Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1386/QĐ-TTg (ngày 17/11/2023) phê duyệt Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Cà Mau trở thành tỉnh phát triển khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, có nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển, hệ sinh thái được bảo tồn, thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu…

Trong đó, Cà Mau phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 7,5%/năm. Quy mô GRDP năm 2030 gấp 2 - 2,5 lần so với năm 2020. GRDP bình quân đầu người đạt trên 146 triệu đồng.

anh bai ca mau.jpg
Những năm qua, tỉnh đã tập trung nguồn lực xây dựng Cà Mau trở thành địa phương phát triển mạnh về biển. Ảnh: Mai Anh

Nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Cà Mau là chủ động đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp để huy động nguồn lực phát triển kinh tế biển, trọng tâm là đầu tư cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, khu kinh tế Năm Căn, đề án xuất khẩu điện tỉnh Cà Mau (sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt), năng lượng tái tạo; phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, du lịch, hạ tầng phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tỉnh sẽ tổ chức, sắp xếp không gian phát triển ngư, nông, lâm nghiệp theo 03 vùng: vùng Bắc Cà Mau, vùng Nam Cà Mau, vùng ven biển và hải đảo. Trong đó, giữ gìn và bảo vệ hệ sinh thái ngọt ở huyện Trần Văn Thời và huyện U Minh.

Ngoài ra, Cà Mau cũng đẩy mạnh phát triển du lịch bền vững theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng; liên kết và hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong vùng, cả nước và quốc tế.

Những năm qua, tỉnh Cà Mau tập trung nguồn lực xây dựng Cà Mau trở thành địa phương phát triển mạnh về biển, tỉnh ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như:  Tổ chức lại các hoạt động khai thác và nuôi trồng hải sản theo hướng bền vững, tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản; tăng cường ứng dụng KH&CN trong nuôi trồng, khai thác, bảo quản, chế biến hải sản; Quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng khu vực ven biển;  Quy hoạch, thu hút đầu tư xây dựng, tổ chức khai thác đồng bộ, có hiệu quả các cảng biển tổng hợp, cảng chuyên dùng vận chuyển hàng hóa, khách du lịch (Hòn Khoai, Năm Căn, Sông Đốc…) gắn với phát triển hạ tầng logistics; thu hút đầu tư xây dựng, khai thác năng lượng tái tạo khu vực ven biển theo quy hoạch được duyệt;  Cùng với đó, hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân ven biển chuyển đổi nghề từ các hoạt động có nguy cơ xâm hại, tác động tiêu cực đến biển sang bảo vệ, bảo tồn, tạo sinh kế bền vững, việc làm mới ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân.

Cà Mau là tỉnh địa đầu cực Nam của Tổ quốc, có vị trí khá đặc biệt với ba mặt giáp biển, chiều dài bờ biển trên 254 km, chiếm 7,8% chiều dài bờ biển cả nước. Toàn tỉnh có 6/9 huyện, thành phố và 23/101 xã, phường, thị trấn tiếp giáp biển. Trên biển có 10 đảo thuộc 3 cụm đảo: Cụm đảo Hòn Khoai (544 ha), cụm đảo Hòn Chuối (544 ha) và cụm đảo Hòn Đá Bạc (7,6 ha); đặc biệt, cụm đảo Hòn Khoai có vị trí đặc biệt quan trọng, nằm giữa vùng biển Đông và Vịnh Thái Lan, gần đường hàng hải quốc tế, có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các ngành, lĩnh vực: Khai thác và nuôi trồng thủy hải sản, khoáng sản, du lịch, dịch vụ vận tải, cảng biển tổng hợp, phát triển năng lượng tái tạo, các dịch vụ... và có vị trí đặc biệt quan trọng về QP-AN. 

Toàn tỉnh có 4.269 tàu cá đăng ký quản lý, với tổng công suất 870.010CV; sản lượng khai thác thủy hải sản bình quân hằng năm đạt trên 230 ngàn tấn. Cùng với việc khai thác hải sản, đội tàu còn góp phần quan trọng bảo vệ an ninh chủ quyền, biên giới quốc gia trên biển. Các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh, trú bão (Cảng cá Sông Ông Đốc, Cảng cá cụm đảo Hòn Khoai, Cảng cá Rạch Gốc, Cảng cá Cái Đôi Vàm, Cảng cá Hố Gùi...) đã được quan tâm đầu tư xây dựng và phát huy hiệu quả, bảo đảm an toàn cho tàu và ngư dân vào trú bão, kết hợp với khu dịch vụ hậu cần nghề cá, giảm thiểu chi phí cho ngư dân, thực hiện các quy định quốc tế về khai thác hải sản.

Nuôi trồng thủy sản của tỉnh phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững, đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi; tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi; giá trị sản xuất của ngành tôm chiếm 80% trong tổng giá trị sản xuất lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và chiếm 49% so với tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp của tỉnh. Ngành tôm chi phối đến đời sống trên 50% dân số của tỉnh, liên quan trực tiếp đến việc làm trên 350 nghìn lao động (trong đó, lao động tham gia trực tiếp hoạt động nuôi tôm khoảng 300 ngàn người); nghề nuôi hàu, sò huyết ven biển, nuôi cá lồng bè ven đảo đang phát triển khá mạnh. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy hải sản của tỉnh bình quân hằng năm trên 370 nghìn tấn.

Nhằm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái biển, tỉnh đã chỉ đạo xúc tiến thủ tục thành lập các khu bảo tồn biển quanh các cụm đảo, khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau; xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình phát triển và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, quan trắc, giám sát môi trường biển, biến đổi khí hậu, nước biển dâng được quan tâm thực hiện.

 Mai Anh