Sáng 23/5, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2022.
Bộ trưởng Tài chính cho biết, trong năm 2022, Chính phủ xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực.
Giai đoạn 2020-2022, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tuyển dụng 18.867 công chức và 125.104 viên chức. Trong đó, có 258 người được tuyển dụng theo các chính sách quy định tại Nghị định 140 về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, việc siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính và kiểm soát quyền lực, xử lý nghiêm minh, kịp thời và kiên quyết đã đưa ra khỏi bộ máy Nhà nước những cán bộ, công chức, viên chức có sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ.
Cụ thể, từ năm 2020 đến tháng 6/2022, các cơ quan, đơn vị đã rà soát xử lý gần 100.000 trường hợp, trong đó thu hồi quyết định tuyển dụng trên 1.200 trường hợp.
Bộ trưởng Tài chính cho biết, việc cải cách chế độ tiền lương tiếp tục có chuyển biến tích cực, Chính phủ trình Quốc hội thông qua một số chính sách tiền lương mới.
Cụ thể như, thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng; tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho đối tượng do ngân sách Nhà nước bảo đảm và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp…
Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm đến công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng; cải thiện môi trường làm việc.
Đồng thời có các chính sách hỗ trợ kịp thời đối với cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh kinh tế khó khăn… để kịp thời khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức xin thôi việc, nghỉ việc.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Tài chính, tình trạng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn triệt để.
Công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan có lúc, có nơi còn rời rạc, thiếu gắn kết, chưa kịp thời, chất lượng chưa cao; xuất hiện tình trạng một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục.
Việc xử lý những vấn đề phát sinh khi sắp xếp, tổ chức bộ máy còn có mặt hạn chế; thực hiện tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở xã, thôn, tổ dân phố chưa phù hợp với thực tiễn.
Ngoài ra, tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ vẫn còn xảy ra ở các cấp hành chính, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: Đất đai, xây dựng, lao động - thương binh và xã hội…
Có tình trạng vốn chờ dự án đủ thủ tục
Báo cáo cho thấy, tổng số tiền tiết kiệm kinh phí, vốn Nhà nước năm 2022 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là 53.887 tỷ đồng. Trong đó tiết kiệm chi thường xuyên được khoảng 716,9 tỷ đồng.
Bộ trưởng Tài chính cho biết, kết quả tiết kiệm do thực hiện cơ chế khoán chi, giao quyền tự chủ tài chính của các bộ ngành, địa phương năm 2022 là 3.494 tỷ đồng, trong đó một số đơn vị có kết quả cao như: TP. Hà Nội là 1.173 tỷ đồng, TP.HCM là 1.220 tỷ đồng…
“Công tác quản lý, mua sắm tài sản công tại các bộ, ngành và địa phương năm 2022 tiếp tục chuyển biến, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm”, ông Hồ Đức Phớc nói.
Cụ thể, lũy kế từ năm 2016 đến hết năm 2022, cả nước đã mua mới 4.192 xe ô tô công, 183 phương tiện vận tải khác và 29.853 máy móc, thiết bị. Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công tiếp tục được cập nhật vận hành có hiệu quả, tổng nguyên giá tài sản công đã cập nhật là 1,7 triệu tỷ đồng.
Trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, theo ông Phớc, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo thẩm quyền đối với 30.708 cơ sở nhà, đất của các bộ, cơ quan trung ương, doanh nghiệp nhà nước.
Bộ trưởng Tài chính cho biết, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước của một số dự án chưa sát với khả năng thực hiện, dẫn đến không phân bổ được hết kế hoạch vốn được giao.
“Còn tình trạng 'vốn chờ dự án đủ thủ tục'. Dự kiến vốn trước rồi mới tiến hành làm thủ tục đầu tư hoặc thực hiện các thủ tục gia hạn hiệp định. Điều đó dẫn tới kéo dài thời gian bố trí vốn đối với dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói thêm.