Dân tộc La Hủ là 1 trong 4 tộc người nằm trong chính sách bảo tồn đặc biệt của Chính phủ. Người La Hủ có lịch sử, có nguồn gốc, sau nhiều năm loạn lạc họ trở thành nhóm người yếu thế lưu lạc trong rừng sâu, núi cao và bị suy thoái kỹ năng sống, hoàn toàn phụ thuộc vào săn bắt, hái lượm.
Trước đây người La Hủ lang thang trong rừng, dựng lều lợp bằng lá cây rừng, sau mỗi mùa săn, lá trên nóc lều vàng khô thì lại dời đến khoảnh rừng khác vì thế họ còn được gọi là Xá Lá vàng. Do tài nguyên rừng ngày càng nghèo kiệt, họ càng phải lùi sâu vào trong rừng để sinh tồn.
Hiện, dân tộc La Hủ ở Lai Châu có 2.952 hộ dân, 12.316 khẩu cư trú ở 40 bản, thuộc 9 xã khu vực biên giới thuộc huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Do sống ở khu vực vùng sâu, vùng xa, địa hình chia cắt, vào các mùa mưa hầu hết các bản bị cô lập với khu vực xung quanh. Số bản có đường giao thông được cứng hóa là 33/61 bản, đạt 54,09% (còn 28 bản chủ yếu đất, đường tạm). Các hạ tầng khác như trường học, trạm y tế, hệ thống thủy lợi, điện.... cũng còn thưa vắng.
Người La Hủ hiện là cộng đồng có số sinh ít hơn số tử. Tuổi thọ của họ rất thấp và chưa thoát khỏi tình thế mai một bởi hôn nhân cận huyết, cuộc sống khắc nghiệt, nghèo đói và hủ tục.
Từ các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và đặc biệt nhờ sự tiếp sức của bộ đội biên phòng, người La Hủ bước đầu đã tạo ra vùng sản xuất như quế, riềng, cây sa nhân, thảo quả.
Nhiều dự án bảo tồn người La Hủ đã chú trọng đến phát triển kinh tế. Tuy nhiên, bà con vẫn sản xuất theo nếp cũ, lạc hậu. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất còn thấp, không đem lại hiệu quả.
Theo điều tra thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu, thu nhập bình quân đầu người năm 2021 của dân tộc La Hủ chỉ khoảng 15,9% triệu đồng/người/năm, bằng 35,81% thu nhập chung của tỉnh Lai Châu. Nhiều hộ chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Tính đến ngày 31/12/2021 dân tộc La Hủ có 2636/2952 hộ nghèo chiếm 89,3%. Nguyên nhân nghèo: Do trình độ dân trí thấp, dân cư sống không tập trung; thiếu đất canh tác; thiếu vốn sản xuất; đông người ăn theo; mắc các tệ nạn xã hội (sử dụng ma túy: thuốc phiện, heroin, nghiện rượu); không biết cách làm ăn…
Với mục tiêu tìm ra những giải pháp nhằm thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào dân tộc La Hủ, thu hẹp khoảng cách với các dân tộc khác, mới đây, UBND tỉnh Lai Châu tổ chức Hội thảo về thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc La Hủ trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải cho rằng phải kiên trì, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhưng cách tiếp cận phải khác so với trước. Việc xây dựng đề án cho vùng đồng bào dân tộc La Hủ phải có cách làm mới, dài hơi. Trước hết phải làm chuyển biến ý thức hệ, tập quán, văn hóa, thể chất, sức khỏe của đồng bào 2 dân tộc. Hướng cho đồng bào cởi bỏ tính tự ti, khơi dậy lòng tự hào; khuyến khích phục dựng lại tết của đồng bào. Xây dựng được các mô hình kinh tế, những “thủ lĩnh” ở những vùng đồng bào 2 dân tộc.
Hồng Khanh, Hoài Thanh, Kiều Oanh, Hà Sơn