Chất lượng dân số là sự phản ánh các đặc trưng về thể chất, trí tuệ và tinh thần của toàn bộ dân số, bao gồm cả trình độ giáo dục, cơ cấu và trình độ nghề nghiệp - xã hội, tính năng động, mức sống, tình trạng sức khỏe; có quan hệ mật thiết với trình độ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Do đó, chất lượng dân số phải là mục tiêu phấn đấu của cả cộng đồng, quốc gia nhằm hướng tới “nâng cao vị thế con người và phát triển đất nước phồn vinh”.
Nhằm nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới, Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Khóa XII nêu rõ: “Chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững”.
Tuy nhiên, vấn đề chất lượng dân số lại đang đứng trước các thách thức như: mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể, mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh và đã ở mức nghiêm trọng; tầm vóc, thể lực của người Việt Nam chậm được cải thiện, đặc biệt ở nhóm dân tộc thiểu số.
Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc , trong 53 dân tộc thiểu số của nước ta, có 16 dân tộc có dân số dưới 10 nghìn người. Trong 16 dân tộc thiểu số rất ít người, có 11 dân tộc có dân số dưới 5 nghìn người, trong đó 5 dân tộc có dân số dưới 1 nghìn người (Ơ Đu, Pu Péo, Si La, Rơ Măm, Brâu).
Số liệu được nêu trong Đề án “Bảo vệ và phát triển dân tộc thiểu số, đặc biệt dân tộc dưới 10 nghìn người theo hướng bảo đảm sự phát triển đồng đều, bình đẳng giữa các dân tộc” do Ủy ban Dân tộc xây dựng cho thấy, nhiều chỉ số đáng ngại về chất lượng dân số của các dân tộc thiểu số rất ít người.
Cụ thể, tuổi thọ trung bình của dân tộc thiểu số rất ít người chỉ đạt 69,9 năm, thấp hơn 3,4 năm so với kết quả chung của cả nước; tầm vóc thể lực (chiều cao, cân nặng trung bình) cũng rất thấp (chiều cao trung bình là 1m40 - 1m55, cân nặng trung bình 40 - 45kg)…
Đáng chú ý nhất, là tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi, nhẹ cân ở trẻ em các dân tộc thiểu số rất ít người. Theo kết quả điều tra, cân nặng trẻ sơ sinh đủ tháng đạt chuẩn là khoảng 2,9 - 3,8kg/trẻ. Ghi nhận trên cả nước thì tỷ lệ trẻ sơ sinh dưới cân nặng này chỉ khoảng 5,7%. Nhưng với các dân tộc thiểu số rất ít người, trẻ sơ sinh có cân nặng dưới tiêu chuẩn chiếm tỷ lệ 8,1%.
Ngoài ra, tỷ lệ thiếu máu vẫn luôn cao ở vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên với 43% trẻ thiếu máu so với tỷ lệ chung toàn quốc là 27,8%. Đặc biệt, tập quán kết hôn cận huyết thống, tảo hôn của một số DTTS rất ít người dẫn đến nhiều hệ lụy như đẻ non, thai nhi kém phát triển, suy dinh dưỡng, thể trạng yếu, mắc bệnh, tỷ lệ tử vong cao, chất lượng giống nòi suy thoái.
Điều này khiến dân số của các dân tộc thiểu số rất ít người có gia tăng, nhưng không nhiều. Đáng chú ý, dân số của một số dân tộc thiểu số rất ít người đang có chiều hướng giảm (dân tộc Ngái giảm từ 1.035 người năm 2009 xuống còn 999 người năm 2015; dân tộc Lô Lô từ 4.541 người năm 2009 xuống còn 4.314 người năm 2015).
Chính sách dân số, chất lượng dân số có ảnh hưởng rất lớn tới tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, và góp phần bảo vệ sức khỏe con người, ổn định kinh tế, chính trị quốc gia.
Có thể nói, vấn đề dân số chính là “cửa ngõ” xung yếu để quốc gia phát triển bền vững, tồn tại lâu dài. Việc phát triển dân số trong tình hình mới không chỉ có tầm quan trọng với quốc gia mà đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng với từng gia đình và từng cá nhân. Như vậy, việc phát triển dân số trong tình hình mới theo định hướng là rất quan trọng.
Thanh Hùng, Ngọc Quý, Lê Thị Na