Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo lần thứ 20 (AMMSTI-20) vừa khai mạc tại tỉnh Siem Reap thuộc Tây Bắc Campuchia.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Campuchia- ông Hun Manet nêu rõ với chủ đề có tầm nhìn xa trông rộng “Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI): Định hướng tương lai,” hội nghị năm nay tập trung vào các cuộc thảo luận chiến lược liên quan đến việc tích hợp các công nghệ AI trong khu vực công và tư nhân trên toàn khu vực, điều vô cùng quan trọng đối với con người.

Thủ tướng Hun Manet nhấn mạnh khoa học và công nghệ là những trụ cột quan trọng hỗ trợ sự tiến bộ của nhân loại. Các lĩnh vực này giúp hỗ trợ sự tiến bộ và cải thiện cuộc sống của người dân, song tất cả đều phải chú ý đến các vấn đề đạo đức, quyền riêng tư của mỗi người.

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Campuchia Hem Vanndy cho biết khoa học công nghệ, đặc biệt là AI mang những thách thức và cơ hội cho xã hội.

Bộ trưởng Hem Vanndy nói rằng điều quan trọng là con người phải có hiểu biết toàn diện về cách quản lý công nghệ nhằm thúc đẩy tính toàn diện và tăng trưởng bền vững.

AI đã được đưa vào đời sống của con người, do đó việc tích hợp AI vào phát triển kinh tế xã hội là cần thiết. Cách tiếp cận này bao gồm việc thực hiện các quy định, đào tạo, thúc đẩy sự tham gia và học hỏi từ cả thành công và thất bại để đảm bảo rằng AI đóng góp tích cực cho tương lai chung của con người.

giadinh
Điều quan trọng là con người phải có hiểu biết toàn diện về cách quản lý công nghệ nhằm thúc đẩy tính toàn diện và tăng trưởng bền vững.

Phát biểu họp báo sau hội nghị, Bộ trưởng Hem Vanndy cho biết tại hội nghị lần này, các Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN đã thông qua các điểm chính sau: tầm quan trọng của công tác quản lý AI; cơ chế quản lý và chỉ đạo quản trị trong lĩnh vực này để không phát triển sai hướng và gây nguy hiểm cho nhân loại.

Theo ông Hem Vanndy, một số sáng kiến đã được đưa ra, trong đó mỗi quốc gia xây dựng năng lực của mình bằng cách tăng cường giáo dục và nhận thức của người dân để nhận ra rằng AI đang bùng nổ.

Đặc biệt trong khuôn khổ ASEAN, với hơn 600 triệu dân, nếu đoàn kết lại, chia sẻ được điều này thì ASEAN sẽ có rất nhiều tiềm năng.

Trong khuôn khổ hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại khu vực, ASEAN nhất trí không để bất kỳ quốc gia nào tụt hậu.

AI có tiềm năng tăng trưởng GDP từ 10% đến 18% trong khu vực ASEAN, tương đương trị giá gần 1.000 tỷ USD, vào năm 2030.

Sự gia tăng của AI có rủi ro và ASEAN đang nỗ lực giảm thiểu chúng, bao gồm đảm bảo tính bao trùm, bảo vệ dữ liệu và khả năng phục hồi mạng, trong khi vẫn phát huy được tiềm năng của AI cho Nền kinh tế số ASEAN.

AI là chìa khóa để mở ra các cơ hội kinh tế xã hội tiềm năng tại ASEAN và các doanh nghiệp đã sẵn sàng hợp tác với chính phủ để triển khai hệ sinh thái AI có đạo đức.

Tiến sỹ Jasmine Begum, Giám đốc khu vực về các vấn đề pháp lý và chính phủ của Microsoft tại ASEAN, nhấn mạnh tầm quan trọng của cách tiếp cận đa chiều để thúc đẩy AI an toàn, bảo mật và đáng tin cậy.

Microsoft cam kết chia sẻ hiểu biết và tham gia vào cuộc đối thoại mang tính xây dựng với ngành, chính phủ, doanh nghiệp và xã hội dân sự để đảm bảo quản trị theo kịp sự phát triển nhanh chóng của AI. 

Nhóm PV