Cả năm gồng lỗ

Sáng 15/12, ông Lê Phương Hải – chủ trang trại chăn nuôi gà công nghiệp lông trắng ở Long Thành (Đồng Nai) - than thở, giá gà vừa nhích lên thêm vài nghìn đồng mỗi cân sau khi “chạm đáy” vào tháng 11 thì ông nhận được tin các lò giết mổ đã có kế hoạch nghỉ Tết sớm. Thế nên, giá gà từ nay đến ra Tết sẽ càng giảm sâu hơn.

“Tháng 11, tôi phải xuất bán gà với giá 21.000-22.000 đồng/kg. Một con gà công nghiệp lông trắng khi xuất chuồng trọng lượng đạt 2,5kg, tôi lỗ khoảng 20.000 đồng”, ông Hải buồn rầu nói. Có những ngày, ông xuất bán khoảng 4.000-5.000 con gà, lỗ gần trăm triệu đồng.

Từ đầu năm đến nay, người chăn nuôi con gà trắng như ông chưa có một tháng nào được thu lãi, bởi luôn phải bán dưới giá thành và gồng lỗ nặng. Có dịp giá gà tăng lên trên 30.000 đồng/kg – mức giá người nông dân có lãi, nhưng chỉ được vài ngày rồi quay đầu giảm. Trại gà của ông Hải còn chưa kịp xuất chuồng lứa gà nào với giá này.

Thua lỗ triền miên, từ trang trại quy mô chăn nuôi 0,5 triệu con gà công nghiệp lông trắng, nay ông phải giảm đàn còn 300.000 con. Theo ông, công nhân không có việc làm, bếp ăn tập thể cũng giảm công suất hoạt động. 

chan nuoi.jpg
Giá gà công nghiệp lông trắng "nằm đáy", người chăn nuôi thua lỗ nặng (Ảnh: Lao Động)

Đặc biệt, gà công nghiệp từ Campuchia tràn sang giá chỉ 11.000 đồng/kg khiến con gà công nghiệp lông trắng nội địa ngày càng khó tiêu thụ hơn. 

Dù đã giảm đàn để giảm lỗ, song ông Hải nhẩm tính từ đầu năm đến nay đã lỗ khoảng 4-5 tỷ đồng.

Những người chăn nuôi lợn dịp này cũng chịu thua lỗ nặng vì giá lợn hơi tương đối thấp bất chấp thị trường đang vào cao điểm tiêu thụ.

Chị Đinh Thị Phượng – chủ trang trại chăn nuôi 600 con lợn ở Bình Dương - phải xuất bán lợn hơi với giá 47.000 đồng, chịu lỗ 600.000 đồng mỗi con. 

“Cách đây 3 ngày tôi xuất bán lứa lợn 50 con, lỗ 30 triệu đồng”, chị Phượng nói. Do giá quá thấp, bán lợn xong chị đành treo chuồng, không dám vào đàn lại.

Theo Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), tháng 11 vừa qua, giá lợn hơi trên cả nước biến động giảm do sức mua yếu.

Cụ thể, giá lợn hơi tại khu vực miền Bắc giảm 2.000-3.000 đồng/kg so với tháng 10/2023, về mức 49.000-50.000 đồng/kg. Giá lợn hơi miền Trung, Tây Nguyên giảm 2.000 đồng/kg, còn 48.000-50.000 đồng/kg. Giá lợn hơi miền Nam giảm 2.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 48.000-52.000 đồng/kg.

Hiện nay, giá lợn hơi tại các địa phương ở nước ta dao động trong khoảng 47.000-51.000 đồng/kg. Với mức giá này, từ nông hộ chăn nuôi đến doanh nghiệp đều chung cảnh thua lỗ.

Tương tự, giá thu mua gà thịt lông màu ngắn ngày tại trại miền Bắc và miền Trung ở mức 60.000 đồng/kg. Giá gà thịt lông màu ngắn ngày miền Nam giảm 4.000 đồng/kg xuống mức 37.000-38.000 đồng/kg. 

Gà công nghiệp lông trắng ở miền Nam và miền Trung có giá 24.000 đồng/kg; tại miền Bắc ở mức 25.000 đồng/kg. Mức giá này các hộ chăn nuôi vẫn phải gồng lỗ nặng.

Cung vượt cầu giá khó tăng

Thống kê cho thấy, tổng số lợn của cả nước ước tính đến cuối tháng 11 tăng 4% so với cùng kỳ năm 2022, sản lượng thịt lợn năm 2023 ước khoảng đạt gần 4,57 triệu tấn; đàn gia cầm của cả nước ước tăng 3%, sản lượng thịt gà cả năm khoảng 2,08 triệu tấn. Ngoài ra, sản lượng thịt bò đạt 493.000 tấn, thịt trâu 126.000 tấn.

Ngoài nguồn cung nội địa, nước ta còn chi ra 1,15 tỷ USD để nhập khẩu 572.110 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt trong 10 tháng năm 2023. So với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu mặt hàng này tăng 5% về lượng, nhưng giảm 4,9% về giá trị. 

Nguồn cung tăng trong khi kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của nước lại lại khá khiêm tốn. 10 tháng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được 18.110 tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 89 triệu USD, tăng 20,3% về lượng và tăng 37,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. 

Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là lợn sữa và thịt lợn nguyên con đông lạnh; thịt khác và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ của động vật khác tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm; thịt trâu, bò tươi đông lạnh…

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, vừa qua, Bộ NN-PTNT đã ký kết với Quảng Tây (Trung Quốc) về nghị định thư xuất khẩu động vật và xây dựng vùng an toàn dịch bệnh hai bên biên giới để tăng cường xuất khẩu động vật và các sản phẩm động vật. Đây là cơ hội mở rộng các đối tượng xuất khẩu, đồng thời tăng cường xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam - cho rằng, đẩy mạnh xuất khẩu là giải pháp cần thiết để giảm áp lực tiêu thụ tại thị trường nội địa. Tuy nhiên, chúng ta cần rất nhiều thời gian để có thể mở cửa được các thị trường xuất khẩu cho sản phẩm chăn nuôi ở nước ta. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, xuất khẩu các sản phẩm thịt lại càng khó hơn.

Theo ông Dương, sức tiêu thụ trên thị trường vẫn yếu, nguồn cung chăn nuôi nội địa tăng, nhập khẩu tăng và hàng lậu vẫn tràn vào. Thế nên, cung vượt cầu, giá gà và lợn hơi vẫn “nằm đáy” và chưa có dấu hiệu phục hồi.

“Chúng ta phải kiểm soát được nguồn cung trên thị trường. Trong đó, ngăn chặn tình trạng nhập lậu, kiểm soát chặt nhập khẩu chính ngạch”, ông nhấn mạnh. Cung cầu cân đối, giá sẽ phục hồi. Đặc biệt, khi ngăn chặn được hàng nhập lậu sẽ kiểm soát được dịch bệnh trong chăn nuôi cũng như vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thực tế, tình trạng nhập lậu gia cầm, lợn, trâu và bò vẫn diễn ra phức tạp tại các địa phương, gây nguy cơ xâm nhiễm các loại dịch bệnh, mất an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, dịch bệnh động vật, nhất là dịch tả lợn châu Phi tiếp tục xảy ra ở nhiều địa phương ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi, làm tăng giá thành sản xuất, tổn thất về kinh tế cho người chăn nuôi, gây mất an toàn thực phẩm và giảm nguồn cung trong thời gian tới.

Để ngăn chặn triệt để tình trạng trên, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về việc ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật; đồng thời kiểm soát tốt dịch bệnh, phát triển chăn nuôi bền vững bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm và đầu năm 2024, nhất là dịp Tết Nguyên đán sắp tới.