XEM VIDEO:
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung vào chiều 10/11, ĐB Vương Thị Hương, Hà Giang hỏi về chế độ lương hưu với người nghỉ trước năm 1995 hiện rất thấp và cuộc sống rất khó khăn, nhất là khi ảnh hưởng của dịch bệnh. “Bộ trưởng giải quyết vấn đề này như thế nào?”, ĐB hỏi.
Lương hưu thấp nhất được nâng lên 2,5 triệu đồng
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, Quốc hội khóa XIV trong phiên họp cuối cùng cũng đặt vấn đề này. Nghị quyết 34 của Quốc hội cũng yêu cầu rất rõ với Chính phủ về câu chuyện này.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, vừa qua khi bàn vấn đề này trước khi trình Hội nghị Trung ương 4, Chính phủ cũng đã báo cáo Quốc hội về việc tạm dừng cải cách tiền lương. Trong đó, Chính phủ đề xuất trình Quốc hội vẫn cho phép điều chỉnh lương hưu và đặc biệt quan tâm đến những người nghỉ hưu trước 1995, những người có lương hưu thấp.
Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung |
“Thực hiện lời hứa này, báo cáo đại biểu tôi không quên đâu. Suốt thời gian qua, Bộ thường xuyên tổ chức các đánh giá, hoàn thiện hồ sơ. Đến giờ này, Chính phủ đang lấy ý kiến các thành viên Chính phủ và chắc trong tháng 12 này trình Thủ tướng xem xét", Bộ trưởng LĐ-TB-XH nhấn mạnh.
Cụ thể, ông Dung cho biết, nếu như theo lộ trình cải cách tiền lương cho phép điều chỉnh lương hưu từ 1/7/2022, nay do tác động dịch, khó khăn của người nghỉ hưu do thời gian qua chế độ lương hưu chưa được điều chỉnh.
"Chúng tôi đề xuất xin Thủ tướng, Chính phủ điều chỉnh sớm hơn 7 tháng, áp dụng từ 1/1/2022 với mức điều chỉnh dự kiến 7,4%. Tổng kinh phí điều chỉnh lương hưu là 12.650 tỉ đồng, trong đó ngân sách đầu tư và bổ sung lương hưu cho các bác nghỉ trước 1995 là 3.648 tỷ đồng.
Người nghỉ hưu có lương thấp hơn 2,5 triệu sẽ được bổ sung đảm bảo mặt bằng chung thấp nhất 2,5 triệu. Như vậy, chúng tôi sẽ phấn đấu hoàn thiện hồ sơ để cố gắng ngày 1/1/2022 các bác hưởng chính sách lương hưu mới", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Đời sống tốt thì chắc chắn không bao giờ bán sổ bảo hiểm
Về câu hỏi của ĐB Nguyễn Thị Lệ, TP.HCM, Bộ trưởng cho biết khái niệm bán sổ BHXH thực chất người lao động đang tham gia BHXH, sau đó rút BHXH rồi hưởng chính sách 1 lần, và ngại đi làm thủ tục hoặc vì một số lý do nhượng lại sổ BHXH cho người khác để hưởng.
"Về bản chất là làm sao giảm bớt rút thưởng BHXH 1 lần. Năm 2021 cho đến giờ này có khoảng 870.000 đã rút BHXH 1 lần, nếu so với 2020 thì con số này gia tăng rất nhiều, trong đó có nhiều lý do như đời sống khó khăn", ông Dung lý giải.
Theo Bộ trưởng cần phải chăm lo cho đời sống người lao động, bởi phần đa rút bảo hiểm 1 lần và bán sổ bảo hiểm 1 lần rơi hầu hết vào công nhân lao động, những người có hoàn cảnh khó khăn và gặp phải hoàn cảnh éo le. Vì vậy, để giải quyết gốc chính của vấn đề này là nâng cao đời sống của người lao động.
"Đời sống tốt rồi thì chắc chắn không bao giờ bán sổ bảo hiểm", Bộ trưởng LĐ-TB-XH khẳng định.
Ngoài ra, ông cho rằng, cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức để cho người lao động hiểu và thấy rằng sự cần thiết cũng như lợi ích lâu dài có BHXH để người ta có khoản lương hưu khi về già.
"Nói như các nước phát triển, khi nào ở các nước phát triển phải trở thành văn hóa an sinh, hay văn hóa bảo hiểm thì bấy giờ mới thành công", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo ông Dung, chắc chắn phải tổng kết nghị quyết 93, để thực hiện Điều 60 của Luật BHXH, trong đó có vấn đề rút bảo hiểm 1 lần. Đồng thời giải pháp căn cơ nữa là phải sửa Luật BHXH.
"Chúng tôi đã hoàn thiện hồ sơ, phấn đấu 2022 trình Quốc hội xem xét, trong đó bên cạnh việc hưởng chính sách 1 lần thì sẽ tăng cường các lợi ích khác đối với người lao động như không rút BHXH 1 lần thì ngoài chuyện tiền ra họ còn được hưởng chính sách khác như đi tham quan, du lịch... kinh nghiệm các nước họ thường làm theo cách này", ông Đào Ngọc Dung nói.
Thu Hằng - Hồng Nhì - Trần Thường
Ông Đào Ngọc Dung: Việt Nam đứng đầu ASEAN về đảm bảo an sinh
Việt Nam là quốc gia đứng đầu khối ASEAN về chính sách đảm bảo an sinh, dù điều kiện đất nước còn không ít khó khăn.