khỏe của Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, bao gồm cả xét nghiệm phát hiện ma tuý”.
Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 16 quy định cách chấm điểm các chỉ tiêu: Thể lực; mắt; tai mũi họng; răng hàm mặt; nội khoa, tâm thần kinh; ngoại khoa; da liễu; sản phụ khoa đối với nữ. Trong đó, nhiều bệnh lý phải có xét nghiệm cận lâm sàng mới có thể phát hiện bệnh như: Viêm xoang, lao phổi, gai đôi cột sống, thoái hóa cột sống, u máu gan, nang gan, sỏi thận, sỏi mật, rối loạn dẫn truyền tim, một thận, thận lạc chỗ, thận móng ngựa, thận đa nang,....
Do vậy, Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự cấp huyện các địa phương căn cứ vào điều kiện thực tế để bổ sung các xét nghiệm cận lâm sàng. Kinh phí thực hiện khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự thực hiện theo quy định tại Thông tư 16.
Bộ Quốc phòng cho biết, hiện nay, Thông tư liên tịch số 16 đã hết hiệu lực, được thay thế bằng Thông tư số 105 quy định tiêu chuẩn sức khỏe, khám sức khỏe cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.
Trong đó quy định chi tiết nội dung khám lâm sàng và cận lâm sàng thống nhất giữa địa phương giao quân và đơn vị nhận quân khi khám sức khỏe, khám phúc tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự, hạn chế tối đa sót lọt các trường hợp bệnh lý không đủ tiêu chuẩn sức khỏe nhập ngũ.
XEM THÊM: Thông tư số 105
Căn cứ quy định tại Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 thì nhập ngũ (hay thực hiện nghĩa vụ quân sự) là việc công dân vào phục vụ có thời hạn trong lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân và lực lượng Cảnh sát biển. Hằng năm, gọi công dân nhập ngũ một lần vào tháng hai hoặc tháng ba; trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh thì được gọi công dân nhập ngũ lần thứ hai. Đối với địa phương có thảm họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm thì được điều chỉnh thời gian gọi nhập ngũ. Công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi. Thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng. Bộ trưởng Quốc phòng được quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ nhưng không quá 6 tháng trong một số trường hợp. |