Bộ TT&TT công bố kết quả đo kiểm chất lượng dịch vụ mạng 4G của MobiFone, Viettel, VinaPhone. |
Theo đại diện của Cục Viễn thông, việc đo kiểm được thực hiện theo quy định của Thông tư 08:2013/TT-BTTTT “Thông tư quy định quản lý chất lượng dịch vụ viễn thông”, Thông tư 35:2015/TT-BTTTT “Thông tư quy định danh mục dịch vụ viễn thông bắt buộc phải quản lý chất lượng dịch vụ viễn thông”.
Theo Cục Viễn thông, việc đo kiểm chất lượng 4G LTE của các nhà mạng được thực hiện tại Hà Nội chia làm 2 đợt. Đợt đầu tiên, Cục Viễn thông tiến hành từ ngày 18/12 đến 21/12/2018, đợt thứ 2 từ ngày 24/12 đến 27/12/2018. Cục Viễn thông đo kiểm 4G với 7 chỉ số cơ bản như độ sẵn sàng của mạng vô tuyến, tỷ lệ truy cập thành công dịch vụ, tỷ lệ truyền tải dữ liệu bị rơi, tốc độ tải dữ liệu xuống và lên trung bình…
Kết quả đo kiểm chi tiết như sau: Mạng MobiFone có độ sẵn sàng của mạng vô tuyến đạt 100% (Bộ TT&TT yêu cầu chỉ tiêu ≥ 95%), tỷ lệ truy nhập thành công dịch vụ đạt 100% (yêu cầu ≥ 90%), thời gian trễ truy nhập dịch vụ trung bình 1,91 giây (yêu cầu ≤ 5 giây), tỷ lệ truyền tải dữ liệu bị rơi là 0% (yêu cầu ≤ 2%), tốc độ tải xuống trung bình đạt 39,04 Mbit/s, tốc độ tải lên trung bình đạt 29,59 Mbit/s, tỷ lệ (%) số mẫu có tốc độ tải xuống lớn hơn hoặc bằng tốc độ tải dữ liệu hướng xuống tối thiểu trong vùng cung cấp dịch vụ đạt tốc độ tải xuống tối thiểu 05 Mbit/s là 100% (yêu cầu ≥ 95%).
Mạng Viettel có độ sẵn sàng của mạng vô tuyến đạt 100% (Bộ TT&TT yêu cầu chỉ tiêu ≥ 95%), tỷ lệ truy nhập thành công dịch vụ đạt 100% (yêu cầu ≥ 90%), thời gian trễ truy nhập dịch vụ trung bình 1,88 giây (yêu cầu ≤ 5 giây), tỷ lệ truyền tải dữ liệu bị rơi là 0% (yêu cầu ≤ 2%), tốc độ tải xuống trung bình đạt 22,65 Mbit/s, tốc độ tải lên trung bình đạt 21,79 Mbit/s, tỷ lệ (%) số mẫu có tốc độ tải xuống lớn hơn hoặc bằng tốc độ tải dữ liệu hướng xuống tối thiểu trong vùng cung cấp dịch vụ đạt tốc độ tải xuống tối thiểu 05 Mbit/s là 95,70% (yêu cầu ≥ 95%).
Mạng VinaPhone có độ sẵn sàng của mạng vô tuyến đạt 100% (Bộ TT&TT yêu cầu chỉ tiêu ≥ 95%), tỷ lệ truy nhập thành công dịch vụ đạt 100% (yêu cầu ≥ 90%), thời gian trễ truy nhập dịch vụ trung bình 1,93 giây giây (yêu cầu ≤ 5 giây), tỷ lệ truyền tải dữ liệu bị rơi là 0% (yêu cầu ≤ 2%), tốc độ tải xuống trung bình đạt 24,72 Mbit/s, tốc độ tải lên trung bình đạt 23,80 Mbit/s, tỷ lệ (%) số mẫu có tốc độ tải xuống lớn hơn hoặc bằng tốc độ tải dữ liệu hướng xuống tối thiểu trong vùng cung cấp dịch vụ đạt tốc độ tải xuống tối thiểu 05 Mbit/s là 97,41% (yêu cầu ≥ 95%).
Kết quả đo kiểm trên cho thấy 100% các chỉ tiêu chất lượng kỹ thuật của các doanh nghiệp đều đảm bảo tuân thủ quy định của Bộ TT&TT. Chỉ tiêu quan trọng nhất để phản ánh chất lượng dịch vụ truy nhập Internet trên mạng viễn thông di động mặt đất là Tốc độ tải dữ liệu, các doanh nghiệp của Việt Nam đều vượt xa mức công bố 1 Mbit/s. Chỉ tiêu Thời gian trễ truy nhập trung bình, Tỷ lệ truyền tải dữ liệu bị rơi của tất cả các nhà mạng đã cho thấy trên địa bàn đo kiểm các doanh nghiệp có vùng phủ sóng rất tốt. Các kết quả đo kiểm này đã được Cục Viễn thông đăng tải công khai tại địa chỉ website của Cục Viễn thông www.vnta.gov.vn.
Tuy nhiên, kết quả đo kiểm cao hơn tiêu chuẩn nhưng chưa thực sự cho thấy hết sức mạnh của mạng 4G. Hơn nữa, nếu nhìn tốc độ 4G được công bố thì Viettel có tốc tốc độ thấp hơn so với các mạng di động khác.
Cho đến thời điểm này, sau 2 năm cung cấp dịch vụ 4G thì việc đấu giá tần số 2.6 GHz cho 4G vẫn phải chờ vì vướng thủ tục pháp lý nên các nhà mạng đang tận dụng các tần số được cấp trước đó dùng cho 2G và 3G. Vì vậy, chắc chắn dịch vụ 4G sẽ khó đạt được chất lượng tốt mà công nghệ này đem lại. Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, Bộ TT&TT sẽ thuê tư vấn thẩm định giá để xác định giá khởi điểm băng tần 2.6 GHz cho 4G. Cục Tần số phối hợp với Cục Viễn thông, Vụ Pháp chế để xây dựng nội dung phục vụ quy chế đấu giá. Sau đó, Bộ TT&TT sẽ tiến hành đấu giá băng tần 2.6 GHz cho 4G trong tháng 3/2019.
Trước đó, tại buổi họp Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì với các bộ ngành sáng 26/7/2018, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải đề nghị các bộ ngành cùng đồng thuận trong giải quyết các thủ tục để cấp phép sớm băng tần 4G. Hiện lưu lượng băng thông dành cho mạng 4G trên băng tần 1800 MHz (đang phục vụ cả mạng 2G) quá thấp so với nhu cầu thực tế, từ đó làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, tốc độ mạng 4G. Tốc độ trung bình Inetrnet của Việt Nam đứng thứ 75 trên thế giới. Vì vậy, Bộ TT&TT đã có phương án cấp phép khai thác băng tần 2.6 GHz để các doanh nghiệp viễn thông triển khai mạng 4G và có 4 doanh nghiệp đăng ký. Đây là những doanh nghiệp đã triển khai mạng 4G thực tế tại Việt Nam. Tuy nhiên, giữa các bộ ngành liên quan còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa thống nhất về quy trình, thủ tục thực hiện việc cấp phép.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng, thiệt hại của doanh nghiệp, xã hội từ việc chậm trễ triển khai mạng 4G lớn hơn nhiều so với nguồn thu từ việc cấp phép. Còn đại diện Bộ Quốc phòng cho rằng việc cấp phép khai thác băng tần 2.6 GHz không chỉ giải quyết bức xúc cho doanh nghiệp viễn thông mà còn bảo đảm công tác thông tin trong hoạt động an ninh, quốc phòng.
Phát biểu tại cuộc họp này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải khẳng định mong muốn các bộ ngành cùng đồng thuận trong giải quyết các thủ tục để cấp phép sớm cho doanh nghiệp, không thể nào chấp nhận mạng 4G mà chất lượng kém như hiện tại.
Các nhà mạng cho biết, hiện nhu cầu dữ liệu ngày càng tăng mạnh vì vậy câu chuyện băng tần cho 4G là vấn đề cấp bách. Theo khảo sát của Cục Viễn thông với 50 nhà mạng ở 17 nước thì Việt Nam đứng hàng cuối bảng băng tần dành cho 4G. Cụ thể băng tần dành cho 4G với băng thông 15*2 MHz cho mỗi nhà mạng, trong khi đó, con số này của SK Telecom của Hàn Quốc là 70*2 MHz, Telstra của Úc là 80.*2 Mhz, China Mobile của Trung Quốc là 220 MHz (tương đương 110.*2 MHz).
Nếu so sánh về tương quan băng tần về thuê bao hiện nay thì 3 nhà mạng là Viettel, MobiFone và VinaPhone được cấp số lượng băng tần tương đương với các mạng khác, nhưng thuê bao 4G của Viettel lại gấp đôi các mạng di động khác. Vì vậy, kết quả đo kiểm của Bộ TT&TT tại Hà Nội đã phản ánh vấn đề tương quan tần số được cấp và số lượng thuê bao cũng ít nhiều ảnh hưởng đến tốc độ 4G của nhà mạng này. Nói một cách hình ảnh băng tần cấp cho các nhà mạng cũng giống như con đường nếu cùng một con đường nhưng phương tiện nhiều thì việc lưu thông sẽ chậm đi. Do đó, muốn lưu thông nhanh hơn thì phải mở rộng đường.
Cho đến thời điểm này, Viettel là nhà mạng đang gặp khó khăn lớn nhất về tần số. Cụ thể, khi Viettel khai trương dịch vụ 4G trên toàn quốc, số trạm của Viettel là 36.000 trạm nhưng được tái quy hoạch dùng 10 MHz băng tần 1.800 MHz đã cấp cho mạng 2G. Đến tháng 12/2018, sau gần 2 năm khai trương, Viettel đạt 15 triệu thuê bao 4G, chiếm 30% toàn mạng và sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2019, dự kiến tăng lên 45%. Về lưu lượng trên mạng 4G vào tháng 12/2018 tăng gấp 3,2 lần so với thời điểm tháng 12/2017 và dự kiến tăng lên 2,8 lần trong năm 2019. Với tài nguyên vẫn chỉ là 10 MHz, Viettel rất khó phát huy được ưu thế tốc độ 4G để cung cấp cho khách hàng tốt hơn tối thiểu gấp 3 đến 4 lần so với số liệu công bố đã đăng ký với Cục Viễn thông.
Đại diện Viettel cho hay, nhà mạng này đang cố gắng tái quy hoạch thêm 5 MHz từ băng tần 1.800 MHz của mạng 2G và 10MHz từ băng tần 2.100 MHz của mạng 3G sang nâng cấp tài nguyên cho mạng 4G. Theo kế hoạch, hết quý 1/2019, Viettel sẽ hoàn thành việc tái quy hoạch và nâng cấp tài nguyên để nâng cao chất lượng mạng 4G. Nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời trong khi chờ tần số chính thức và đầy đủ cho 4G từ Bộ TT&TT.
"Hiện Viettel đã phủ sóng 4G toàn quốc và là mạng có vùng phủ sóng rộng nhất hiện nay. Nếu được cấp phép 4G với băng tần 2.6 GHz, chỉ sau 3 tháng Viettel đảm bảo sẽ nhập thiết bị và triển khai xong với băng tần này. Lúc đó chất lượng 4G chắc chắn được phát huy ưu thế và chúng tôi sẽ cung cấp cho khách hàng dịch vụ tốt hơn nhiều so với hiện nay", đại diện Viettel nói.