Tại Hội nghị công tác thương vụ khu vực Châu Á - Châu Phi mới đây, đại diện Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ tại các thị trường thuộc khu vực Châu Á - Châu Phi như: Campuchia, Lào, Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore, Israel, Ả rập Xê út, Australia, Nam Phi; Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc; Chi nhánh Quảng Châu của Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc... đã thông tin về tình hình hợp tác đầu tư, thương mại giữa doanh nghiệp Việt Nam và đối tác nước sở tại.

Đồng thời cập nhật những chính sách mới, quy định mới của các nước sở tại đối với hàng hóa xuất nhập khẩu nói chung, hàng hóa từ Việt Nam nói riêng.

Ý kiến của đại diện các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ tại nước ngoài cho thấy, nhiều thị trường trong khu vực có nhu cầu hàng hóa Việt Nam, trong đó có những thị trường dung lượng lớn, dân số nhiều, nhu cầu cao và đa dạng mặt hàng như: Ấn Độ, Australia, Nam Phi... Có thị trường như tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thời gian qua nhưng kim ngạch thương mại song phương với Việt Nam vẫn tăng trưởng khả quan. Thị trường Singapore có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn quan tâm tìm hiểu cơ hội đầu tư hợp tác tại Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng tái tạo...

Đặc biệt, các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ đều tích cực triển khai nhiều chương trình để xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh, thúc đẩy giao thương giữa Việt Nam và các nước. Phối hợp tổ chức các hoạt động kết nối các tập đoàn lớn tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Các thương vụ cũng tích cực cập nhật những thông tin thay đổi quy định, chính sách của nước sở tại để kịp thời hướng dẫn cho các doanh nghiệp tiếp cận với các thị trường…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh một số nhiệm vụ nhằm tiếp tục phát triển thị trường để thực hiện được mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ giao và hoàn thành những yêu cầu, nhiệm vụ mà lãnh đạo Bộ đã đề ra cho các Thương vụ ở nước ngoài.

Vụ Thị trường châu Á - châu Phi chủ trì phối hợp với các Vụ, đơn vị có liên quan của Bộ để khẩn trương xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển thị trường ở khu vực Châu Á, Châu Phi. Theo đó, một mặt tiếp tục củng cố, duy trì tốc độ tăng trưởng ở các thị trường truyền thống.

hoinghi.png
Ảnh minh hoạ

Mặt khác, đẩy mạnh khai thác các thị trường mà Việt Nam là thành viên thông qua các hiệp định thương mại song phương và đa phương khu vực. Chiến lược đó phải nói rõ, nhu cầu của thị trường là cần những gì, những điểm lưu ý đối với các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp. Từ đó phải phân công, phân nhiệm cụ thể đối với từng cán bộ theo dõi đến từng địa bàn, từng thị trường để kết hợp với các Thương vụ Việt Nam ngoài nước xây dựng thành kế hoạch cụ thể trong từng tháng, từng quý và cả năm.

“Mục tiêu của chúng ta là khai thác tối đa lợi ích thông qua các hiệp định đã ký đối với các thị trường của các nước sở tại. Đặc biệt chú trọng những thị trường mới, thị trường chúng ta đã là thành viên nhưng thời gian vừa qua chưa thật sự phát triển. Ngoài những thị trường chúng ta là thành viên, còn những thị trường rộng hơn thông qua các tổ chức thương mại thế giới, các thị trường đông dân, nhiều người tiêu dùng, có nhu cầu về sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Tập trung nắm bắt các chủ trương, chính sách của các nước sở tại, phân tích các chính sách đó để có khuyến nghị chính sách đối với trong nước thông qua các Vụ Thị trường ngoài nước. Đồng thời cũng đề xuất, kiến nghị phản ánh chính sách của Việt Nam để đảm bảo quyền lợi của đất nước thông qua việc khai thác các FTA mà chúng ta đã ký.

Thông qua việc khai thác các thị trường đó để chúng ta bán những mặt hàng có lợi thế tại nước ngoài, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi mà nền sản xuất của nhiều nước khó khăn nhưng nhu cầu hàng hóa của các nước đó rất cao mà Việt Nam lại có khả năng cung ứng.

Tiếp tục nắm bắt diễn biến thị trường để kết nối cung cầu. Không chỉ nắm bắt nhu cầu thị trường của các nước sở tại thông báo về nhu cầu, quy cách, phẩm chất và những điều đáng lưu ý đối với doanh nghiệp, với hiệp hội ngành hàng, mà đồng thời trong nước cũng phải cung cấp cho các Thương vụ những thông tin về khả năng cung ứng sản phẩm hàng hóa ra các thị trường. 

Bộ trưởng cho rằng: Thông tin phải được cung cấp ở cả hai chiều, hàng tuần các thương vụ gửi diễn biến thị trường về trong nước và trong nước cũng gửi thông tin về tình hình môi trường chính sách kinh doanh, thị trường trong nước ra các thương vụ nước ngoài; tối đa 2 tuần/1 lần. 

Thông tin từ nước ngoài được sử dụng không chỉ ở các Vụ, đơn vị có liên quan ở trong Bộ mà còn sử dụng ở các bộ ngành có liên quan đến các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp. Trái lại thông tin từ trong nước, thông qua Vụ Thị trường ngoài nước tập hợp sẽ được gửi cho các Thương vụ để làm cơ sở cho trao đổi, đối thoại, tương tác với đối tác ở nước ngoài. 

Riêng Hội nghị giao ban giữa các thương vụ duy trì mỗi tháng 1 lần với sự tham gia của các Vụ, đơn vị có liên quan của Bộ Công Thương, các bộ ngành khác và các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng sản phẩm xuất khẩu lớn... để tăng mức độ kết nối cung cầu thị trường và trao đổi, tương tác mang lại hiệu quả lớn. 

“Việc cung cấp các thông tin từ trong nước thông qua các hiệp hội, ngành hàng, các địa phương hay các bộ ngành được tập hợp thông qua Vụ Thị trường ngoài nước, cụ thể ở đây là Vụ thị trường Châu Á - Châu Phi hoặc Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại... Ở nước ngoài rất cần thông tin vì không có thông tin thì không thể làm được. Việc cung cấp thông tin đòi hỏi cả Thương vụ ngoài nước và các đơn vị trong nước phải quan tâm”, Bộ trưởng lưu ý.

Bên cạnh đó theo Bộ trưởng, hiện cả thế giới dự báo sẽ thiếu nguồn cung về nguyên liệu. Chúng ta là nền kinh tế có khả năng sản xuất để xuất khẩu rất lớn nhưng nguyên liệu đầu vào của những ngành có lợi thế vẫn đang phụ thuộc vào thị trường nước ngoài. Trong tương lai, nếu Việt Nam không vươn lên làm chủ công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ thì sẽ bị động.

Cho nên đây là lúc các Thương vụ ngoài nước kết hợp chặt chẽ với đơn vị trong nước để kết nối cung cầu trong việc khai thác tài nguyên khoáng sản, sản xuất chế biến thành nguyên liệu đầu vào trong các ngành sản xuất ở trong nước. Không chỉ là tương tác môi giới để bán hàng mà còn tương tác kết nối nguồn cung để có được nguồn cung đa dạng, ổn định nguyên vật liệu phục vụ cho các nền sản xuất trong nước. Chính nguyên vật liệu ấy lại quay trở lại đáp ứng các nhu cầu sản phẩm, hàng hóa dịch vụ cho các nước sở tại.

Một vấn đề khác cũng được Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, lưu ý triển khai ngay đó là tất cả các Thương vụ đều phải có ít nhất một phòng trưng bày sản phẩm để giới thiệu sản phẩm từ trong nước gửi sang giúp nhà đầu tư nước sở tại có thể tiếp cận, tìm hiểu hàng hóa Việt Nam trên thực tế.

"Thông qua phòng trưng bày ấy các doanh nghiệp, các hiệp hội, ngành hàng trong nước sẽ gửi sản phẩm sang để giới thiệu. Mặt khác trong nước, thông qua Vụ thị trường ngoài nước, chúng ta sẽ cung cấp các thông tin về quá trình sản xuất, cung ứng các sản phẩm, hàng hóa ra thị trường ngoài nước để có thể duy trì việc bán hàng”, Bộ trưởng Công thương yêu cầu.

Nguyễn Lê và nhóm PV, BTV