- "Việc nâng cấp đường sắt là cần thiết, nhưng nâng cấp cũng chỉ giải quyết được một phần nào đó chứ không thể giải quyết được triệt để như tính chất của đường bộ. Về lâu dài, bộ sẽ quy hoạch một tuyến mới, tuyến đó phải là tuyến đường đôi cơ giới hoá, hiện đại hoá”.


Sáng nay (15/2), Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng đã có cuộc trao đổi với báo giới xung quanh vụ tai nạn cầu Ghềnh.

- Vụ tai nạn cầu Ghềnh xảy ra như lời cảnh báo về mối nguy hiển cho việc sử dụng chung đường sắt và đường bộ. Bộ trưởng có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

Ông Hồ Nghĩa Dũng
Tốt nhất nên có cầu đi riêng cho đường bộ và đường sắt. Nhưng nguồn lực của đất nước chi phối rất nhiều. Hiện nay chúng ta có 5.000 cái cầu thì có khoảng 700 cái cầu yếu phải cấp bách xử lý mà nguồn lực của đất nước không thể nào giải quyết được một sớm, một chiều nên chúng ta vẫn phải sử dụng đường sắt chung với đường bộ.

Vấn đề cầu đi chung không chỉ ở nước ta mới có, kể cả những nước trình độ như chúng ta, cao hơn chúng ta và thậm chí có những nước còn trình độ tiên tiến nữa người ta vẫn có những cái phải sử dụng chung.

- Vậy vấn đề quản lý, điều hành ở cầu Ghềnh có vấn đề?

Trong mấy chục năm vừa qua chúng ta quản lý và chưa có xảy ra một vụ tai nạn nào nặng như vụ tai nạn cầu Ghềnh. Cho nên nếu đổ hết lỗi cho cầu đi chung cũng không phải, mà ở đây ý thức giao thông của con người cũng là quan trọng. Tất nhiên về mặt quản lý ở đây cũng có sai sót khuyết điểm.

Vụ tai nạn cầu Ghềnh, những người quản lý có vấn đề, tất nhiên các cơ quan sẽ xem xét cụ thể ,nhưng ở trong đó rõ ràng có vấn đề văn hoá giao thông, ý thức tuân thủ pháp luật tham gia giao thông chưa tốt.

Chúng ta phải đồng bộ giải quyết, chứ không phải đơn thuần vì một vụ tai nạn thì ngay một lúc phải làm tất cả cây cầu đi chung thì chưa đủ lực.       

- Có ý kiến cho rằng, việc nâng cấp hạ tầng cơ sở đường sắt “chìm” hơn so với đường bộ và các loại hình đường khác. Bộ trưởng có ý kiến gì về nhận định này?

Đầu tư nâng cấp đường sắt có tính chất khác với đường bộ. Nếu như trên hệ thống đường sắt hiện có mà đầu tư theo quy mô hiện đại, quy mô mới như đường bộ là bất khả kháng. Đường sắt hiện tại là đường sắt 1m, không thể hiện đại hoá nó được, thêm vào đó hành lang an toàn giao thông của đường sắt hầu như bị lấn chiếm hoàn toàn cho nên ngành cũng có những bức xúc, phê phán nhiều về chuyện đường ngang, chuyện hành lang…

Chúng ta nhìn cũng thấy rõ, không có ở nước nào mà tàu hoả chạy sát sạt ở khu dân cứ đến như thế. Nhưng chúng ta giải quyết vấn đề này không phải đơn giả. Như vậy để thấy rằng, trên kết cấu hạ tầng đường sắt hiện tại với quy mô và tính chất như vậy thì việc đầu tư hiện đại hoá là bất cập.

Việc nâng cấp đường sắt là cần thiết, nhưng nâng cấp cũng chỉ giải quyết được một phần nào đó, chứ không thể giải quyết được triệt để được như là tính chất của đường bộ. Về lâu dài, Bộ sẽ quy hoạch một tuyến mới, tuyến đó phải là tuyến đường sắt đôi, tuyến đường sắt cơ giới hoá, hiện đại hoá thì mới giải quyết được một cách đồng bộ. Vấn đề này đang được nghiên cứu. 

“Đầu tư cho đường sắt còn hạn chế”

Cũng liên quan đến vụ tai nạn cầu Ghềnh và xung quanh những tồn tại của đường sắt Việt Nam, trao đổi riêng với VietNamNet, ông Nguyễn Văn Doanh, Cục phó Cục Đường sắt Việt Nam cho biết: Đầu tư cho đường sắt ở nước ta còn quá hạn chế do còn thiếu nguồn lực tài chính đầu tư.

- Ông đánh giá trách nhiệm của cơ quan quản lý đường sắt đoạn qua cầu Ghềnh như thế nào?

Về trách nhiệm, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước, người thi hành nếu không thực hiện quy định thì sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật. Nếu lỗi nhẹ sẽ xử lý hành chính, còn lỗi nặng sẽ chuyển cơ quan CSĐT để xử lý hình sự.

- Hiện cả nước còn 10 cây cầu đi chung như cầu Ghềnh. Vậy trách nhiệm và hướng xử lý của Cục  Đường sắt về xử lý cầu đi chung như thế nào?

Sau vụ tai nạn cầu Ghềnh, chúng tôi sẽ phải tiến hành rà soát lại tất cả các quy định về an toàn và nếu thấy quy định nào thiếu hoặc chưa chặt chẽ là nguyên nhân dẫn đến sai phạm ngoài mong muốn thì sẽ tiến hành bổ sung, sửa đổi.

Hiện tại, toàn bộ quy định về vận hành cầu chung chưa có thay đổi và vẫn đang được áp dụng cho đến thời điểm này. Việc sử dụng cầu đi chung cũng là việc cực chẳng đã trong điều kiện chúng ta chưa tách riêng được các loại phương tiện mà vẫn phải dùng chung.

Mục tiêu là phải tách rời cầu đi chung ra, nhưng việc này đòi hỏi cần phải có lộ trình, chứ không thể ngay một lúc xử lý được tất cả các điểm đi chung.

Chúng tôi cũng đang ra soát lại từng cây cầu đi chung ở từng địa phương để xem xét tách và phân lại giao thông ở cầu đấy, vì không thể đơn phương một ngành nào đó mà làm được. Nếu không có cầu mới mà cấm lưu thông cầu cũ thì sẽ tác động đến hoạt động kinh tế xã hội của địa phương khu vực đó.

- Ông đánh giá thế nào về chất lượng đường sắt Việt Nam so với các nước trong khu vực? 

Về hệ thống an toàn thì chúng ta thua kém, do hệ thống giao cắt của nước ta rất nhiều. Trong phạm vi có 3.000 km đường sắt nước ta có tới 6.000 điểm giao cắt, như vậy bình quân cứ 1km đường sắt chúng ta có 2 điểm giao cắt. So với các nước trong khu vực như: Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Myanma thì bình quân chỉ có 1,7 km có 1 điểm giao cắt, trong khi ở nước ta có tới hơn 80% các vụ tai nạn xảy ra tại điểm giao cắt. Còn việc cầu chung cũng chỉ là vấn đề hãn hữu.

- Việc đầu tư nâng cấp đảm bảo an toàn cho hệ thống đường sắt nước ta như thế nào?

Đầu tư cho đường sắt còn quá hạn chế, mặc dù để xử lý an toàn, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 32, rồi Kế hoạch 1856 để khắc phục nhược điểm của hệ thống giao cắt, xoá bỏ hệ thống giao cắt. Tuy nhiên, nguồn lực tài chính đầu tư cho vấn đề này rất hạn chế. Với kế hoạch  từ năm 2008 đến 2010, theo kế hoạch của Chính phủ cần khoảng 2.500 tỷ đồng, nhưng trong thực tế Chính phủ mới bố trí được gần 150 tỷ đồng nên nguồn vốn quá ít so với yêu cầu.

- Ông đánh giá như thế nào về việc Bộ GTVT trình Quốc hội việc xây dựng đường sắt cao tốc, trong khi tuyến đường sắt hiện tại đang ngày càng lạc hậu xuống cấp lại, chưa được quan tâm đúng mức?

Việc đường sắt cao tốc đã có nghị quyết của Bộ Chính trị khoá trước cũng như đã được đưa vào nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XI. Cá nhân tôi cho rằng kết quả cái đó còn phải nghiên cứu. Xét cho cùng đó là mục tiêu mà chúng ta phải hướng tới. Nếu không làm được hôm nay thì một vài năm sau chúng ta cũng phải tiếp cận được với công nghệ của thế giới.

- Xin cám ơn ông!

Vũ Điệp (Thực hiện)