Nhằm học tập về quy trình và kinh nghiệm chuyển đổi sang canh tác hữu cơ; Tổ chức quản lý mô hình sản xuất, giải pháp duy trì sản xuất lúa hữu cơ; Kinh nghiệm trong liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm hữu cơ... và các kinh nghiệm kết hợp sản xuất hữu cơ với du lịch nông nghiệp – nông thôn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau) đã chuyến tham quan học tập tại 3 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và Vĩnh Long.

ocop bến tre.jpg
Hiện nay, diện tích sản xuất dừa hữu cơ ở Bến Tre ngày càng được mở rộng.

Tại tỉnh Bến Tre, ông Trần Quốc Ửng – Giám đốc HTX Nông nghiệp Thới Thạnh cho biết: HTX thành lập năm 2017 có 19 thành viên với diện tích trồng dừa 32 ha. Mục đích liên kết nông dân để dễ tiêu thụ sản phẩm và không bị thương lái địa phương ép giá. Năm 2019 HTX liên kết với Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre phát triển sản xuất dừa hữu cơ. Hiện nay, diện tích sản xuất dừa hữu cơ của HTX khoảng 150 ha, có 192 nông dân tham gia.

Ông Ứng cho biết thêm, về quy trình kỹ thuật, dừa được trồng khoảng cách 5 – 6 m/cây, phân bón sử dụng chủ yếu là phân bò, dê nuôi tại địa phương ủ hoai mục với nấm Trichoderma, lượng sử dụng 25 kg/cây/năm. Quản lý sâu bệnh sử dụng nấm xanh, nấm tím và kiến vàng. Năng suất bình quân 10.000 trái/ha/năm. Dừa hữu cơ được Công ty thu mua khoảng 75.000 đồng/chục, cao hơn so với dừa sản xuất thông thường 15.000 đồng/chục, thu nhập bình quân khoảng 80 triệu đồng/ha, cao hơn so với sản xuất thông thường 12 triệu đồng/ha.

Bên cạnh sản xuất, HTX có thực hiện khâu sơ chế biến, gia công tách lấy cơm dừa cho Công ty với giá gia công 3.200 đồng/kg, qua đó tạo công ăn việc làm và gia tăng thu nhập cho lao động địa phương. Hiện tại lực lượng thực hiện khâu sơ chế biến của HTX khoảng 35 người, mỗi năm gia công khoảng 600 tấn cơm dừa.

Đoàn tham quan đã học tập mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại HTX Châu Hưng - Ấp Rạch Sâu, xã Long Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Ông Lê Quốc Yên – Giám đốc HTX cho biết, HTX Châu Hưng thành lập năm 2019 có 50 thành viên, diện tích sản xuất lúa khoảng 140 ha. Năm 2020, HTX liên kết với Công ty Cỏ May xây dựng vùng sản xuất lúa hữu cơ quy mô 39 ha, đến năm 2022 đã phát triển được diện tích lúa hữu cơ 50 ha, có khoảng 25 nông dân tham gia.

Đặc điểm vùng sản xuất lúa hữu cơ của HTX, đây là vùng sản xuất tập trung, chỉ sản xuất lúa hữu cơ trong một khu vực riêng biệt, không đan xen với sản xuất thông thường, sản xuất giống lúa ST25. Vùng đệm là các bờ bao khoảng 3m và các mương bao xung quanh ruộng với chiều rộng khoảng 3 – 4m, đủ xa để không xâm nhiễm các hóa chất từ ruộng lân cận. Nông dân sử dụng phân hữu cơ MK219 để bón cho ruộng với lượng bón 40 kg/1.000 m2, chia làm 3 lần bón. Ngoài ra trong quá trình sản xuất có phun phân bón lá được phép sử dụng trong canh tác hữu cơ (Hi-Boron) lúc lúa trổ giúp tăng tỷ lệ hạt chắc. Năng suất bình quân 5,7 tấn/ha. Giá lúa được Công ty thu mua khoảng 10.500 đồng/kg, cao hơn khoảng 1,5 lần so với lúa thường.

 Đoàn tham quan đã học tập mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt - Ấp Kinh, xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Ông Đoàn Tấn Tài – Giám đốc HTX cho biết, ban đầu ông làm thí điểm vài công, đến năm 2014 phát triển hết diện tích đất khoảng 3 ha. Người dân xung quanh nhận thấy hiệu quả từ sản xuất hữu cơ mang lại và dần làm theo. Đến năm 2015 thành lập được THT sản xuất lúa hữu cơ với diện tích 6,5 ha, có 7 hộ tham gia. Đến năm 2017 thành lập HTX có 15 hộ tham gia với diện tích 11,5 ha. Diện tích lúa hữu cơ hiện nay khoảng 30 ha được chứng nhận theo tiêu chuẩn hữu cơ Mỹ, EU và Nhật. Về phương thức sản xuất, HTX thực hiện thuê đất của dân để hình thành vùng sản xuất lúa hữu cơ tập trung và sản xuất thống nhất theo 01 quy trình khép kín, chỉ sử dụng phân hữu cơ con gà và các chế phẩm sinh học. 

Thông qua chuyến tham quan, các thành viên trong đoàn đã nhận thấy sản xuất hữu cơ phải hoạt động dưới hình thức kinh tế tập thể là HTX hoặc THT để phát triển trên diện tích lớn, cung cấp đủ sản lượng cho các hợp đồng liên kết, hoặc tạo sản phẩm với khối lượng đủ lớn cung cấp cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, sản xuất hữu cơ cần có quy hoạch thành vùng sản xuất xuất tập trung, người dân phải có tâm huyết, chấp hành đúng quy trình kỹ thuật được hướng dẫn. 

Huệ Anh