Chiều 2/11, thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, các đại biểu tập trung cho ý kiến việc rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần.

Rút BHXH một lần là quyền lợi chính đáng của người lao động

Theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Giám đốc Sở Y tế Hà Nội), năm 2022, có gần 1 triệu người giải quyết hưởng BHXH một lần, số này đã tăng 3,7% so với năm 2021.

“Có thể thấy, cú sốc về kinh tế mà đại dịch Covid-19 gây ra đã khiến hàng triệu lao động mất việc làm và không còn sự lựa chọn nào khác mà phải dựa vào tiền đóng BHXH để sử dụng trong lúc khẩn cấp, khó khăn”, bà Hà nói.

unknown.jpeg
 Đại biểu Trần Thị Nhị Hà nêu ý kiến về việc rút BHXH một lần. Ảnh: Thành Nam

Theo đại biểu đoàn Hà Nội, nếu những người lao động bị ảnh hưởng từ làn sóng mất việc vào cuối năm 2022 không thể tìm được việc làm mới trong vòng một năm, rất có khả năng nhiều người trong số họ sẽ nghĩ đến việc rút tiền BHXH để trang trải cuộc sống.

“Do đó, quy định về hưởng BHXH một lần trong dự thảo này chắc chắn là nội dung được dư luận đặc biệt quan tâm”, đại biểu Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, chế độ hưu trí là trụ cột của hệ thống an sinh. Việc gia tăng số người lao động rời bỏ hệ thống sẽ tạo ra gánh nặng lớn cho nhà nước và xã hội trong việc chăm sóc và hỗ trợ nhóm người không có nguồn thu nhập khi về già.

Vì vậy, theo bà Trần Thị Nhị Hà, cần có biện pháp để người lao động ở lại hệ thống lâu hơn và tạo điều kiện để họ có đủ điều kiện hưởng lương hưu. Bà ủng hộ đề xuất giảm lợi ích từ việc rút BHXH một lần theo phương án rút không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.

“Tuy nhiên, tôi kiến nghị mức rút BHXH không phải là 50%, mà tương ứng với mức đóng bảo hiểm của người lao động, để họ chỉ có thể rút khoản tiền họ đóng vào quỹ, còn khoản tiền người sử dụng lao động đóng sẽ được giữ lại để chi trả một phần lương hưu sau này”, đại biểu Hà nêu quan điểm.

202205271606532703 10 vo manh son thanh hoa.jpg
Theo đại biểu Võ Mạnh Sơn, việc rút BHXH 1 lần quyền lợi chính đáng của người lao động.

Theo đại biểu Võ Mạnh Sơn (đoàn Thanh Hóa) việc rút BHXH một lần là quyền lợi chính đáng của người lao động. Tuy nhiên, tình trạng người lao động rút BHXH một lần có xu hướng tăng như giai đoạn vừa qua là thực tế rất đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động mà còn tác động tới tình hình kinh tế - xã hội.

Ông Võ Minh Sơn cho rằng, các phương án mà dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang thể hiện cơ bản hướng đến việc hạn chế người lao động hưởng BHXH một lần. Mỗi phương án đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định như tờ trình của Chính phủ đã xác định.

nguoi lao dong.jpg
Cần nghiên cứu để có lộ trình áp dụng phù hợp khi thực hiện các phương án về BHXH một lần, tránh gây sốc, khiến người lao động ồ ạt rút. Ảnh minh họa: Thanh Tùng

Do đó, theo đại biểu đoàn Thanh Hóa, cần có các nhóm giải pháp đồng bộ hơn để hỗ trợ người lao động trong giai đoạn khó khăn trước mắt, để họ đảm bảo duy trì cuộc sống, như: tín dụng ưu đãi, việc làm, dạy nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển thị trường lao động…

Đồng thời, tăng cường các biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giải đáp thông tin để người lao động biết, hiểu và nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí về sau.

Ngoài ra, cần nghiên cứu để có lộ trình áp dụng phù hợp khi thực hiện các phương án về BHXH một lần, tránh gây sốc về chính sách, có thể khiến người lao động ồ ạt rút, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định xã hội.

Rút BHXH căn cứ vào khả năng đóng

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nêu băn khoăn, cơ sở nào để phương án 2 quy định chỉ cho người lao động rút 50% tổng thời gian đã đóng BHXH. Theo ông, điều này phải căn cứ vào khả năng đóng và rút.

Ông Hồ Đức Phớc cho rằng, với phần chủ sử dụng lao động đóng, dù vẫn là của người lao động nhưng phải để lại, sau này đóng tiếp nhằm có lương hưu.

202307261252400298 dsc 2205 ho duc phoc.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính phân tích về việc rút BHXH một lần.

Cụ thể, trong cơ cấu đóng quỹ BHXH là 25,5%, trong đó, 8% là người lao động đóng còn 17,5% là doanh nghiệp đóng. Với 18% thì có 3% là ốm đau, thai sản, 0,5% là ốm tai nạn, 14% là chế độ hưu trí, tử tuất.

Do vậy, theo ông Phớc, nên để lại 14% mà doanh nghiệp đóng cho người lao động để giữ lâu dài, còn lại 11,5% thì người lao động muốn rút ra sẽ được rút. Nếu như vậy sẽ tương ứng được rút ra khoảng gần 46% còn 54% để lại.

“Tính theo cơ sở khoa học là như vậy, có nghĩa cho anh lấy cả ốm đau, tai nạn, thai sản... còn riêng khoản hưu trí mà doanh nghiệp đóng thì cứ để lại để sau này đóng tiếp và hưởng”, ông Phớc phân tích.

Tuy nhiên, ông Phớc cũng nêu vấn đề, trong thời gian bao nhiêu năm, nếu người lao động không đóng BHXH thì cho họ rút hay có phương án nào khác. Bởi dự luật hiện nay đang bỏ ngỏ vấn đề này, nói cách khác là có khoảng trống.

"Tức là khi người lao động chỉ rút 46%, để lại 54% hay rút 50% để lại 50% thì sau bao nhiêu năm mà họ không tiếp tục quay trở lại đóng sẽ được rút cả, chứ không lẽ tiền đó lại để BHXH chiếm dụng?", ông Phớc bày tỏ.