Trong một nhà nước pháp quyền, không thể chấp nhận việc giũ bỏ trách nhiệm khi làm sai bằng câu nói “dù sao nó cũng xuất phát từ lòng tốt” hay “do tôi quá tử tế nên đã không lường hết được hậu quả và tôi thấy đau lòng quá..”.

Đầu năm mới bàn chuyện sống tử tế

Nhiều ý kiến cho rằng ở xã hội ta hiện nay sự “tử tế” dường như là một thứ xa xỉ. Có rất nhiều giá trị đang bị đảo lộn nên rất cần thêm phong trào nhằm khơi gợi những đức tính tốt đẹp của mỗi cá nhân, cộng đồng, qua đó thực hành sự tử tế trong các lĩnh vực khác nhau.

Có nhiều cách để tử tế với nhau, thông qua hành vi ứng xử, cách thực hành văn hóa nơi công cộng... kể cả việc lớn hơn như Nhà nước ban hành các chính sách công.

Từng được tham gia và nghe nhiều ý kiến bàn về vấn đề “Tử tế & Chính sách” trong một vài hội thảo, tôi đã nhiều lần tự hỏi “một chính sách như thế nào thì được gọi là tử tế”  và liệu có nên tồn tại cái được gọi là tử tế trong việc ban hành và thực thi các chính sách hay không?

{keywords}
Bộ trưởng Đinh La Thăng đu dây xuống hiện trường tai nạn tại Lào Cai. Ảnh: Tuổi Trẻ

Tử tế có làm cho chính sách tốt hơn?

Thời gian qua, có nhiều việc hay chính sách vốn dĩ được sinh ra từ “tấm lòng tử tế” lại không mang đến sự tốt đẹp.

Câu chuyện thứ nhất liên quan đến ngành Giáo dục: Việc đưa thêm ưu tiên cho Bà Mẹ Việt Nam anh hùng và người có công trước cách mạng tháng Tám vào các tiêu chí xét tuyển Đại học, Cao đẳng năm vừa qua vốn xuất phát từ những “tấm lòng” muốn đền ơn đáp nghĩa. Vấn đề là trước khi ban hành chính sách, những “công bộc” của dân chắc do duy  tình nhiều quá nên tính duy lý có phần bị xem nhẹ. Điều này dẫn đến phản ứng của xã hội.

Câu thứ chuyện thứ hai là về ngành Giao thông: Khi ông Đinh La Thăng mới lên Bộ trưởng, nhiều người bất bình với những chính sách mới rất quyết đoán mà ông đưa ra do chúng ảnh hưởng đến ví tiền của họ. Nhiều người thậm chí còn hoài nghi về sự thành công.

Nhưng giờ đây, nhìn nhận một cách khách quan, thì kể từ lúc ông Thăng làm bộ trưởng, ngành giao thông đã có nhiều “thăng hoa”. Cũng bởi đây là ngành “nóng”, ảnh hưởng lớn đến xã hội nên bất kỳ một chính sách nào đều được quan tâm mổ xẻ và ông bộ trưởng đã biết vận dụng rất hiệu quả những sự kiện  này để hình ảnh của mình không bị “nguội” trong mắt công chúng.

Chuyện này không hẳn xấu và không  phải ai  (hay Bộ trưởng nào) cùng làm được, vì xem ra những việc mà ông đã và đang làm đều mang ít nhiều sự tử tế trong đó. Tuy nhiên sau mỗi một sự kiện (phần lớn là tai nạn giao thông, sự cố cầu, đường.v.v...) thì Bộ GTVT lại quá sốt sắng tuyên bố và đưa ra những giải pháp (chính sách) với các mục tiêu nghe ra rất tử tế nhưng nhiều lúc chưa phản ánh được yêu cầu thực tiễn do yếu tố chủ quan và chưa phân tích thấu đáo tác động chính sách đến các cộng đồng khác nhau. Ngoài ra đa phần có xu hướng giải quyết sự vụ hơn là các quyết sách chiến lược dài hơi, như việc cấm các xe khách giường nằm chạy tuyến đường miền núi...v.v....

Câu chuyện thứ ba gây tranh cãi gần đây liên quan đến các chuyến xe buýt ở mấy TP lớn. Khi cảnh báo về vấn nạn quấy rối tình dục nơi công cộng có xu hướng tăng, nhà chức trách đã có ý tưởng rất “nhân văn” là mở các chuyến xe buýt riêng cho nữ. Nếu đây được xem là một chính sách mang màu sắc tử tế thì sự tử tế này dường như đi ngược lại các nguyên tắc về bình đẳng giới mà chúng ta đang cố gắng thực thi – đó là xây dựng một xã hội nơi phụ nữ có cơ hội tiếp cận bình đẳng so với nam giới trong các lĩnh vực cơ bản của đời sống, bao gồm: Kinh tế (việc làm); Giáo dục, Y tế; và Tham gia chính trị.

Việc nên làm là tạo quyền và nâng cao kỹ năng phòng vệ cho phụ nữ, tăng cường sự tham gia của cộng đồng song song với dùng các biện pháp và chế tài phù hợp giống như mô hình “Địa chỉ tin cậy” và “Tổ tư vấn cộng đồng” trong việc đấu tranh với “bạo lực trên cơ sở giới” mà nhiều nơi đang rất thành công.

Có thể đâu đó trên thế giới có nước bố trí xe riêng cho phụ nữ, nhưng không có nghĩa đó là thứ chúng ta nên học theo vì đằng sao còn nhiều chuyện cần nói.

Cần Tử tế hay cần gì?

Để là người tử tế, chúng ta cần một tấm lòng tử tế. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ bởi sẽ rất nguy hiểm khi các hành vi hay quyết sách đưa ra chỉ dựa trên lòng tốt. Hành vi tử tế cần xuất phát từ nhận thức đúng đắn. Để có nhận thức đúng đắn, giúp phân biệt mặt lợi - hại, không thể thiếu một môi trường nơi chúng ta có điều kiện tiếp thu nhiều luồng thông tin, và có cách tiếp cận đa chiều với mỗi vấn đề. Các quyết định đưa ra cần đảm bảo tính minh bạch nhằm hạn chế  thấp nhất các tác động tiêu cực.

Để có một chính sách được gọi là tử tế, đừng để tình cảm lên tiếng vì chúng sẽ chi phối việc phân tích thông tin, khiến chính sách được xây dựng chỉ theo hướng cảm tính, thời vụ. Sự tử tế chỉ có nếu việc xây dựng chính sách tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc của một nền quản trị công bằng và dân chủ. Quá trình xây dựng và triển khai chính sách cần hạn chế được ảnh hưởng của các nhóm lợi ích đồng thời tạo ra  tác động tích cực đến nhiều nhóm đối tượng bị thiệt thòi. Chỉ khi nào chúng ta tôn trọng sự đa dạng, đảm bảo tính đồng thuận và không đặt bất kỳ ai ra ngoài phạm vi ảnh hưởng của chính sách, thì hy vọng sẽ có ít nhiều sự tử tế ở đó.

Một thử thách khác, đó là việc nắm trong tay ít nhiều quyền lực – cái có thể quy được ra tiền, sẽ khiến cho “tấm lòng tử tế của họ” bị giằng co. Tất cả những ai tham gia vào quá trình xây dựng, triển khai và kể cả giám sát việc thực thi chính sách đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cần có chế tài đủ mạnh và sự minh bạch cần thiết để bất cứ ai khi ra chính sách cũng phải chịu trừng phạt tương xứng với hậu quả gây ra một khi chính sách đó thất bại.

Trong một nhà nước pháp quyền, không thể chấp nhận việc giũ bỏ trách nhiệm khi làm sai bằng câu nói “dù sao nó cũng xuất phát từ lòng tốt của tôi” hay “do tôi quá tử tế nên đã không lường hết được hậu quả và tôi thấy đau lòng quá..”.v.v. 

Trên hết, một khi các chính sách được xây dựng, và thực thi dựa trên các giá trị căn bản của Quyền con người, lấy con người làm trung tâm cho tất cả các can thiệp, thì xã hội sẽ được vận hành tử tế. Những tấm lòng tử tế sẽ có chỗ đứng xứng đáng và phù hợp hơn khi Nhà nước được vận hành theo đúng vai trò của “Chủ thể có trách nhiệm”, phục vụ nhân dân, vốn được coi là các “Chủ thể giữ quyền”!

Trần Văn Tuấn