Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, hiện đang có những bất cập trong việc thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng cảng biển tại TP Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh.

Cụ thể, từ ngày 1/7/2017 đến nay, TP Hải Phòng đã thu phí cảng biển theo Nghị quyết 148/2016 của Hội đồng nhân dân thành phố ban hành ngày 13/12/2016. Theo đó, mức phí áp dụng đối với hàng hoá xuất, nhập khẩu nguyên container là 250.000 đồng/container 20’ và 500.000 đồng/ container 40’; đối với hàng lỏng, hàng rời là 20.000 đồng/tấn. Sau khi nhiều doanh nghiệp kiến nghị, TP Hải Phòng đã giảm phí đối với hàng lỏng, hàng rời là 16.000 đồng/tấn.

{keywords}
Cần minh bạch phí cảng biển, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp dệt may (ảnh: Băng Dương)

Do tác động của dịch Covid-19, Hải Phòng đã giảm tiếp 8% đối với hàng nguyên container và 12,5% đối với hàng lỏng, hàng rời trong khoảng thời gian từ 1/8- 31/12/2020.
Việc thu phí của Hải Phòng là dựa vào quy định của Luật Phí và Lệ phí. Tuy nhiên, Điều 8, Luật này quy định nguyên tắc thu phí là để “cơ bản bù đắp chi phí” đã đầu tư.
 
Do đó, Hiệp hội Dệt may đề nghị Nhà nước yêu cầu Hải Phòng làm rõ số tiền thu phí của doanh nghiệp từ 1/1/2017 đến nay đã bù đắp chi phí đầu tư cảng biển như thế nào và bao giờ thì dừng việc thu này?
 
Tiếp sau Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh là địa phương thứ hai trong cả nước ban hành thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầngcảng biển trên địa bàn theo Nghị quyết 10/2020 của HĐND thành phố ngày 9/10/2020.

Mức phí đối với hàng container tương tự như Hải Phòng. Riêng phí cho hàng rời, hàng lỏng thì thấp hơn, là mức 15.000 đồng/tấn.

Tuy nhiên, đối với hàng hoá xuất khẩu mở tờ khai ngoài địa bàn thành phố, TP HCM lại áp dụng mức phí cao gấp đôi các mức kể trên.

Hiệp hội Dệt may cho biết, điều này gây khó khăn và bức xúc đối với doanh nghiệp, nhất là trong điều kiện dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề nghị Nhà nước có ý kiến để TP HCM tạm dừng thu phí trong điều kiện dịch bệnh. Mức thu phí và thời gian bắt đầu và kết thúc thu phí phải hợp lý đảm bảo nguyên tắc cơ bản là bù đắp chi phí đã đầu tư theo đúng Luật Phí và Lệ phí, không tạo ra sự bất bình đẳng giữa các DN mở tờ khai tại TP Hồ Chí Minh hay ngoài TP Hồ Chí Minh.
 
Thu Ngân

 

Dệt may: Không thiếu việc, chỉ lo thiếu nhân công

Dệt may: Không thiếu việc, chỉ lo thiếu nhân công

Khi làn sóng Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, đã có ít nhất 45 doanh nghiệp dệt may phải ngừng sản xuất. Thiếu hụt lao động cũng là mối lo lớn với doanh nghiệp. Doanh nghiệp khó thu hút lao động, trong khi chi phí ngày càng tăng.