Báo cáo “Thị trường Bất động sản căn hộ dự án 2022 - Dự báo 2023” mới công bố của OneHousing cho thấy, trong giai đoạn 2018-2019, trung bình thị trường ghi nhận lượng giao dịch bán được đạt hơn 34.000 căn hộ/năm; bước sang 2 năm 2020-2021, số tiêu thụ chỉ đạt gần 17.000 căn hộ/năm, giảm một nửa. 

Thị trường chứng kiến sự phục hồi trong 9 tháng năm 2022 nhưng cả nguồn cung và cầu đều bị hạn chế phần nào dưới tác động của lạm phát tăng cao cùng các lo ngại như siết tín dụng và lãi suất liên tục tăng, gây áp lực tài chính lên chủ đầu tư; người mua nhà cũng gặp khó trong tiếp cận vốn vay. 

Khi hiện tượng kém thanh khoản xảy ra, dòng tiền của nhà đầu tư cũng bị chôn trong đó. Thị trường có tín hiệu khó khăn từ tháng 6/2022 trở đi khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có giới hạn về room tín dụng, ngay lập tức phân khúc đất nền bị tác động đầu tiên, -báo cáo nêu rõ.

Theo ông Trần Quang Trung, Giám đốc Phát triển kinh doanh (OneHousing), đất nền tiêu biểu cho các sản phẩm đầu tư có lợi nhuận tăng nhanh và yếu tố đầu cơ lớn sẽ bị ảnh hưởng lớn, phân khúc này cũng khó xán lạn trong tương lai gần. Phân khúc thứ hai là sản phẩm có giá trị lớn, các căn thấp tầng ở các dự án đã bàn giao, không còn yếu tố hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc từ phía ngân hàng, các sản phẩm này bắt đầu từ tháng 8/2022 có dấu hiệu sụt giảm về cầu và giá.

Tổng quan thị trường căn hộ bán tại Hà Nội và TP.HCM (Nguồn: OneHousing)

Trao đổi với PV VietNamNet về câu chuyện tín dụng cho bất động sản, TS.Đào Lê Trang Anh, Khoa Kinh doanh và Quản trị (Đại học RMIT Việt Nam) cho hay, lĩnh vực bất động sản có đóng góp không thể phủ nhận đối với phát triển kinh tế.

Dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê, TS.Trang Anh cho biết, năm 2021, kinh doanh bất động sản đóng góp 3,58% GDP; xây dựng đóng góp 5,95% GDP. Theo một nghiên cứu khác của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, trong năm 2022, ngành bất động sản có mối quan hệ với khoảng 40 ngành quan trọng khác của nền kinh tế như công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, tài chính - ngân hàng… Khi thanh khoản thị trường bất động sản nghẽn lại, không chỉ doanh nghiệp trong lĩnh vực này mà nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.  

Với vai trò và thực trạng của lĩnh vực bất động sản, việc tháo gỡ khó khăn thanh khoản cho lĩnh vực này cần được Chính phủ xem xét, động thái nới room tín dụng vừa qua là một giải pháp phù hợp. 

Tuy nhiên, đối tượng cho vay cần được cân nhắc kỹ lưỡng, NHNN cần ban hành tiêu chí để các doanh nghiệp bất động sản uy tín, có năng lực thực sự có thể tiếp cận được vốn tín dụng cho các dự án đầy đủ pháp lý; dự án nhà ở xã hội; dự án dở dang hoặc sắp hoàn thành xây dựng để đưa nguồn cung ra thị trường, tạo điều kiện cho thị trường bất động sản dần phục hồi và tránh đi vào suy thoái, thành viên Đại học RMIT nêu quan điểm. 

Bên trong khu đất "vàng" 2-4-6 đường Hai Bà Trưng, TP.HCM bị bỏ không. (Ảnh minh họa: Chí Hùng)

Tương tự, TS.Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, nên hỗ trợ vốn lưu động cho doanh nghiệp bất động sản để vượt qua khó khăn hiện tại, không nên khuyến khích dòng vốn vào bất động sản có tính chất đầu cơ như thời gian qua. Việc đánh giá dự án cho vay cần xem xét kỹ, chỉ hỗ trợ các dự án thật, các dự án nhà ở xã hội để phục vụ nhu cầu chính đáng được sở hữu nhà của người dân. Đối với phân khúc bất động sản cao cấp hay đầu cơ thì nên hạn chế, kiểm soát chặt trong giai đoạn hiện tại để dành vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.

“Cần có sự thanh tra, kiểm soát chặt từ NHNN đối với hoạt động cho vay của các NHTM trong giai đoạn này để tránh dòng vốn không theo chủ trương như Chính phủ đề ra. Hạn chế việc NHTM tìm cách lách quy định để tài trợ cho các dự án bất động sản đầu cơ, hay lách từ việc cho vay tiêu dùng để dùng tiền đó đầu tư bất động sản”, TS.Huân nói.