Các quốc gia đồng loạt vào cuộc 

EU đang là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Chống khai thác bất hợp pháp và không báo cáo theo quy định (chống khai thác IUU) của Uỷ ban Châu Âu (EC) là một phần hành động của EU trong Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững.

Theo EC, từ 11-26 triệu tấn cá bị đánh bắt bất hợp pháp mỗi năm, tương ứng với ít nhất 15% sản lượng đánh bắt trên thế giới. Cách tiếp cận không khoan nhượng đối với hoạt động đánh bắt cá IUU mà EC theo đuổi là một phần không thể thiếu của Thỏa thuận xanh châu Âu và Chiến lược đa dạng sinh học của EU. 

EC hợp tác với các nước đối tác nhằm cải thiện quản lý nghề cá và đảm bảo rằng tất cả các quốc gia tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế của họ.

Những năm qua, EC đã cảnh báo “thẻ vàng”, phạt “thẻ đỏ” IUU với thuỷ sản của nhiều quốc gia trên thế giới. Mới đây nhất, thuỷ sản Cộng hòa Trinidad và Tobago đã bị EC phạt thẻ đỏ do những vi phạm trong chống khai thác IUU không có chuyển biến và kéo dài dai dẳng

Việc bị phạt thẻ đỏ cũng đồng nghĩ với lệnh “cấm cửa” xuất khẩu thuỷ sản vào thị trường EU.

W-cang-ca-1.jpg
Thuỷ sản Việt Nam bị cảnh báo thẻ vàng IUU đã 6 năm.

Đáng chú ý, không chỉ EU mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng “mạnh tay” hơn với hải sản khai thác bất hợp pháp. Như Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc mới đây thông báo Chính phủ nước này chính thức chấp nhận thỏa thuận do Tổ chức Thương mại Thế giới đề xuất nhằm cấm trợ cấp cho hoạt động đánh bắt bất hợp pháp.

Thỏa thuận tập trung vào việc cấm các khoản trợ cấp góp phần gây ra tình trạng lạm thác và các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không được kiểm soát khác, với mục tiêu đảm bảo tính bền vững của nguồn lợi hải sản và toàn ngành thủy sản.

Để chống khai thác IUU, 9 công ty thủy sản lớn nhất trên toàn cầu đã đưa ra Sáng kiến của Kinh doanh Thủy sản để Quản lý Đại dương (SeaBOS).

Theo đó, các thành viên cùng phát triển một bộ công cụ bao gồm các tài liệu chính sách, quy trình thẩm tra và cơ chế truy xuất nguồn gốc tiên tiến, đồng thời đã "tham gia báo cáo bên ngoài về trách nhiệm giải trình và tính minh bạch cũng như với các chính phủ, xã hội dân sự và các bên liên quan khác để tác động làm thay đổi chính sách.

Hành động này nhằm thúc đẩy các chuẩn mực mới của ngành, nêu bật sự cần thiết phải có các chính sách và luật pháp công hiệu quả hơn. SeaBOS đã viết thư cho Tổ chức Thương mại Thế giới để khuyến nghị loại bỏ các khoản trợ cấp có hại cho sản xuất thủy sản.

Thai Union - 1 trong 9 công ty thuỷ sản lớn trên thế giới - tuyên bố đưa ra các chương trình thẩm tra cũng như chương trình cải tiến tàu cá và quy tắc ứng xử để đảm bảo giám sát 100% các hoạt động trên biển vào năm 2025.

Thời gian gần đây, Mỹ, Indonesia, Campuchia… cũng đang thực hiện nhiều hoạt động về chống khai thác IUU, bảo vệ nguồn lợi hải sản trên biển.

Thuỷ sản Việt sẽ thiệt hại nếu bị phạt thẻ đỏ

Việt Nam bị EC cảnh báo thẻ vàng IUU từ năm 2017, đồng nghĩa thủy hải sản của nước ta xuất khẩu sang EU sẽ bị kiểm soát 100% thay vì kiểm tra xác xuất.

Thực tế cho thấy, kể từ khi bị cảnh báo thẻ vàng, xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường này bị sụt giảm đáng kể. EU từ vị trí thứ 2 tụt xuống vị trí thứ 4 trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam, xếp sau Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản.

Trong 11 tháng năm 2023, xuất khẩu thuỷ sản sang EU chỉ đạt 869 triệu USD, giảm 29% so với cùng kỳ năm 2022.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cảnh báo, nếu bị phạt "thẻ đỏ", Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu hải sản khai thác sang thị trường EU với tổng giá trị khoảng gần 500 triệu USD/năm.

Cùng với thị trường EU, thị trường Nhật Bản hiện nay cũng kiểm soát IUU trong toàn bộ quá trình chuỗi và đảm bảo truy xuất nguồn gốc đối với thủy sản Việt Nam.

Đáng nói, khi bị “thẻ đỏ”, chúng ta không chỉ mất thị phần mà sẽ ảnh hưởng đến công ăn việc tại 60 nhà máy đang tham gia xuất khẩu vào thị trường EU cũng như những ngư dân làm ăn chân chính, đồng thời ảnh hưởng đến nỗ lực xây dựng nghề cá hiện đại của quốc gia. 

Thế nhưng, qua 4 đợt thanh tra của EC, thuỷ sản Việt Nam vẫn chưa thể gỡ được cảnh báo thẻ vàng IUU.

Theo Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan, người tiêu dùng trên thế giới ngày càng thể hiện trách nhiệm cao với môi trường. Họ chọn mua con cá không dựa vào chất lượng ngon hay không ngon mà còn nhìn vào cả quá trình đắt bắt đó có hợp pháp hay không, nguồn gốc có minh bạch hay không.

Báo cáo cho thấy, tổng sản lượng thuỷ sản của nước ta năm nay ước đạt 9,32 triệu tấn, trong đó thuỷ sản khai thác 3,57 triệu tấn, thuỷ sản nuôi trồng đạt trên 4,9 triệu tấn… Xuất khẩu thuỷ sản năm nay ước thu về gần 9 tỷ USD.

Thế nên, để bắt kịp sự biến chuyển của xu hướng tiêu dùng trên thế giới, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong chống khai thác IUU. Gỡ thẻ vàng IUU, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, việc này không chỉ để xuất khẩu sang EU mà còn giúp phát triển ngành nuôi trồng và khai thác hải sản bền vững, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam, giữ uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đồng thời, xác định "thẻ vàng" là cơ hội cho ngành khai thác thủy sản chuyển đổi từ nghề cá truyền thống, quy mô nhỏ nhiệt đới, đa nghề, đa loài sang quản lý một nghề cá có trách nhiệm, phát triển bền vững.

Nguyễn Anh Duy, Nguyễn Hồng Hạnh