Sáng 7/7, tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hải Phòng về khôi phục sản xuất chăn nuôi và đi kiểm tra thực tế trang trại chăn nuôi ở xã Mỹ Đức (An Lão, Hải Phòng), Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ đã và đang chỉ đạo thực hiện tổng hợp nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh nguồn cung để bình ổn thị trường thịt lợn, như nhập khẩu thịt lợn và nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan. Song đây chỉ là những giải pháp tình thế. Về lâu dài vẫn phải là phát triển đàn lợn trong nước.

Bộ trưởng Cường nhấn mạnh, trong khôi phục sản xuất chăn nuôi lợn vấn đề quan trọng nhất là phải đảm bảo được con giống chất lượng để áp ứng nhu cầu tái đàn và tăng đàn.

Đến nay đàn lợn giống gốc chúng ta giữ được đàn hạt nhân bao gồm 120 nghìn con lợn cụ kị, ông bà và có khoảng 2,8 triệu con đàn lợn nái. Với số lượng này, theo tính toán vào quý 4 năm nay sẽ đáp ứng 11 triệu lợn con phục vụ nuôi thương phẩm. Đây là điểm cốt lõi để khôi phục lại đàn lợn cả nước so với thời điểm trước khi dịch xảy ra, Bộ trưởng Cường khẳng định.

{keywords}
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trong chuyến đi thực tế đến trang trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học ở Hải Phòng

Song ông cũng lưu ý, hầu hết các đàn lợn giống đều nằm trong khu vực chăn nuôi lớn. Vì vậy, để đẩy nhanh tốc độ tái đàn cả trong các HTX, trang trại, gia trại, nông hộ chăn nuôi lớn thì cần đẩy mạnh phát triển đàn lợn giống, bán lợn giống cho các nông hộ. Ngoài ra cũng cần hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ vốn cho người chăn nuôi sau khi thiệt hại nặng bởi dịch bệnh.

Công tác tái đàn, tăng đàn trên cả nước đang tiến triển tốt. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kỳ vọng, tới quý 4 năm nay, tổng đàn lợn sẽ tương đương so với trước khi có dịch tả lợn châu Phi xảy ra.

Để đạt được mục tiêu này, người đứng đầu ngành nông nghiệp yêu cầu các đơn vị doanh nghiệp tập trung nhóm giải pháp kỹ thuật làm sao đảm bảo hệ số sinh sản của đàn lợn. Khuyến khích các doanh nghiệp bán lợn giống cho các hộ chăn nuôi, trang trại quy mô vừa và nhỏ có điều kiện tiếp cận. Còn nếu chỉ có 1 phương thức như hiện nay là sinh sản ra con giống sau này nuôi đến lợn hậu bị thì bà con nông dân sẽ phải chi phí rất nhiều. Điều này sẽ khó đáp ứng nhanh ở khu vực tái đàn trên diện rộng.

Thông tin về vấn đề tái đàn, tăng đàn lợn ở trang trại của mình, Ông Bùi Minh Họa – chủ trang trại lợn chăn nuôi a toàn sinh học ở xã Mỹ Đức (An Lão, Hải Phòng) cho hay, đàn lợn tại trang trại đã khôi phục gần như hoàn toàn so với thời điểm trước khi có dịch tả lợn châu Phi xảy ra.

Theo kế hoạch, đến tháng 9 tới, trại sẽ khai thác ổn định 750 nái, 4.500 con lợn sữa và lợn hậu bị. Đến tháng 11 năm nay, trại sẽ có 6.000 con lợn sữa và lợn hậu bị.

“Lúc trước khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra, trang trại chỉ có 620 con lợn nái. Thời điểm bây giờ có 500 con lợn nái và khoảng 1-2 tháng số lượng sẽ đạt 750 con. Lúc đó sẽ khôi phục hoàn toàn đàn lợn so với thời điểm dịch tả lợn Châu Phi xảy ra. Còn tính đến quý 4 năm nay, lợn nái trong trang trại sẽ tăng lên 950 con”, ông Họa thông tin.

Với số lượng như trên, mỗi tháng đàn nái này đẻ được hơn 1.000 lợn con để cung cấp giống cho các gia trại, trang trại chăn nuôi trong vùng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố Hải Phòng cho biết, tính đến tháng 6 năm nay, tổng đàn lợn của Hải Phòng đạt hơn 114.300 con, bằng 88,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Dịch tả lợn châu Phi xảy ra, Hải Phòng phải tiêu hủy gần 32.000 con lợn nái, chiếm hơn 60% tổng đàn nái”. Ông nói và cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn cung con giống đáp ứng công tác tái đàn, tăng đàn.

Ngoài ra, quy mô chăn nuôi còn nhỏ lẻ, chủ yếu là hộ gia đình và gia trại còn chiếm trên 70% nên chưa đảm bảo điều kiện vệ sinh phòng dịch bệnh cũng như chăn nuôi an toàn sinh học. Do đó, tiềm ẩn nhiều rủi ro tái phát dịch.

Theo ông Hùng, bên cạnh việc hỗ trợ kỹ thuật, Nhà nước cũng như Bộ NN-PTNT cũng cần hỗ trợ thêm nguồn vốn để tạo động lực cho người chăn nuôi tái đàn.

Hải Băng