Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm 2021, ngành dệt may có nhiều tín hiệu khởi sắc. Chỉ số sản xuất của ngành dệt tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2020; ngành sản xuất trang phục tăng tăng 9,1%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 12%.
Một số sản phẩm chủ lực của ngành công nghiệp tăng trưởng khá, có thể kể tên như vải dệt từ sợi nhân tạo tăng 11,7%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 10,3%;
Xuất khẩu hàng dệt may và giày dép có sự phục hồi rõ nét trở lại với mức tăng trưởng hơn hai con số: hàng dệt và may mặc đạt 15,2 tỷ USD, tăng 14,9%; giày dép các loại tăng 27,8%; vải mành, vải kỹ thuật khác tăng 81%; xơ, sợi dệt các loại tăng 62,2% so với 6 tháng năm 2020.
Dệt may: Không thiếu việc, chỉ lo thiếu nhân công (ảnh: Băng Dương) |
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, hầu hết các doanh nghiệp đã nhận được đơn hàng, đến Quý III/2021 và hết năm 2021, thậm chí đủ đơn hàng cho cả Quý I,II/2022.
Để có được sự phục hồi này nhờ chính sách thúc đẩy đẩy thương mại, tìm kiếm thị trường của Chính phủ và Bộ Công Thương và cùng đó là nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong ngành.
“Từ nay đến cuối năm, về cơ bản các doanh nghiệp sẽ không phải lo việc thiếu hụt, không có đơn hàng. Cùng với đó là các Hiệp định thương mại như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ thúc đẩy hơn nữa xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang châu Âu”, ông Vũ Đức Giang lạc quan.
Tuy nhiên, Chủ tịch Vitas cũng dự báo, dịch Covid-19 vẫn sẽ ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất và xuất khẩu của ngành dệt may, nhất là đối với các doanh nghiệp dệt may trong Tp. Hồ Chí Minh - địa phương đang có dịch bệnh diễn biến phức tạp nhất cả nước.
Cụ thể, ông Vũ Đức Giang cho rằng, các doanh nghiệp dệt may trong Tp. Hồ Chí Minh nói riêng và doanh nghiệp dệt may cả nước nói chung đang đứng trước những thách thức cực kỳ phức tạp. Đơn hàng đã có nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, nguy cơ doanh nghiệp ngừng sản xuất, sản xuất không ổn định, giao hàng không đúng tiến độ là vô cùng lớn.
Khi làn sóng Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, đã có ít nhất 45 doanh nghiệp dệt may phải ngừng sản xuất. Thiếu hụt lao động cũng là mối lo lớn với doanh nghiệp. Doanh nghiệp khó thu hút lao động, trong khi chi phí ngày càng tăng.
Nhân công cho ngành dệt may đang bị thiếu hụt (ảnh: Băng Dương |
Không chỉ vậy, các doanh nghiệp phải đổi phương thức vận chuyển, chuyển sang đường hàng không để kịp thời gian giao hàng đối tác.
“Một doanh nghiệp chỉ cần bị giãn cách, cách ly không làm việc từ 14 - 21 ngày, coi như kế hoạch sản xuất một năm tan vỡ", ông Vũ Đức Giang thông tin.
Chung nỗi lo này, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường chia sẻ, ngành dệt may có nhiều cơ hội phục hồi hoàn toàn so với năm 2020, đưa mức tăng trở lại so với trước khi có đại dịch Covid-19. Nhiều đơn vị có đơn hàng hết Quý III, thậm chí Quý IV/2021. Tuy nhiên, mối bận tâm của các doanh nghiệp dệt may hiện nay không phải là thêm đơn hàng, mà là làm sao để sản xuất kịp, giao hàng đúng hẹn cho đối tác.
Nỗi lo lớn nhất với doanh nghiệp ngành may lúc này là bị giãn cách kể cả ở khu không có doanh nghiệp trú đóng nhưng có người lao động ở, khiến công nhân không thể tới nhà máy làm việc. Nếu không đảm bảo nhân công phục vụ sản xuất, giao hàng đúng hạn, doanh nghiệp sẽ bị phạt, hủy đơn hàng. Thiệt hại với ngành dệt may khi đó lên tới hàng tỷ USD và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Việt Nam.
Khắc phục những khó khăn này, ông Lê Tiến Trường cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp trong Tập đoàn cũng đã kích hoạt phương án phòng dịch ở mức cao nhất, không lơi là chủ quan để vừa sản xuất an toàn, vừa phòng dịch Covid-19 hiệu quả, không để dịch tràn vào nhà máy.
Trong khi đó, Chủ tịch Vitas cũng cho rằng, ngoài việc nâng cao phòng dịch thì cần phải đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho người lao động ngành dệt may, công nhân tại các khu công nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tại một số địa phương đang là vùng dịch như Bắc Ninh, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội để doanh nghiệp có thể yên tâm sản xuất.
Điều này không chỉ giúp nâng cao uy tín của hàng dệt may Việt Nam hiện nay mà cũng tạo nguồn lợi nhuận, tạo tiền đề cho sự bứt phá trở lại của ngành dệt may ở những năm tới, Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 13/5, Vitas cũng đã có công văn kiến nghị lên các Bộ đề nghị ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động trong ngành.
Thu Ngân