Ngành Viễn thông thế giới đã trải qua nhiều đợt sa thải quy mô lớn do doanh thu sụt giảm và sự xuất hiện của công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI). Tuy nhiên, không ít nhà mạng đang tìm cách đổi mới mô hình, tìm kiếm nguồn thu mới và sử dụng AI để hỗ trợ nhân viên. VietNamNet giới thiệu tuyến bài sa thải và hướng đi của ngành Viễn thông để độc giả có cái nhìn toàn diện.

Bài 1: Sa thải nhân sự trong lĩnh vực viễn thông: Những con số biết nói

Bài 2: Trí tuệ nhân tạo là 'tội đồ' khiến nhân viên nhà mạng bị sa thải hàng loạt?

Bài 3: Tìm lối đi mới trở thành bài toán cấp bách của viễn thông toàn cầu

Bài 4: 5 chiến lược marketing giúp nâng cao doanh thu nhà mạng viễn thông

Để đầu tư đáp ứng nhu cầu kết nối trong tương lai của ngành, xã hội và chính phủ, các công ty viễn thông cần tìm ra những cách mới để tăng doanh thu và lợi nhuận.

Hội tụ khách hàng, các công nghệ mới như 5G và sản phẩm mới là những lĩnh vực màu mỡ để bắt đầu quá trình phục hồi. 

Báo cáo gần đây của OliverWyman, công ty tư vấn quản lý đa quốc gia, dựa trên ý kiến của các giám đốc điều hành trong lĩnh vực viễn thông, đã chỉ ra một số chiến lược chính để thúc đẩy tăng trưởng doanh thu.

Chiến lược “Thêm nhiều hơn nữa”

Chiến lược này bao gồm việc định giá thị trường một cách thông minh bằng cách giới thiệu các dịch vụ mới cho các gói hiện có làm cơ sở cho việc tăng giá.

more4more.jpg
Chiến lược "Thêm nhiều hơn" có thể được sử dụng để đẩy giá, thay vì cuộc đua giá rẻ.

Một số nhà khai thác đã thực hiện những bước đi táo bạo theo hướng này ở Tây Ban Nha, Pháp và Bỉ, nơi những ưu đãi mua nhiều hơn (more-for-more) đã dẫn đến làn sóng tăng giá.

Song, chiến lược cần có điều kiện thị trường cụ thể, thị phần công ty phải ổn định và không chênh lệch giữa các “người chơi” để không nhà mạng nào có thể tăng doanh thu bằng cách giảm giá, tăng sản lượng.

Tuy nhiên, chiến lược nhiều hơn chỉ giới hạn trong ngắn hạn. Trong làn sóng đầu tiên, các nhà khai thác giới thiệu các dịch vụ thoại không giới hạn và sau đó bổ sung thêm dữ liệu di động cho đến khi đạt đến mức dồi dào.

Làn sóng thứ hai chủ yếu dựa trên việc định giá kết nối Internet nhanh hơn hoặc chuyển sang cáp quang.

Làn sóng thứ ba tập trung vào việc bổ sung nội dung, cả độc quyền và không độc quyền, trên các gói nhiều dòng để tạo các gói gia đình và chia sẻ dữ liệu.

Vai trò của dữ liệu và AI

OliverWyman nhận thấy việc sử dụng thông minh dữ liệu khách hàng kết hợp với khả năng quản lý mạnh mẽ có thể tạo thành nền tảng của các công cụ thương mại khó sao chép và cải thiện đáng kể hiệu suất trong hoạt động kinh doanh viễn thông cốt lõi.

61hhhnnn.jpg
Dữ liệu và AI có thể giúp nâng cao hiệu quả doanh nghiệp viễn thông.

Lợi ích có thể bao gồm việc tăng tốc độ liên hệ với khách hàng và giảm tỷ lệ rời bỏ. Dữ liệu có thể giúp cá nhân hoá mối quan hệ giữa nhà điều hành và từng khách hàng, nhanh chóng nắm bắt vấn đề người dùng gặp phải để kịp thời có biện pháp ngăn chặn hay giảm thiểu tác động.

Ngoài ra, trải nghiệm khách hàng sẽ được nâng cao với việc dùng AI đánh giá chất lượng dịch vụ và mạng lưới. Và cuối cùng, dữ liệu giúp công ty viễn thông xác định thị hiếu và sở thích của khách hàng.

Một vai trò khác của dữ liệu là lập bản đồ các hộ gia đình và thị trường, chẳng hạn như số lượng thiết bị và cá nhân trong một ngôi nhà nhất định, các dịch vụ mà một hộ gia đình có thể yêu cầu và giá trị mà hộ gia đình đó có thể mong đợi tạo ra.

Hầu hết các khả năng này có thể được triển khai trong các công cụ đề xuất thế hệ tiếp theo sử dụng thuật toán AI để tối ưu hóa doanh thu hoặc lợi nhuận.

Đối với mỗi khách hàng, những công cụ mới này có thể tìm ra hành động cần thực hiện với ai, thông qua kênh nào, khi nào và như thế nào.

Thực tế ảo, IoT và smarthome

Thực tế ảo (VR) đã xuất hiện trong một số ứng dụng và hướng đến thị trường đại chúng. Để hoạt động hiệu quả, VR cần kết nối không dây, đồng nghĩa băng thông di động lớn hơn với chi phí thấp. Độ trễ cũng là một yêu cầu quan trọng để người dùng có trải nghiệm “đắm chìm”.

Trong khi đó, Internet vạn vật (IoT) là cơ hội tuyệt vời cho các công ty viễn thông. Theo phân tích của Gartner, thị trường này trong giai đoạn từ 2016 đến 2021 đã tăng gấp 3 lần, lên 750 tỷ USD.

Một số hoạt động kinh doanh sẽ đến từ thị trường người tiêu dùng, song phần lớn giá trị là của các giải pháp phức tạp hơn dành cho doanh nghiệp.

Tiếp đến là sự phát triển của ô tô kết nối, vốn yêu cầu băng thông cao với độ trễ thấp. Trong đó, nhu cầu dịch vụ thông tin giải trí kết nối trong xe cũng tiêu thụ lượng lớn dữ liệu.

Smarthome cũng là một lĩnh vực tiềm năng khi hiện tại, các gia đình hầu hết được kết nối thông qua các hộp giải mã TV và thiết bị đầu cuối Wi-Fi do các nhà khai thác viễn thông cung cấp.

Một số công ty viễn thông đang có những bước đi táo bạo để cạnh tranh trong lĩnh vực này và họ có vị thế tốt để cung cấp một số dịch vụ mới, bao gồm quản lý năng lượng, an ninh gia đình, điều khiển thiết bị từ xa và giám sát sức khỏe.

Từ năm 2017, nhà mạng Orange đã công bố một trợ lý giọng hát có tên Djingo dựa trên hệ thống Watson AI của IBM.

Trong khi đó, Telefónica phát hành trợ lý AI Aura, được vận hành bằng giọng nói và phản hồi các lệnh nhằm cung cấp thông tin thanh toán, chọn nội dung TV và bắt đầu cuộc gọi điện video, hay dự đoán nhu cầu tương lai từ hành vi quá khứ.