Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã thống nhất, quyết nghị bầu ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2017-2022 tiếp tục giữ chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB nhiệm kỳ 2022-2027. 

HĐQT Ngân hàng SHB cũng chọn ông Võ Đức Tiến là Phó chủ tịch HĐQT. Các ông Thái Quốc Minh, Nguyễn Văn Lê và Đỗ Quang Vinh là thành viên HĐQT. Ông Đỗ Văn Sinh là thành viên HĐQT độc lập.

Ông Đỗ Quang Vinh, con trai Bầu Hiển, kiêm chức danh Phó Tổng Giám đốc SHB.

Như vậy, ông Đỗ Quang Hiển đã chọn vị trí "ghế nóng" chủ tịch HĐQT của Ngân hàng SHB thay cho vị trí lãnh đạo cao nhất tại Tập đoàn T&T.

Theo luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2017, chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc (giám đốc) của tổ chức tín dụng không được đồng thời là chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.

Sở dĩ ông Đỗ Quang Hiển ngồi ghế nóng ở cả Tập đoàn T&T và Ngân hàng SHB cho tới đầu 2022 là bởi trước thời điểm luật sửa đổi có hiệu lực, SHB đã bầu xong thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới. Do vậy, ông Hiển vẫn đang đương nhiệm cả chức Chủ tịch SHB lẫn Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Group cho đến hết nhiệm kỳ.

Bầu Hiển chọn ngồi "ghế nóng" Ngân hàng SHB.

Gần đây, nhiều doanh nhân rút khỏi vị trí lãnh đạo ngân hàng để con cái lên làm sếp.

Hồi đầu 2020, HĐQT KienLongBank đã bầu ông Võ Quốc Lợi, con trai ông Võ Quốc Thắng (Bầu Thắng) vào vị trí phó TGĐ. Ông Thắng trước đó, trong 2018, đã rời vị trí lãnh đạo KienLongBank để giữ chức Chủ tịch HĐQT Dongtam Group.

Trong năm 2018, bà Nguyễn Thị Nga đã rời ghế Chủ tịch SeABank sau 11 năm tại vị ở đế chế BRG. Bà Nga lui về giữ chức vụ Phó Chủ tịch thường trực HĐQT của SeABank. Thay vào đó, con gái bà Nguyễn Thị Nga là Lê Thu Thủy (1983) đã ngồi vào ghế Tổng giám đốc SeABank, kiêm Phó Chủ tịch HĐQT.

Ông Dương Công Minh chọn vị trí chủ tịch Sacombank, thay vì làm chủ tịch Tập đoàn Him Lam. Ông Đỗ Minh Phú chọn làm chủ tịch TPBank, thay vì là chủ tịch DOJI Group. Ông Đặng Khắc Vỹ chọn làm chủ tịch VIB Bank, thay vì là chủ tịch Mareven Food Holdings. Ông Vũ Văn Tiền vẫn là chủ tịch Geleximco, thay vì ngồi ghế nóng AnBinhBank.

Bà Thái Hương là TGĐ BacABank, thay vì ngồi vị trí lãnh đạo cao cấp nhất tại CTCP Sữa TH. Bà Lê Thị Băng Tâm vẫn là chủ tịch HDBank.

Trong năm 2022, SHB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 87% lên mức gần 11,7 nghìn tỷ đồng; tổng tài sản tăng trên 12%; vốn điều lệ tăng trưởng 37% so với năm 2021 và dự kiến chia cổ tức từ 18%; nợ xấu dưới 1,3%.

SHB cũng trình và được ĐHĐCĐ thông qua việc phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư chiến lược nước ngoài với tỷ lệ dự kiến tối đa 20% vốn tăng thêm và dự kiến chào bán cổ phiếu cho người lao động với tỷ lệ 1,69%, tương đương 45,12 triệu cổ phiếu mới.

Trong năm 2021, SHB ghi dấu ấn đặc biệt, hoàn thành và vượt mọi chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Đồng thời, SHB chuyển giao dịch cổ phiếu SHB từ HNX sang HOSE và thỏa thuận thoái 100% vốn tại SHB Finance cho Ngân hàng Krungsri-Thái Lan trong vòng 3 năm.

Mới đây, Ngân hàng SHB của Bầu Hiển được dự báo tăng trưởng lợi nhuận đột phá, gấp đôi lên 3.200 tỷ đồng trong quý I trong bối cảnh cổ phiếu ngân hàng chịu nhiều áp lực bán ra trên thị trường chứng khoán.

Theo SSI Research, Ngân hàng SHB dự kiến đạt 3.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 92% so với cùng kỳ, nhờ tăng trưởng tín dụng 5% so với đầu năm, và tăng trưởng tiền gửi 2,5% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,5% trong khi NIM ước tính ổn định...

Tích lũy quanh 1.340 điểm

Theo BSC, VN-Index tăng điểm mạnh mẽ, nhưng thị trường đang giao dịch trong biên độ rộng. Chỉ số có thể sẽ tích lũy quanh vùng 1.340 trước khi tăng trở lại ngưỡng kháng cự 1.370.

Theo VDSC, đối diện với vùng hỗ trợ tốt trong quá khứ 1.250-1.300 điểm cùng với áp lực cung dần suy yếu, VN-Index đã có một phiên 26/4 xoay chuyển “mát lòng” nhà đầu tư. Tuy nhiên, thanh khoản vẫn duy trì dưới mức trung bình 20 phiên, cho thấy dòng tiền bắt đáy còn thận trọng và không dàn trải toàn thị trường. Dự kiến thị trường sẽ tranh chấp mạnh trong phiên giao dịch tiếp theo, nhưng vẫn có thể kỳ vọng vùng mục tiêu 1.390 +/– 10 điểm đối với VN-Index trong thời gian tới. Do vậy, nhà đầu tư vẫn có thể kỳ vọng nhịp hồi phục sẽ được nới rộng trong thời gian tới, tuy nhiên nhịp hồi phục này cũng là cơ hội để cơ cấu lại danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro.

Chốt phiên 26/4, chỉ số VN-Index tăng 30,42 điểm lên 1.341,34 điểm. HNX-Index tăng 7,66 điểm lên 345,17 điểm. Upcom-Index tăng 1,6 điểm lên 101,16 điểm. Thanh khoản đạt 23,7 nghìn tỷ đồng, trong đó có 21 nghìn tỷ đồng trên sàn HOSE.

V. Hà

Giữa vòng áp lực, sức mạnh của Bầu Hiển bất ngờ vượt lên

Giữa vòng áp lực, sức mạnh của Bầu Hiển bất ngờ vượt lên

Ngân hàng SHB của ông Đỗ Quang Hiển (Bầu Hiển) được dự báo tăng trưởng lợi nhuận đột phá, gấp đôi lên 3.200 tỷ đồng trong quý I trong bối cảnh cổ phiếu này chịu nhiều áp lực bán ra trên thị trường chứng khoán.