Hãng tin Bloomberg ngày 8/8 trích dẫn các dữ liệu theo dõi tàu chuyên chở nhiên liệu cho hay, số lô hàng dầu thô Nga đến các cảng ở Italia và Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lên mức cao trong nhiều tuần tính đến ngày 5/8, bù lại sự sụt giảm các chuyến hàng tới những nước đối tác của xứ sở bạch dương ở Bắc Âu. 

Nhìn chung, số lô hàng từ Nga đến khu vực Địa Trung Hải đã lên đến mức cao nhất kể từ giữa tháng 6. Trong đó, vận chuyển dầu thô từ các cảng xuất khẩu ở vùng Baltic và Biển Đen đến các nhà máy lọc dầu ở Italia đã tăng lên mức cao nhất trong 7 tuần và  đến Thổ Nhĩ Kỳ là lớn nhất trong 6 tuần.

Tây Ban Nha và Hy Lạp cũng quay trở lại với nguồn cung từ Nga khi lần lượt tiếp nhận các lô hàng dầu thô Urals đầu tiên kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát hồi cuối tháng 2.

Các lô hàng dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga hiện ổn định ở mức khoảng 500.000 thùng/ngày, thấp hơn mức đỉnh đạt được ngay sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước láng giềng hôm 24/2 và không thay đổi nhiều so với trước khi chiến sự xảy ra.

Các nhà phân tích cũng phát hiện, doanh thu của Nga từ thuế xuất khẩu dầu thô tiếp tục tăng, ngay cả khi nước này đã giảm thuế cho những lô hàng xuất đi kể từ đầu tháng 8.

Theo Bloomberg, sự gia tăng nhu cầu mua dầu mỏ Nga ở các nước EU có thể đe dọa việc thực thi các biện pháp trừng phạt Moscow, cũng như phản ánh vướng mắc mà khu vực này sẽ gặp phải trong việc chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga. 

“Mặc dù một phần số hàng hóa này được xác định không thuộc về các công ty Nga, nhưng chúng thực tế được khai thác và vận chuyển từ các cảng của Nga. Điều này cho thấy sẽ khó khăn như thế nào trong việc kiểm soát các lệnh trừng phạt dầu mỏ Nga khi chúng có hiệu lực vào tháng 12 năm nay", trích nhận định của Bloomberg.

Tuấn Anh

Vì sao khí đốt của Mỹ không cứu nổi khủng hoảng năng lượng châu Âu?Các biện pháp trừng phạt Moscow cùng việc Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt đã khiến châu Âu lâm vào khủng hoảng năng lượng. Mỹ cố gắng lấp đầy khoảng thiếu hụt nhưng "lực bất tòng tâm".