Tại phiên chất vấn về lĩnh vực văn hóa xã hội vào chiều 7/11, nhiều đại biểu quan tâm đặt câu hỏi với Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Văn Hùng về một số vụ việc nổi lên gần đây liên quan đến giới văn nghệ sĩ.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP.HCM) đặt vấn đề giải pháp nào để bảo vệ cá nhân, tổ chức “cộng đồng mạng bạo hành”.

Dẫn 2 ví dụ là việc Hoa hậu Ý Nhi và phim Đất rừng phương Nam bị cộng đồng mạng “dập cho tơi bời”, bà Châu hỏi, lúc đó ai bảo vệ họ? Cách bảo vệ như thế nào? Hay phải chờ họ kiến nghị, khiếu nại và làm đơn.

“Góp ý xây dựng kiểu “đập cho chết” thì rất nguy hiểm”, theo nhận định của bà Châu.

dsc 2333.jpg
ĐB Tô Thị Bích Châu.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, những vấn đề liên quan đến không gian mạng, trách nhiệm chính quản lý nhà nước là Bộ TT-TT.

 Thời gian qua Bộ Văn hóa đã phối hợp chặt chẽ với Bộ TT-TT tháo gỡ, ngăn chặn thông tin xấu độc ảnh hưởng đến văn hóa, thuần phong mỹ tục của Việt Nam và đang xem xét xử lý.

Bộ Văn hóa đã ban hành quy tắc ứng xử đối với  đội ngũ làm nghệ thuật, có tính chất hướng dẫn về mặt đạo đức để thực hiện.

“Riêng nội dung có liên quan bộ phim Đất rừng phương Nam theo quy định của Luật Điện ảnh, Hội đồng thẩm định phim đã họp, xem xét và đánh giá “bộ phim này không vi phạm Luật Điện ảnh”.

“Dư luận chưa thật chuẩn xác khi cho rằng phim có biểu hiện này biểu hiện khác. Cũng cần xem xét và xử lý theo quy định nếu như có vấn đề xúc phạm và bôi xấu trong vấn đề này”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đề án chấn hưng văn hóa là làm cho nhiệm kỳ sau

ĐB Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) dẫn báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội về kết quả rà soát thực hiện các nghị quyết của Quốc hội cho thấy, nguồn lực cho công tác văn hóa, thể thao và du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để khắc phục tình trạng trên.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay Bộ Văn hóa nhận thức ở 2 cách tiếp cận.

Thứ nhất là nguồn lực theo nghĩa rộng, trong nhiệm kỳ này Đảng, Nhà nước, Quốc hội rất quan tâm lĩnh vực văn hóa thể hiện ở việc đặt văn hóa ngang với kinh tế và chính trị. Chính vị vậy mà đã tổ chức các hội nghị có liên quan.

071120230431 z4857638881395 2b08c6323fbf893a40a677779f6ac1c3.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu giải trình chiều nay. 

Trong đó có Hội nghị Văn hóa Toàn quốc dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Hội thảo về cơ chế nguồn lực do Chủ tịch Quốc hội chủ trì; Các hội thảo khác làm rõ những nội hàm về giá trị, hệ giá trị giúp ngành văn hóa có thêm niềm tin mới, nguồn lực mới, động lực mới để tập trung cho nhiệm vụ phát triển văn hóa theo tinh thần Nghị quyết 13 của Đảng.

Nguồn lực tài chính cũng được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Ngày 20/7/2004, Bộ Chính trị có quyết nghị chi cho văn hóa ít nhất 1,8% ngân sách nhưng kết thúc nhiệm kỳ 14, tổng chi cho văn hóa chỉ đạt 1,7%.  Nhiệm kỳ này đã có sự quan tâm chi 2% ngân sách. Thời gian qua Chính phủ đã có quyết nghị như đầu tư 1.428 tỉ cho 17 dự án trùng tu tôn tạo di tích ở 17 địa phương.

Các địa phương khác cũng tăng chi đầu tư cho lĩnh vực văn hóa như Vĩnh Phúc đầu tư cho làng văn hóa kiểu mẫu trên 6.200 tỷ, Hà Nội là 15.000 tỉ…

Vì vậy để có giải pháp căn cơ, sau khi tham mưu đúng và trúng, được Trung ương chấp thuận chủ trương, Quốc hội ban hành nghị quyết và Chính phủ giao nhiệm vụ, Bộ Văn hóa đang xây dựng Chương trình mục tiêu và chấn hưng phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn 10 năm.

Trong đó có 7 mục tiêu tổng quát, 9 dự án thành phần, nhấn mạnh dự án môi trường văn hóa, phát triển con người, nâng cao hiệu quả thông tin, bảo tồn phát huy các giá trị, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực…

Bộ trưởng hy vọng sau khi trình Quốc hội sẽ được phân bổ nguồn lực. “Đây cũng là đi trước vượt qua tư duy nhiệm kỳ, làm cho nhiệm kỳ sau chứ không phải làm cho nhiệm kỳ này”, ông Hùng nhấn mạnh.

Giải pháp nữa theo Bộ trưởng Hùng là nguồn lực phải bắt đầu tư cơ chế. Chính vì vậy Bộ Văn hóa phối hợp các bộ ngành để rà soát các bộ luật, tạo điều kiện theo hướng không chỉ quản lý mà kiến tạo để sửa đổi luật, tạo cơ chế khơi thông nguồn lực, lấy đầu tư công dẫn dắt và huy động nguồn lực xã hội để bổ sung cho nguồn lực văn hóa.