Nhiều chính sách đi vào cuộc sống, vẫn còn phải rút kinh nghiệm
Trên cơ sở các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội - KTXH tại Nghị quyết 43 năm 2022 của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11 về Chương trình phục hồi và phát triển KTXH.
Quá trình thực hiện cho thấy việc ban hành, triển khai Chương trình là quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội, Chính phủ trong hoàn cảnh tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, đạt được nhiều kết quả tích cực, cổ vũ tinh thần cho người dân, doanh nghiệp, bổ sung một nguồn lực lớn từ ngân sách nhà nước và các nguồn huy động khác để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển nhanh sau dịch Covid-19, nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, thành phần kinh tế.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về cơ bản, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong khuôn khổ Chương trình đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, một số chính sách đạt kết quả giải ngân cao như miễn, giảm thuế, phí, lệ phí (đạt 60,7/64 nghìn tỷ đồng kế hoạch đề ra, bằng 94,2%), gia hạn thời gian nộp thuế (đạt 114,5/135 nghìn tỷ đồng kế hoạch đề ra, bằng 85%), tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (38,4/38,4 nghìn tỷ đồng kế hoạch đề ra, bằng 100%)...
Bên cạnh đó, các chính sách đầu tư phát triển tại Chương trình đã bổ sung nguồn lực lớn cho đầu tư công, qua đó kích thích sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng KTXH cần thiết nhằm nâng cao sức cạnh tranh, hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội khác.
Tuy nhiên, cũng có một số chính sách có kết quả thực hiện còn hạn chế như chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (đến cuối tháng 10/2023 mới đạt 980/40.000 tỷ đồng kế hoạch đề ra, bằng 2,45%)... Các khó khăn, nguyên nhân đã được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương xác định, báo cáo Quốc hội để có phương án xử lý phù hợp.
Cần kéo dài các chính sách hỗ trợ
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) chia sẻ: Ở tầm vĩ mô, các chính sách thúc đẩy du lịch phát triển, như: chính sách mới như xin visa mở, visa tại chỗ, quảng bá, quảng cáo tại những thị trường trọng điểm nhưng khách quốc tế chưa thu hút được nhiều.
Do đó, DN mạnh dạn kiến nghị Chính phủ tiếp tục giảm thuế cho người tiêu dùng, cho DN; chính sách về thuê đất đã giãn, giảm nhưng cần tiếp tục chính sách này; tiền thuê đất từng thời kỳ nên tính toán hợp lý, chiếm tỉ trọng lớn trong chi phí của ngành du lịch thì rất khó cho việc phục hồi.
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cũng đánh giá: Vẫn tiếp tục phải hỗ trợ DN và người dân. Chúng ta biết Chính phủ và Quốc hội đang bàn kéo dài chương trình hỗ trợ đến năm 2024 nhưng riêng tôi hy vọng sẽ kéo dài tới 2025 để tạo ra một niềm hứng khởi, tạo luồng gió thúc mọi người tiêu dùng nhiều hơn. Tôi vẫn mong muốn có chương trình hỗ trợ cho dịch vụ, du lịch và bị đại dịch nên chúng ta phải vực dậy ngành nghề này vì đây rất quan trọng.
Trong các giải pháp, theo PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cần tập trung vào tăng trưởng, hiện nay nhấn mạnh vào đầu tư công vì đà giải ngân đang tốt. Còn thị trường nội địa đang suy yếu nên cần chính sách kích cầu để tạo đà cho tăng trưởng kinh tế.
Quan trọng là thị trường nội địa cũng ảnh hưởng trực tiếp tới khu vực DN nội địa, còn khu vực FDI chủ yếu đáp ứng cho thị trường nước ngoài. Do đó, giải quyết thị trường nội địa cần hỗ trợ cho DN Việt Nam, đây là điểm tất yếu, nếu xử lý được, cùng với đầu tư công sẽ tạo cho kinh tế Việt Nam có nền tảng vững chắc hơn.