Một trong những HTX đi đầu trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là HTX Sản xuất và Kinh doanh hoa cây cảnh Nam Phong, xã Nam Phong (thành phố Nam Định). Tham gia Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất hoa thương phẩm chất lượng cao tại Nam Định”, HTX Nam Phong đã được hỗ trợ đầu tư lắp đặt nhà màng hiện đại với hệ thống tưới nhỏ giọt, kho lạnh bảo quản hoa và hệ thống làm lạnh xử lý cây ra hoa như ý. 

Đồng thời, HTX được hỗ trợ hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật như: xây dựng nhà lưới hiện đại trồng lan Hồ điệp, hoa Lily, hoa Cát tường, hệ thống máy lạnh để xử lý ra hoa cho lan Hồ điệp và các thiết bị hiện đại khác.

anh 1.jpg
Nhiều HTX nông nghiệp đã chú trọng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.

Hiện nay, HTX đã ứng dụng quy trình công nghệ tiên tiến về sinh học, vật liệu mới của Việt Nam và thế giới giúp cây sinh trưởng, phát triển vượt trội so với những hộ sử dụng giống cũ và kỹ thuật truyền thống. Dự kiến, dự án sẽ mang lại lãi thuần gần 2 tỷ đồng cho HTX.

Chị Phạm Thị Hoa, Giám đốc HTX chia sẻ, với việc ứng dụng đồng bộ công nghệ vào cả quy trình chăm bón và bảo quản sau thu hoạch, sản phẩm hoa của HTX đã được nâng cao năng suất, chất lượng, khâu bảo quản sau thu hoạch cũng được bảo đảm đúng tiêu chuẩn, quy cách của sản phẩm xuất khẩu. Hiện HTX đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng các loại hoa, nhất là hoa Ly vụ cuối năm.

Tương tự, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (huyện Long Thành, Đồng Nai) cũng xây dựng thành công mô hình HTX nông nghiệp công nghệ cao xuất khẩu gà đi Nhật Bản. Từ năm 2006, HTX Long Thành Phát đã chuyển các hoạt động như: cho ăn, uống nước, uống thuốc… sang tự động hóa. Năm 2023, HTX tiếp tục ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi, trại gà được đầu tư các hệ thống băng chuyền vận chuyển giúp tự động bắt gà, tự động lấy phân. Lịch trình, công đoạn từng lứa gà được lên trước cả năm, gửi đến chủ trang trại, nhà cung cấp giống, thức ăn, thuốc để các bên cùng thực hiện.

Hiện chuỗi liên kết nuôi gà trong chuồng lạnh của HTX cung cấp cho thị trường xuất khẩu với tổng đàn gà thịt lên đến 2 triệu con/năm. 

Theo số liệu từ Liên minh HTX Việt Nam, đến nay, cả nước có hơn 4.600 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chiếm 17% tổng số HTX; nhiều HTX đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị trong quản trị, xúc tiến thương mại. Tuy nhiên, trong lĩnh vực nông nghiệp, số HTX ứng dụng công nghệ cao còn thấp, với hơn 1.700 HTX.

Nghị quyết số 106/NQ-CP của Chính phủ về phát triển HTX nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đặt mục tiêu đến năm 2025 nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp theo định hướng phát triển bền vững, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phấn đấu có trên 3.000 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, áp dụng biện pháp thực hành nông nghiệp tốt (GAP), kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, tiêu thụ giúp các HTX nâng cao giá trị kinh tế, tạo chiến lược kinh doanh phù hợp với xu thế thị trường hiện nay. Đây cũng là đòn bẩy để các HTX phát huy nguồn lực kinh tế tập thể, xây dựng nông dân công nghệ số, tạo nguồn lực kinh tế khu vực nông thôn, chủ động thích ứng với những biến động về thị trường, dịch bệnh…

Trên thực tế, có những HTX nông nghiệp đã nhìn ra được việc cần ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, từ đó mới nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh ngoài thị trường và mục tiêu cao nhất là hướng đến nâng cao giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX cũng gặp phải nhiều khó khăn như: thiếu vốn để đầu tư; thiếu nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu công việc; chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh phù hợp…

Do vậy, các chuyên gia cho rằng, muốn ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp thì phải bắt đầu từ nông dân và các công nghệ số phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, đặc điểm của người nông dân.

Xuân Quý và nhóm PV, BTV