Tại Hội nghị giao ban KH&CN vùng Trung du và miền núi phía Bắc lần thứ XVIII được tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 01/8/2022 nhằm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Trong đó ngành KH&CN được phân công thực hiện nhiều nhiệm vụ giải pháp tập trung vào việc đẩy mạnh ứng dụng KH&CN nhất là thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, gắn kết hợp tác giữa các đại học, viện nghiên cứu với khu vực công nghiệp và doanh nghiệp, đẩy mạnh việc hỗ trợ ứng dụng chuyển giao KH&CN…
Bộ trưởng KH&CN nhận định, đây là những nhiệm vụ, giải pháp căn cốt để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) có thể đóng góp ngày càng tích cực hơn cho kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Ông Huỳnh Thành Đạt cho biết, giai đoạn 2018-2022, hoạt động KH,CN&ĐMST của các tỉnh trong vùng đã có những kết quả khích lệ, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của từng tỉnh nói riêng và của cả vùng nói chung.
Theo đó, nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ được ban hành, giải pháp nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm chủ lực địa phương được ứng dụng thành công. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm chuyển giao công nghệ, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo cũng được triển khai đồng bộ, có hiệu quả, từng bước gắn với thực tiễn.
Đánh giá vùng có nhiều tiềm năng phát triển nông lâm nghiệp, khai khoáng, du lịch và kinh tế cửa khẩu, nơi có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, gắn với bản sắc văn hóa riêng, song Bộ trưởng KH&CN nhìn nhận đây vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất cả nước. KH&CN vùng vẫn tồn tại hạn chế, đòi hỏi giải pháp mạnh, đột phá, đổi mới sáng tạo hơn.
Báo cáo kết quả hoạt động tại Hội nghị nêu rõ: Từ năm 2018 đến nay, có 164 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia được triển khai thực hiện tại vùng Trung du và miền núi phía Bắc, góp phần giải quyết hiệu quả nhiều vấn đề mang tính cấp thiết, cấp bách, liên vùng, liên ngành và có tầm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng. Các đề tài, dự án, tiến bộ kỹ thuật mới được đưa nhanh vào sản xuất, hàng trăm mô hình ứng dụng được hình thành hiệu quả, hàng nghìn lượt người dân được tập huấn kỹ thuật.
Trong giai đoạn 2018-2022, khu vực Trung du và miền núi phía Bắc đã có 2.167 nhãn hiệu được xác lập quyền sở hữu công nghiệp; 16 chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc sản; 111 kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ; 58 sáng chế/giải pháp hữu ích được cấp bằng Sở hữu trí tuệ…
Ngọc Châu