Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ (Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018) và kết luận về phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, phù hợp với tình hình và yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.
Hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ |
Nghị quyết 26-NQ/TW đặt ra các mục tiêu cụ thể, trong đó xác định đến năm 2025 tiếp tục hoàn thiện, chuẩn hóa, đồng bộ các quy định, quy chế, quy trình về công tác cán bộ; cơ bản bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương và hoàn thành ở cấp huyện; đồng thời khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác; xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định.
Đến năm 2030, xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp chuyên nghiệp, có chất lượng cao, có số lượng, cơ cấu hợp lý, bảo đảm sự chuyển giao thế hệ một cách vững vàng; cơ bản xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ.
Để thực hiện thành công các nhiệm vụ này, Trung ương XII đã xác định hai trọng tâm và năm đột phá.
Trong hai trọng tâm, một là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ; chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo phục vụ phát triển và có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Hai là tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược và bí thư cấp ủy, người đứng đầu các cấp đi đôi với phân cấp, phân quyền nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực.
Triển khai thực hiện Nghị quyết, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII đã chỉ đạo từng bước hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ; xây dựng, bổ sung, sửa đổi và ban hành mới nhiều quy định, quy chế về đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử và kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền.
Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 89-QĐ/TW, ngày 4/8/2017 về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Quy định số 90-QĐ/TW, ngày 4/8/2017 về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (nay là Quy định số 214-QĐ/TW, ngày 2/01/2020); Quy định số 105-QĐ/TW, ngày 19/12/2017 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Quy định số 132-QĐ/TW, ngày 8/3/2018 về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị.
Sau khi Nghị quyết số 26-NQ/TW được ban hành, Bộ Chính trị đã có Kế hoạch số 10-KH/TW, ngày 6/6/2018 để thực hiện Nghị quyết; Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng; Quy định số 179-QĐ/TW, ngày 25/02/2019 về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ; Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23/9/2019 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền... Ban Bí thư ban hành Thông báo số 13-TB/TW, ngày 17/8/2016 về xác định tuổi của đảng viên; Kết luận số 55-KL/TW, ngày 15/8/2019 về tiếp tục chấn chỉnh công tác cán bộ để chuẩn bị tốt nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng.
Trong quản lý có sự đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, quyết tâm tháo gỡ những vướng mắc trong công tác cán bộ của Đảng, nhiệm kỳ XII, lần đầu tiên vấn đề kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền được đề cập trong một văn bản mang tính pháp quy của Đảng, Quy định 205-QĐ/TW do Bộ Chính trị ban hành. Đây cũng là lần đầu một quy định chỉ rõ các hành vi chạy chức, chạy quyền và bao che tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền.
Sự ra đời của Quy định 205-QĐ/TW đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân. Lần đầu tiên, một văn bản của Đảng đã quy định, chỉ rõ thế nào là chạy chức, chạy quyền; thế nào là bao che, tiếp tay cho các hành vi này.
Trên thực tế, một số văn bản của Đảng đã nêu vấn đề này nhưng chưa quy định cụ thể và chưa nhận diện rõ hành vi chạy chức, chạy quyền hay bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền.
Việc chỉ rõ những biểu hiện chạy chức, chạy quyền như trong Quy định 205-QĐ/TW làm cơ sở cho cơ quan chức năng xử lý, giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể căn cứ vào đó để phát hiện, tố giác, phản ánh.
Như Sỹ