Nhiều tiềm năng nhưng cũng không ít khó khăn

Hội nghị “Kết nối sản phẩm OCOP với các hệ thống thương mại vùng Đồng bằng sông Cửu Long – Liên kết cùng phát triển Cà Mau 2023” vừa được Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại thành phố Cà Mau sáng 11/12.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết, những tiềm năng rừng, biển và hệ sinh thái động vật, thực vật phong phú, đa dạng, đã giúp Cà Mau có nhiều đặc sản địa phương, góp phần thúc đẩy Chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) phát triển mạnh mẽ. 

Tuy nhiên, các chủ thể OCOP hầu hết là các hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh và các doanh nghiệp tương đối nhỏ, năng lực tiếp cận thị trường còn nhiều khó khăn, rất cần sự hỗ trợ kết nối hợp tác để phát triển kinh doanh và mở rộng thị trường.

thu truong tien.jpg
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị. 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến lưu ý: “Mỗi sản phẩm OCOP là một “đại sứ”, đại diện cho một cộng đồng dân cư, vùng/miền, tỉnh/thành và cả quốc gia. Song chúng ta đang đứng trước khó khăn, thách thức rất lớn cần tháo gỡ để giải phóng tiềm năng, lợi thế của OCOP”.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phân tích: Chúng ta hội nhập ngày càng sâu vào thị trường nông sản khu vực và quốc tế, yêu cầu và đòi hỏi của các thị trường rất khó và rất đa dạng. Trong khi đó, sản xuất của chúng ta còn rất nhỏ lẻ, ứng dụng công nghệ chưa cao, sử dụng tài nguyên và sức lao động còn lớn, do vậy, giá thành và sức cạnh tranh còn hạn chế. Cùng với đó là một loạt vấn đề cần khắc phục về xây dựng thương hiệu, kết nối cung cầu, thương mại… Chưa kể những thách thức toàn cầu như lạm phát, chiến tranh, dịch bệnh…

Muốn đi xa thì phải đi cùng nhau

Theo báo cáo tại hội nghị, sau hơn 5 năm triển khai Chương trình OCOP, cả nước đã có 10.811 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của 5.610 chủ thể OCOP. Riêng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã có 2.046 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên (chiếm 18,8% tổng số sản phẩm OCOP của cả nước), với 922 chủ thể OCOP.

Tại tỉnh Cà Mau, sau 4 năm triển khai Chương trình OCOP, đến nay đã có 145 sản phẩm được công nhận OCOP (gồm 32 sản phẩm 4 sao, 113 sản phẩm 3 sao). 

Ghi nhận phản ánh của nhiều chủ thể OCOP tại tỉnh Cà Mau về việc khó phát triển kinh doanh, Phó Chủ tịch Lê Văn Sử dẫn ví dụ về một hợp tác xã cây ăn trái ở đồng bằng sông Cửu Long, chỉ sau 2 năm thành lập đã đạt kim ngạch xuất khẩu 4 – 5 triệu USD. Tìm hiểu thì biết chủ hợp tác xã đã từng đi nước ngoài, có nhiều kiến thức kinh doanh, vận hành hợp tác xã theo mô hình doanh nghiệp.

“Câu chuyện này đặt ra cho chúng ta vấn đề gì? Để nâng cao năng lực cho các chủ thể OCOP, có 2 con đường; Một là chịu khó đi học. Hai là tìm người có học về làm với mình. Con đường thứ hai chắc là làm nhanh hơn. Các chủ thể OCOP hãy tìm cho mình những người có kiến thức để cùng hoạt động kinh doanh, nhất là trên các sàn thương mại điện tử. Mình có thể tốn tiền một chút nhưng hiệu quả sẽ nhanh hơn là mình đi học rồi về tự làm”, ông Sử gợi ý.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: “10.811 sản phẩm OCOP có đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp, cả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tiềm năng, lợi thế của OCOP còn rất lớn”.

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy, khơi dậy tiềm năng, lợi thế của OCOP phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị tập trung vào một số giải pháp gồm: Xem xét, đánh giá, dự báo thị trường; Không ngừng nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm; Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Chú trọng xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP.

“Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau. Thế giới đang chuyển động rất nhanh chóng. Chúng ta đã dần bắt nhịp được. Các sản phẩm OCOP Việt Nam sẽ tăng về số lượng, nâng cao được chất lượng, giảm giá thành, nâng cao được sức cạnh tranh và vươn xa thế giới mà còn. Qua đó góp phần quan trọng vào thực hiện Nghị quyết Trung ương 13 và các nghị quyết hướng tới nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định.

Vân Anh và nhóm PV, BTV