Mạnh mẽ khai phá những không gian mới, biết phát huy thế mạnh từ điểm yếu, tự làm “chuột bạch” để thực hiện việc khó rồi qua đó mở ra thị trường rất lớn… là những gợi mở của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng với Tổng công ty viễn thông MobiFone tại buổi tổng kết năm 2023 của đơn vị này. VietNamNet trân trọng giới thiệu bài phát biểu của Bộ trưởng tại sự kiện.

mobifone nguyen manh hung.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Đầu tư công nghệ mới 5G thì chưa chắc đã thành công, nhưng không đầu tư 5G thì chắc chắn chết. Viễn thông mà không đầu tư liên tục thì sẽ chết. (Ảnh: Mobifone)

Mobifone có đặt hàng tôi 5 câu hỏi lớn. Phát biểu của tôi sẽ tập trung trả lời 5 câu hỏi này.

Thứ nhất, về đầu tư 5G, về đầu tư hạ tầng mạng

Đầu tư 5G vào năm đầu tiên của công nghệ 5G, tức là năm 2020, so với sau 4 năm, tức là năm 2024, thì giá thiết bị giảm 4 lần. Không cần ngần ngại gì để không phủ sóng rộng toàn quốc. Giá thiết bị đã giảm 4 lần thì cơ bản sẽ giảm tiếp rất chậm. Thuê bao 5G thế giới cũng đã đạt 15% rồi, 5G cũng đã tải gần 1/4 tổng lưu lượng data di động rồi, không còn quá sớm để phải phủ sóng hẹp nữa rồi.

Viễn thông mà không đầu tư liên tục thì sẽ chết. Vậy thì không còn câu hỏi đầu tư hay không đầu tư nữa, mà chỉ còn câu hỏi đầu tư thế nào và khi nào.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Hạ tầng thì phải đầu tư trước, rồi kinh doanh sau. Di động là một mạng, không thể phủ sóng 3 thành phố mà thành một mạng di động được. Đầu tư 3 thành phố HN, HCM, ĐN thì đầu tư giảm 5-6 lần so với đầu tư toàn quốc, nhưng doanh thu thì không giảm 5-6 lần so với mạng toàn quốc, mà giảm 50-60 lần so với mạng toàn quốc. Đó là bản chất kinh doanh của di động. Đầu tư 100 triệu USD thì mất hết, đầu tư 200 triệu USD thì mất hết, đầu tư 300 triệu USD, 400 triệu USD thì cũng mất hết, đầu tư 1 tỷ USD thì sinh ra 2-3 tỷ USD. Đó là bản chất của kinh doanh di động.

Đầu tư công nghệ mới 5G thì chưa chắc đã thành công, nhưng không đầu tư 5G thì chắc chắn chết. Viễn thông mà không đầu tư liên tục thì sẽ chết. Vậy thì không còn câu hỏi đầu tư hay không đầu tư nữa, mà chỉ còn câu hỏi đầu tư thế nào và khi nào thôi.

Cách đây 4 năm mà làm 5G thì nên làm 4,5G, thậm chí phải làm 4,5G, vì thiết bị 5G chưa sẵn sàng, đầu cuối còn ít hơn nữa. Phủ sóng ngày ấy thì cũng nên lỗ chỗ, vì thiết bị đắt, mà làm lỗ chỗ thì 4,5G tốt hơn 5G. Bây giờ mà làm thì làm toàn quốc, và đã toàn quốc thì nên là 5G SA. SA thì đắt hơn hơn NSA, chỉ 5-10%, là không đáng kể, mà chỉ đắt hơn ở phần lõi, tức là phần có người dùng, có thuê bao mới thì mới phải đầu tư, khác BTS phải đầu tư trước. Nếu xét vậy thì đầu tư 5G SA giai đoạn đầu cũng không đắt hơn đến 5-10%.

Mobifone mà muốn giảm đầu tư thì hãy gộp tần số với một doanh nghiệp khác mà đầu tư. 5G là có cái lợi là chia sẻ hạ tầng BTS được. Giảm chi phí đầu tư là khá lớn.

Các ứng dụng 5G thì qua 4-5 năm, thế giới đã sáng tạo ra hàng trăm ngàn ứng dụng 5G, Mobifone cũng không phải nghiên cứu gì nhiều, chọn cái phù hợp mang về mà dùng thôi. Nhiều ứng dụng là khá đơn giản và hiệu quả cao. 

mobifone 5g.jpg
5G là có cái lợi là chia sẻ hạ tầng BTS được, giảm chi phí đầu tư là khá lớn. (Ảnh: N.M)

Từ 5G trở đi, ứng dụng mới sẽ quyết định doanh thu nhà mạng, bởi vậy, nhà mạng thế hệ mới thì phải nghiên cứu phát triển các ứng dụng mới. Hoạt động nghiên cứu sẽ là hoạt động chính của nhà mạng. China Mobile chi 3-4% doanh thu hằng năm cho nghiên cứu, phát triển (NCPT). Thời 2/3/4G thì nhà mạng chỉ cần bán alo, bán nhắn tin, bán data, mà không cần phải nghĩ, phải sáng tạo cái gì mới cả. Thời 5G thì không như vậy nữa.

Kinh doanh di động hiệu quả hay không thì không phải do đầu tư nhiều hay ít, hay tiết kiệm chi phí, mà chính là do kinh doanh có tốt hay không, do bán hàng là chính. Bán được 50% dung lượng đầu tư so với bán được 10% dung lượng đầu tư là giá dịch vụ giảm 5 lần, là hiệu quả tăng lên hàng chục lần. Bởi vậy, thay vì cứ nghĩ chuyện đầu tư nhiều hay ít, toàn quốc hay không toàn quốc thì việc chính lại là bán hàng, lại là sáng tạo dịch vụ để bán.

Đã vào sân chơi viễn thông thì không phải nhỏ thì đầu tư nhỏ, mà ngược lại, nhỏ phải đầu tư lớn hơn, ông nhỏ nhất muốn thắng thì mạng phải to hơn để chất lượng tốt hơn. Không thể đã nhỏ hơn, thương hiệu kém hơn, chất lượng kém hơn mà lại đầu tư ít hơn để chất lượng lại kém đi nữa. Nếu vậy thì chết là chắc. 

Hiện nay, tốc độ tối thiểu của 3 nhà mạng lớn là như sau: Viettel là 16,8Mbps, Vinaphone là 16,6Mbps, Mobifone là 9,3Mbps - chỉ bằng 55% so với nhà mạng tốt nhất. Cũng vì chất lượng kém hơn mà kinh doanh suy giảm liên tục 3 năm nay, năm 2022 giảm 4% và năm nay 2023 giảm tiếp 10%. 

Viettel khi đi ra nước ngoài thì luôn là nhà mạng nhỏ nhất. Chiến lược khi đó là mạng phải to hơn ông to nhất ngay từ đầu, sau đó mới kinh doanh, và vì thế mà họ 7/10 nước đã vươn lên thành số 1 mặc dù vào sau hàng chục năm.

Thứ hai, về đầu tư cho nghiên cứu để làm chủ công nghệ mới, nhất là AI

Đã là công nghệ chủ chốt của lĩnh vực công nghệ số, trong 30-50 năm tới, thì Mobifone phải làm chủ, nếu muốn tồn tại trong thị trường này, lĩnh vực này.

Giỏi là do được làm nhiều, làm việc khó mà giỏi.  Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Muốn làm chủ AI thì khó nhất không phải công nghệ, không phải nhân lực, mà là có bài toán không, bài toán có đủ lớn không, dữ liệu có đủ lớn không. Mà bài toán lớn nhất chính là chuyển đổi số (CĐS) Mobifone, là AI hoá toàn bộ hoạt động của Mobifone. Hãy lấy chính mình ra làm chuột bạch, làm phòng thí nghiệm. AI thì khó nhất là dữ liệu, là tri thức nghề. Hai cái này để CĐS Mobifone thì Mobifone đã có sẵn. Làm cho mình trước, làm cho mình xong thì Mobifone sẽ có cái được thứ hai là xuất hiện một thế hệ kỹ sư giỏi AI. Giỏi là do được làm nhiều mà giỏi. Giỏi là do được làm việc khó mà giỏi. Cái được thứ ba rất quan trọng là Mobifone học được nghề CĐS một doanh nghiệp lớn, rồi mang tri thức này đi làm CĐS cho các tập đoàn, tổng công ty lớn của đất nước, mở ra một thị trường rất lớn.

Nguồn nhân lực AI khan hiếm. Nguồn nhân lực này không khan hiếm. Nó khan hiếm là vì ta không có việc đủ lớn, không có dữ liệu đủ lớn, và không dám trả lương cao cho một vài người. Hai cái đầu thì Mobifone đã có. Cái thứ ba là trả lương cao cho một vài người xuất sắc thì Mobifone hoàn toàn làm được. Không phải chỉ tìm người tài ở Việt Nam mà hãy tìm trên phạm vi toàn cầu. Vậy, vẫn là vấn đề dám hay không mà thôi. Mà dám hay không thì lại là do mình có tin, có đủ cơ sở lý luận để tin vào quyết định của mình hay không để làm mạnh mẽ, làm cho tới.

mobifone ai.jpg
Bài toán lớn nhất chính là chuyển đổi số (CĐS) Mobifone, là AI hoá toàn bộ hoạt động của Mobifone. (Ảnh: N.M)

Nhà nước ta đã nhìn thấy tầm quan trọng của NCPT trong việc nâng cao năng suất lao động (NSLĐ), năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, nên đã cho phép trích 10% lợi nhuận trước thuế cho NCPT. Mobifone chỉ cần dùng mức này liên tục hằng năm là đã đủ để đứng ở tuyến đầu về công nghệ của Việt Nam rồi. 

Không phải chỉ tìm người tài ở Việt Nam mà hãy tìm trên phạm vi toàn cầu. Vậy, vẫn là vấn đề dám hay không mà thôi. Mà dám hay không thì lại là do mình có tin, có đủ cơ sở lý luận để tin vào quyết định của mình hay không để làm mạnh mẽ, làm cho tới. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Về AI, nhất là AI thế hệ mới, thì các nhà mạng Việt Nam là cùng điểm xuất phát. Mobifone không kém các nhà mạng khác là bao nhiêu cả. 

Đầu tư cho NCPT thì ý tưởng quan trọng hơn tiền. Mobifone mỗi năm được trích quỹ NCPT 2-300 tỷ là đủ rồi, trước mắt không cần hơn. Tập trung ngay vào giải quyết các bài toán sinh ra lợi ích cho khách hàng, bài toán tối ưu hoạt động của Mobifone.

Về việc dùng AI, công nghệ số để tạo ra thật nhiều ứng dụng mới cho khách hàng thì Mobifone hãy mở cửa cho hàng trăm doanh nghiệp công nghệ số hợp tác với mình. Doanh nghiệp sáng tạo mà xuất sắc thì thường là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chứ không phải doanh nghiệp lớn. Mô hình hợp tác hiệu quả nhất có thể là, doanh nghiệp bỏ tiền nghiên cứu, đầu tư cung cấp dịch vụ, Mobifone thì thu đủ tiền sử dụng mạng lưới, và ăn chia thêm một phần doanh thu dịch vụ vì doanh nghiệp hợp tác có sử dụng thu cước, sử dụng CSDL khách hàng, thương hiệu của Mobifone.

Thứ ba, về kênh phân phối, online hay offline 

Chúng ta mà khống chế được sim rác thì số sim bán ra hằng năm sẽ không nhiều, chỉ vài triệu, không phải là nhân tố chính quyết định kinh doanh của Mobifone. Tuy nhiên, Bộ cũng đang cân nhắc một doanh nghiệp có mạng lưới bán hàng rộng khắp toàn quốc, đảm bảo việc bán sim đúng pháp luật, để làm đại lý cho các nhà mạng như Mobifone. 

Bộ cũng đang hoàn thiện việc đăng ký sim từ xa, người dân không phải đến cửa hàng hay đại lý. Về lâu dài, kênh chính sẽ là online. Nhân việc Mobifone có ít cửa hàng thì hãy đi đầu về kênh online, vì nó là tương lai. Cái gì mà mình kém người khác thì thực ra lại là cơ hội để đi đầu về một cái khác. Mobifone chưa có thói quen tư duy theo hướng này, mà mới chỉ nhìn thấy mình kém người ta và chán nản.

Mạng di động ảo không phải một kênh bán hàng cho nhà mạng. Vừa qua làm như vậy là không đúng. Bộ sẽ xử lý nghiêm việc này. Mạng di động ảo là mua sỉ, rồi sử dụng hệ thống của mình tạo thành các dịch vụ có giá trị tăng thêm, khác với dịch vụ của nhà mạng, định giá sản phẩm rồi bán. Bộ TT&TT cấp phép cho mạng di động ảo là mong muốn đa dạng hoá dịch vụ cho khách hàng, tăng tính cạnh tranh.

mobifone.jpg

Thứ tư, về hợp tác của nhà mạng với các doanh nghiệp khác để phát triển dịch vụ mới

Trong cái thời chuyển đổi này thì không ai là người giỏi nhất. Trọng tâm của thời chuyển đổi này là hợp tác. Ai hợp tác tốt người đó sẽ thắng. Mobifone có lợi thế là nhỏ, lại không có tư duy tự làm mọi thứ từ đầu nên đây chính là lợi thế.

Trong thời chuyển đổi này thì không ai là người giỏi nhất. Trọng tâm của thời chuyển đổi này là hợp tác. Ai hợp tác tốt người đó sẽ thắng. Mobifone có lợi thế là nhỏ, lại không có tư duy tự làm mọi thứ từ đầu nên đây chính là lợi thế.  Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Hợp tác thì không biết ăn chia thế nào. Thực ra không phải là không biết ăn chia thế nào mà là sợ người khác ăn nhiều quá. Nếu mình tư duy ngược lại, nếu không có hợp tác thì mình không có đồng nào, vậy có hợp tác mà thêm được một đồng thì là tốt rồi. Cách mà bên Úc họ làm là như sau. Nhà mạng và doanh nghiệp hợp tác để cung cấp một dịch vụ mới, tạm gọi là X. Dịch vụ X này sẽ do doanh nghiệp NCPT và đầu tư. Dịch vụ X này dùng mạng lưới bao nhiêu thì trả cho nhà mạng bấy nhiêu theo giá thị trường, tức là nhà mạng đã có lãi. Phần doanh thu trừ đi phí dịch vụ viễn thông thì chia nhau. Nhà mạng lấy khoảng 20%, lý do là vì doanh nghiệp có sử dụng CSDL khách hàng, thu cước, thương hiệu của nhà mạng.

Hợp tác thì sợ không làm chủ. Mobifone sẽ không thể làm chủ được hết. Vậy hãy xác định cái gì là cốt lõi của Mobifone để làm chủ. Và hãy tập trung vào đây để làm chủ thôi, còn lại là hợp tác.

Có một cái khác mà Mobifone có thể làm, và nên làm, là xây dựng các nền tảng số, để các cá nhân, doanh nghiệp khác dựa trên hạ tầng này để sáng tạo dịch vụ bán cho khách hàng, hoặc dùng nền tảng này như công cụ làm việc của họ, hoặc dùng nền tảng này để sáng tạo dịch vụ chạy trên mạng của Mobifone. Tức là tạo nền tảng cho người dân, doanh nghiệp kinh doanh, làm ăn.

Trong định nghĩa về hạ tầng số của Việt Nam, có một thành phần mới là cung cấp công nghệ như dịch vụ. Cái khác biệt căn bản của CMCN 4.0 là công nghệ có thể được cung cấp dưới dạng dịch vụ. Công nghệ mà mua thì hàng chục, hàng trăm tỷ, rất ít ai có khả năng. Nhưng dưới dạng dịch vụ thì có thể chỉ vài trăm ngàn mỗi tháng. Công nghệ dưới dạng dịch vụ đã được cung cấp phổ biến là phân tích dữ liệu, AI. Đây chính là những thuê bao mới của Mobifone. Rồi mỗi người sẽ có 1 trợ lý ảo, vậy là sẽ có hàng trăm triệu khách hàng mỗi tháng trả 100 ngàn đồng, thị trường này còn lớn hơn thị trường di động. Mobifone có được thêm 30 triệu thuê bao loại này, thì thay vì chỉ có 20 triệu khách hàng di động thì sẽ có 50 triệu khách hàng các loại.

Thứ năm, về luân chuyển cán bộ

Luân chuyển cán bộ là chủ trương của Đảng ta. Thậm chí còn quy định một số vị trí không quá 2 nhiệm kỳ. Thông qua đó để đào tạo cán bộ, để lộ ra cán bộ.

Một tổ chức không luân chuyển mà làm việc luân chuyển lần đầu thì sẽ thấy rất phức tạp. Vì tâm lý là ở đâu lâu thì quen đó, đi sang nơi mới là ngại và sợ. Cũng vì ngại và sợ mà sẽ tìm mọi cách để không đi.

Nhưng một tổ chức khác mà việc luân chuyển là thường xuyên thì không thoái thác, lâu không đi còn xin đi. 

Vậy chỉ khó lần đầu, người đầu, sau khi làm lần đầu thì những lần sau sẽ dễ đi rất nhiều.

Sang môi trường mới thì tự nhiên con người phải năng động hơn. Ngoài ra, mình đến từ nơi khác nên cũng dễ nhìn thấy vấn đề của tổ chức mới mà người cũ không nhận ra. Vậy là đến nơi mới thì đổi mới nơi đó. Vậy là tốt cho tổ chức đó.

Mỗi khi có vấn đề ở đâu đó, ở một tổ chức nào đó thì phải coi đó là một cơ hội để thử thách một người tiềm năng để tìm ra một người tài. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Đến môi trường mới, công việc mới, con người mới, văn hoá mới cũng sẽ tạo ra áp lực. Mà con người thường chỉ cố gắng khi có áp lực. 

Luân chuyển nếu có thành tích thì phải được ghi lại trong hồ sơ lý lịch, để sau này khi bổ nhiệm cán bộ thì nhìn vào thành tích. Người không có thành tích thì không nên bổ nhiệm vị trí cao hơn. Mobifone nên có thêm một cột trong hồ sơ cán bộ để ghi thành tích mà cán bộ tạo ra tại từng vị trí đã qua.

Mỗi khi có vấn đề ở đâu đó, ở một tổ chức nào đó thì phải coi đó là một cơ hội để thử thách một người tiềm năng để tìm ra một người tài. 

Tại Hội nghị tổng kết năm 2023 của VNPT cũng đã có phân tích về các không gian tăng trưởng mới của nhà mạng, có thể tham khảo phát biểu cụ thể tại đây.

Thế mạnh của Mobifone xuất phát từ chính những điểm yếu của Mobifone. Thí dụ như kinh doanh đang suy giảm thì sẽ chịu khó học hỏi, tìm tòi hướng đi, quyết tâm vươn lên. Mạng lưới mà kém, thuê bao mà ít, tiền mà ít thì sẽ tìm cách thiết kế mạng tối ưu, biết quý, biết tiết kiệm từng trạm phát sóng. Ít người thì chuyển đổi dễ hơn, Viettel, VNPT người gấp hàng chục lần thì chuyển đổi cũng khó hơn hàng chục lần. Ít tiền thì làm gì cũng hiệu quả hơn. Yếu về nguồn lực bên trong thì sẽ mạnh mẽ hợp tác. Ít người tài thì sẽ đi cầu tài, vì thế mà có nhiều người tài.

Tôi xin chúc cho Mobifone mạnh mẽ khai phá các không gian mới. Hãy coi như Mobifone được khai sinh lần 2 vậy. Mấy năm liên tục suy giảm, thêm một hai năm như vậy nữa là Mobifone sẽ không còn. Đường đi thì Bộ đã chỉ rõ, vấn đề là có niềm tin để làm mạnh mẽ, làm đến nơi. Làm mà không tới, nhất là về hạ tầng, lại trong môi trường có cạnh tranh, thì tiền mất, tật mang. Hãy ra quyết định lớn và làm cho tới. Đối với ngành viễn thông này, không làm cũng chết, làm mà không tới cũng chết. Vậy thì hãy làm cho tới, hoặc là bỏ nghề. Lúc này thì không phải là lựa chọn cái gì mà là làm cho tới cái mình đã chọn là quan trọng nhất với Mobifone.