“Năm 2012, bà Nguyễn Thị Hải Đường rủ tôi hùn hạp làm ăn với Công ty TNHH Quảng An do bà Nguyễn Thị Mai làm giám đốc. Công ty Quảng An là đơn vị thi công, xây lắp chính cho Công ty Vàng Phước Sơn.
Tôi huy động tiền từ 10 người thân được 4,2 tỷ và 10 cây vàng để hùn vào, ăn chia. Nhưng từ sáu-bảy tháng qua, Công ty Vàng Phước Sơn không chuyển tiền trả nợ cho Công ty Quảng An, nên chúng tôi bị vạ lây, không nhận được đồng nào. Gần đây nhất, họ hẹn cuối tháng 11 gửi trả sáu tỷ cho Công ty Quảng An, nhưng rồi thất hứa, chỉ trả hai tỷ. Lý do tôi nghe được là Công ty Vàng Phước Sơn cho rằng giá vàng xuống thấp quá nên họ không bán được, không có tiền trả” - bà Hồ Thị Thọ, ngụ số 10, đường Hoàng Diệu, thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn nói.
Chưa thể thống kê hết những tiểu thương đang “ngồi trên lửa” như bà Thọ tại thị trấn này. Khâm Đức là “thủ phủ vàng” của Phước Sơn. Các tiểu thương ở đây cho biết: Thông qua Công ty Quảng An, họ đã hùn hạp để công ty này có vốn, nhận làm công trình cho công ty vàng. Người ít nhất là 300 triệu, cao nhất gần năm tỷ. Số tiền họ gom cho Công ty Quảng An xấp xỉ trăm tỷ đồng. Trong khi đó, theo các tiểu thương tại chợ Phước Sơn, họ còn bị Công ty Vàng Phước Sơn nợ tiền mua hàng, ăn uống.
Bà Lê Thị Bạch Tuyết cho hay: “Tôi bán bún, mì cho họ đã gần tám năm nay. Nhưng từ tháng 7/2013, họ bắt đầu nợ, đến nay số tiền nợ là 53 triệu. Một ký bún, lời chỉ 1.000đ, nợ nhiều như vậy, sao tôi chịu nổi?”. Chủ hàng rau Đỗ Văn Trung, nói: “Cả quầy rau trị giá chưa được một triệu bạc, mà công ty đã nợ 222 triệu tiền rau xanh, củ quả. Chúng tôi bỏ hàng trực tiếp qua nhà bếp của công ty. Sáng 22/11, chúng tôi còn vào bỏ, thì đến chiều họ tuyên bố ngừng tiếp nhận. Bây giờ chúng tôi ôm cục nợ với các đại lý rau ở Đà Nẵng. Công ty Vàng Phước Sơn nợ chúng tôi thì không tính lãi suất, còn các đại lý thì đòi lãi suất hàng tháng”.
Cùng cảnh, cửa hàng bánh mì Gia Huy bị Công ty Vàng Phước Sơn nợ 55 triệu; nhà khách Trung Đô bị nợ hơn 400 triệu; khách sạn Bé Châu Giang hơn một tỷ, Công ty CP TM & DV Phước Sơn bị nợ bốn tỷ, đành đóng cửa cây xăng tại đây…
Theo anh Trung, quầy rau của anh bị Công ty Vàng Phước Sơn nợ hơn 220 triệu |
Ông Đỗ Ngọc Thắng, Chủ tịch UBND thị trấn Khâm Đức cho biết, ngày 27/11, Công ty Vàng Phước Sơn có buổi làm việc với UBND huyện Phước Sơn, nhưng hướng giải quyết ra sao thì ông không biết. Ngày 3/12, công ty này họp cổ đông để bàn giải pháp, nhưng họ chưa phản hồi. Cũng theo ông Thắng, Công ty Vàng Phước Sơn nợ Công ty Quảng An 24 tỷ đồng.
Công ty Quảng An đã có ý định dừng thi công các hạng mục tại Công ty Vàng Phước Sơn, nhưng huyện không đồng ý. Chúng tôi đã liên lạc với ông Phạm Thế Quyền, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn để tìm hiểu thêm thông tin, nhưng ông Quyền không trả lời. Khi phóng viên đặt câu hỏi với ông Thắng: “Số tiền Công ty Quảng An huy động trong dân là bao nhiêu?”, thì cũng không được trả lời. Được biết, bà Nguyễn Thị Hải Đường là vợ ông Thắng, bà Nguyễn Thị Mai là em ruột bà Nguyễn Thị Hải Đường.
Theo thông tin từ công ty Besra, Công ty đang gặp một số khó khăn vì một nhà máy ở Tam Lãnh huyện Phú Ninh đang tạm dừng hoạt động vì bị mưa lũ tàn phá. Việc trả nợ cho dân sẽ được thực hiện, dù có chậm.
Theo PNO