- Ông Lý Ngọc Kính, nguyên Cục trưởng cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó chủ tịch Hội khoa học Kinh tế Y tế Việt Nam đồng tình với quan điểm cần phải công khai, minh bạch tình hình tài chính (bao gồm thu chi, quản trị) của các bệnh viện công lập khi tăng viện phí để nhận được sự tin tưởng và ủng hộ của người dân.
Để rộng đường dư luận, báo VietNamNet mở diễn đàn về vấn đề tăng viện phí của Bộ Y tế để bạn đọc đóng góp ý kiến đa chiều về vấn đề dân sinh, thiết thực nóng bỏng này. Rất mong nhận được sự tham gia nhiệt tình của đông đảo bạn đọc. Bài viết, các ý kiến tham gia diễn đàn xin gửi về email: banxahoi@vietnamnet.vn |
VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Kính về những vấn đề xoay quanh việc tăng viện phí sắp tới.
Công khai tài chính bệnh viện: Đòi hỏi chính đáng
- Khi VietNamNet mở diễn đàn về vấn đề tăng viện phí, đã có nhiều ý kiến cho rằng cần phải minh bach, công khai vấn đề tài chính của các bệnh viện công lập, đặc biệt là các bệnh viện tuyến cuối. Nhiều đánh giá cho rằng, chuyện “tù mù” như hiện nay khiến người dân không biết bệnh viện có lỗ thật như họ vẫn kêu hay không, bởi trên thực tế rất nhiều nơi đã “xé rào” thu viện phí cao, mỗi năm thu về cả ngàn tỷ. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Đây là đòi hỏi chính đáng của người bệnh và là việc mà Nhà nước cần phải làm.
Hiện nay, các bênh viện đều thực hiện tự chủ tài chính theo nghị định 43 của Chính phủ để tăng nguồn thu. Tuy nhiên, nếu không thực hiện cẩn thận sẽ dễ dẫn đến sai phạm, bởi công – tư đang không rõ ràng..
Các bệnh viện cần công khai, minh bạch tài chính để được người bệnh tin tưởng, ủng hộ (Ảnh: Cẩm Quyên) |
Trong bối cảnh đó, các bệnh viện càng công khai, minh bạch thông tin thì người bệnh càng tin tưởng và ủng hộ. Tại sao các bệnh viện tư nhân không ai kêu ca là nhập nhằng? Vì họ đã công khai đầy đủ, từ A đến Z trước khi người bệnh đến khám. Nếu người bệnh chấp nhận thì họ đến, nếu không họ sẽ tìm chỗ khác.
Nhưng bệnh viên công của ta hiện không làm như thế được bởi công – tư còn chưa minh bạch. Ông lấy một phần của lĩnh vực công sang phục vụ phần của lĩnh vực “khám, chữa bệnh theo yêu cầu” ngay trong bệnh viện rồi thu tiền với giá cao. Như vây là rất khó để minh bạch.
- Nhiều bệnh viện kêu họ lỗ nặng, thậm chí phải “tự ăn thịt” mình. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết có không ít bệnh viện đứng trước nguy cơ đóng cửa. Nhưng thực tế thì vài năm trở lại đây, thu nhập của các bệnh viện đã được cải thiện, nhiều nơi có thể nói là cải thiện đáng kể. Ông nghĩ sao về thực tế này?
Việc cải thiện thu nhập của cán bộ y tế rồi bệnh viện đầu tư nâng cấp chỗ nọ chỗ kia là do họ thực hiện tự chủ tài chính theo nghị định 43 nên nguồn thu có tăng.
Tuy nhiên, cần nói rõ là việc cải thiện này chỉ diễn ra ở một số bệnh viện thôi (chủ yếu là bệnh viện tuyến cuối). Trong một bệnh viện cũng chỉ có một số khoa thôi, không phải tất cả đều được như vậy.
Những nhà làm chính sách của ta cần phải nhìn rộng ra nhiều nơi, đừng nên chỉ nhìn vào Hà Nội và TP HCM. Đây đều là nơi tập trung các bệnh viện tuyến cuối, đông bệnh nhân và họ có điều kiện tăng thu. Nhưng đó không phải là đại diện cho bức tranh chung của toàn ngành. Ở bệnh viện TW, một bác sỹ tay nghề giỏi có thu nhập rất cao. Nhưng ở bệnh viện huyện thì không bao giờ được như vậy. Chỉ có vài bệnh nhân như vậy thì làm gì có?
Tăng viện phí: Người bệnh được lợi!
- Trên các phương tiện truyền thông, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định việc tăng viện phí này hoàn toàn có lợi cho người bệnh. Điều này nghe có vẻ mâu thuẫn, vì chẳng người đi mua hàng nào lại cho rằng hàng tăng giá là tốt cho mình. Ông có thể lý giải điều này?
Tuy chưa triển khai nhưng có thể nói việc tăng viện phí này lần này chắc chắn sẽ có lợi cho người bệnh tham gia BHYT. Tôi nói vậy không phải vì tôi làm trong ngành mà vì logic của vấn đề sẽ dẫn tới điều đó.
Hiện nay, BHYT thanh toán theo mức giá cũ ban hành từ năm 1995 (tức là 3.000 đồng/lần khám bệnh, gồm cả tiền điện nước, vật tư tiêu hao). Nhưng trên thực tế, cách khám bệnh hiện nay đã khác (không còn thủ công như xưa), vật tư tiêu hao phục vụ việc khám bệnh đều tăng giá so với giá năm 1995.
Bởi thế, với mức giá được BHYT thanh toán là 3.000 đồng/lần khám, người bệnh BHYT vào viện là phải mua đủ thứ, cộng lại không phải là ít tiền. Nếu người bệnh không bỏ tiền mua các vật tư này thì bệnh viện phải chịu lỗ, tự bỏ ra mua rồi bù lỗ cho bệnh nhân. Nhưng thực tế là sẽ không có bệnh viện nào chịu làm vậy mãi được.
Nếu tăng giá viện phí, quỹ BHYT sẽ có trách nhiệm thanh toán đủ chi phí khám chữa bệnh theo giá mới (gồm cả tiền mua vật tư tiêu hao), người bệnh không hề mất thêm cái gì, không phải bỏ tiền mua những thứ mà đáng ra được BHYT thanh toán. Như vậy là người bệnh được lợi chứ không thiệt cái gì.
Ông Kính cho rằng tăng viện phí có lợi cho người bệnh, vì 350 dịch vụ dự định tăng đều nằm trong danh mục được BHYT thanh toán, vì thế, người bệnh không phải trả (chỉ phải trả phần đồng chi trả từ 5 đến 20% tùy từng đối tượng) (Ảnh: Cẩm Quyên) |
Cần lưu ý là toàn bộ 350 dịch vụ, kỹ thuật dự định sẽ tăng giá đều nằm trong danh mục được BHYT thanh toán. Vì thế, việc chi trả sẽ do quỹ BHYT đảm nhận, người bệnh chỉ phải đồng chi trả từ 5 đến 20% mà thôi.
Nói đi thì phải nói lại. Trong điều kiện đó, nhiều người lo quỹ BHYT không đủ khả năng chi trả. Nhưng cần nói rằng ở nhiều nước, Nhà nước cũng phải bù lỗ cho quỹ BHYT trong trường hợp quản trị đúng nhưng vẫn không cân bằng được thu chi, bởi chi phí y tế luôn có xu hướng gia tăng và Nhà nước nào cũng phải có trách nhiệm chăm lo sức khỏe cho người dân.
- Theo ông, việc tăng viện phí có đủ sức cải thiện chất lượng khám chữa bệnh, thái độ phục vụ như nhận định của Bộ Y tế không?
Khi thu được như thế, các bệnh viện có điều kiện để thay thế máy móc, sửa chữa nâng cấp bệnh viện, tuyển thêm biên chế để phục vụ người bệnh.
Chất lượng chung của công tác khám chữa bệnh và thái độ phục vụ có được cải thiện hay không thì chưa dám nói nhưng một số cái thì có thể cải thiện (như cơ sở vật chất, tăng số lượng điều dưỡng/bệnh nhân, vv..). Sở dĩ nói vậy vì hiện nay mức thu này cũng mới chỉ là một phần viện phí, chưa phải thu đủ.
Hấp dẫn bệnh nhân: “Phải có tiền mới làm được”
- Việc tăng viện phí, nếu theo lý giải của ông ở trên, đáng ra phải nhận được sự ủng hộ của người dân. Nhưng đại đa số ý kiến hiện nay đều không đồng tình, ủng hộ. Ông nghĩ sao về điều này?
Trong bối cảnh này, tăng cái gì người dân cũng kêu chứ đừng nói đến viện phí. Vì đồng tiền trượt giá quá, cái gì cũng tăng rồi, trong khi đồng lương tăng không đáng bao nhiêu. Họ sợ tăng là phải thôi.
Hơn nữa, khi dự thảo giá viện phí mới được đưa ra, công tác tuyên truyền không tốt làm người dân không hiểu hết tác động của nó. Đó là chưa kể đến chuyện viện phí đáng ra phải tăng từ lâu rồi, và tăng dần dần. Nhưng thực tế là ta đã để nó quá lạc hậu và bây giờ tăng vọt lên (lại trong thời điểm bất lợi) nên người dân phản ứng là đương nhiên.
- Theo ông, chính sách viện phí sẽ tác động thế nào tới lộ trình triển khai BHYT toàn dân vào năm 2014?
Ngoài việc có lợi cho người bệnh như đã phân tích ở trên thì việc tăng viện phí sẽ góp phần thúc đẩy quá trình thực hiện lộ trình BHYT toàn dân. Khi ban hành giá viện phí mới, những người chưa mua BHYT sẽ phải mua BHYT.
Lý do là vì hiện nay nhiều người cận nghèo đã được hỗ trợ 50%-80% phí tham gia BHYT rồi mà vẫn không mua thẻ BHYT, chứng tỏ mức giá này họ vẫn chấp nhận được. Do đó, đưa ra giá cao thì bắt buộc họ phải mua.
- Cách này có đi ngược với cách làm bình thường không, thưa ông? Vì đáng ra ta phải thực hiện xong BHYT toàn dân thì việc tăng viện phí mới được tính đến. Vậy tại sao ta không làm ngược lại: Làm cho BHYT hấp dẫn người bệnh, rồi người bệnh tự nguyện tìm đến trước, sau đó mới tính đến chuyện tăng giá?
Không, đây cũng là một cách làm chứ. Nếu không có BHYT thì bệnh nhân cận nghèo làm sao có đủ tiền để chi trả viện phí nếu mắc trọng bệnh?
Còn nói đến chuyện hấp dẫn, phải có tiền mới làm cho BHYT hấp dẫn được người bệnh chứ? Viện phí thấp thế nên người bệnh vào viện phải mua đủ thứ, điều kiện phục vụ cho người bệnh không đảm bảo nên người ta không mặn mà với BHYT. Bệnh nhân BHYT mua thẻ cả đời và chỉ đi khám 1 lần mà gặp cảnh đó thì họ rất bức xúc. Nếu không có nguồn thu thì bệnh viện lấy đâu ra tiền mà đầu tư cho hấp dẫn? Chẳng ông giám đốc nào bỏ tiền túi ra cả.
- Dư luận hiện vẫn còn ý kiến trái chiều về việc tăng viện phí, trong đó ý kiến phản đối chiếm phần lớn. Theo ông, liệu dự thảo này có được thông qua không?
Dự thảo lần này nhiều khả năng sẽ được thông qua vì nó đã nhận được sự đồng thuận lớn của các Bộ, Ban, ngành. Vì tất cả đều phải thừa nhận là áp dụng giá năm 1995 cho thời điểm này là điều duy ý chí. Tất nhiên, đến khi được thông qua, dự thảo sẽ còn được góp ý, sửa đổi.
Trước mắt, để không gây sốc, Bộ Y tế sẽ không đồng lọat tăng giá 350 dịch vụ như dự kiến mà sẽ chọn ra những dịch vụ phổ biến để tăng giá trước rồi thực hiện lộ trình tăng giá sau. Đồng thời đề nghị Chinh phủ cho tái lập Quỹ 139 để hỗ trợ cho người nghèo và những trường hợp phải chi trả cao quá khả năng của họ. Như vậy có lẽ là hợp lý hơn trong bối cảnh hiện nay.
Xin cảm ơn ông!
Cẩm Quyên (thực hiện)