Thời gian qua, các vấn đề về quyền con người đã ngày càng trở nên quan trọng trong ASEAN. Thuật ngữ “quyền con người” đã bước vào chương trình nghị sự của Cuộc họp Bộ trưởng ASEAN từ năm 1993 với tuyên bố được nêu trong thông cáo chung: “các bộ trưởng ngoại giao (ASEAN) hoan nghênh sự đồng thuận quốc tế đạt được trong Hội nghị thế giới về quyền con người … và tái khẳng định cam kết của ASEAN với việc tôn trọng các quyền tự do cơ bản của con người đã được nêu trong Tuyên bố Viên ngày 25-3-1993”.

Kế hoạch hoạt động của ASEAN sau đó, trong các năm 1998 và 2003 đã bao gồm những vấn đề cụ thể về quyền con người. Kế hoạch Hành động Hà Nội (1997-2004) đã đề cập tới việc trao đổi thông tin và việc tuân thủ các nghĩa vụ quyền con người quốc tế. Tiếp đó, trong Chương trình Hành động Viên-chăn (2004-2010) đã nhấn mạnh sự giao lưu giữa những cơ chế quyền con người của các nước ASEAN, giáo dục quyền con người, quyền phụ nữ và trẻ em, quyền của người lao động di cư với các điều khoản cụ thể như: Thành lập một Ủy ban ASEAN về riêng quyền phụ nữ và trẻ em; Xây dựng một văn kiện pháp lý riêng cho việc thúc đẩy và bảo vệ quyền của người lao động di cư; Thúc đẩy sự giao lưu giữa các cơ quan quyền con người quốc gia đã được thiết lập; Thúc đẩy giáo dục quyền con người trong khu vực.

W-tangquyen.png

Mốc quan trọng của Cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á là việc thông qua Hiến chương ASEAN vào ngày 20-11-2007 và chính thức có hiệu lực từ ngày 15-12-2008, với mục đích “Tăng cường dân chủ, thúc đẩy quản trị tốt và pháp quyền, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và các tự do cơ bản, với sự tôn trọng thích đáng các quyền và trách nhiệm của các quốc gia thành viên ASEAN” dựa trên nguyên tắc “Tôn trọng quyền tự do cơ bản, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, và công bằng xã hội”.

ASEAN cũng đã thông qua những văn kiện về quyền con người như: Tuyên bố về xoá bỏ bạo lực đối với phụ nữ trong khu vực ASEAN (2004); Tuyên bố ASEAN về chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (2004); Tuyên bố ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư (2007). Ủy ban Nhân quyền liên chính phủ ASEAN (AICHR) đã được thành lập tháng 7-2009 và chính thức ra mắt tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 15; Ủy ban ASEAN về Thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em (ACWC) thành lập vào ngày 7/4/2010 tại Hà Nội, Việt Nam, nhân dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 16. ACWC có mục tiêu thúc đẩy, bảo vệ, tôn trọng và thực thi các quyền của phụ nữ và trẻ em trong ASEAN để họ được sống hòa bình, bình đẳng, công bằng và thịnh vượng.

Hồi đầu năm nay, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, phối hợp với các Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) và Cơ quan Liên Hợp Quốc vì Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) tổ chức Hội thảo ra mắt và triển khai Hướng dẫn ASEAN về tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em: Cung cấp các dịch vụ công tác xã hội có chất lượng cho những người có nguy cơ hoặc bị ảnh hưởng bởi bạo lực.

Hướng dẫn ASEAN nhằm hỗ trợ các nước thành viên thực hiện hiệu quả hơn lộ trình của Tuyên bố Hà Nội về thúc đẩy công tác xã hội hướng đến một cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng; củng cố hệ thống công tác xã hội, góp phần giải quyết và ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

Qua đó, các nhà hoạch định chính sách cũng như các cơ quan chuyên ngành liên quan sẽ thiết kế và cung cấp các dịch vụ công tác xã hội có chất lượng cho những người có nguy cơ hoặc bị ảnh hưởng bởi bạo lực, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Hướng dẫn cũng là cơ sở tham chiếu để xây dựng pháp luật, chính sách và công cụ để cung cấp các dịch vụ công tác xã hội chất lượng.

Nhóm PV