Trong thời gian qua, ô nhiễm do chất thải rắn, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt nông thôn là vấn đề bức xúc của nhiều địa phương trên cả nước. Hầu hết chất thải rắn sinh hoạt này không được phân loại tại nguồn. Vì vậy, tỷ lệ thu hồi chất thải có khả năng tái chế và tái sử dụng như giấy vụn, kim loại, nhựa... còn thấp và chủ yếu tự phát.

anh 2s.jpg
Trong những năm qua, các địa phương đã đẩy mạnh việc thu gom, xử lý rác thải.

Theo thống kê của Bộ TN&MT, năm 2022, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên toàn quốc là 67.110 tấn/ngày, trong đó các đô thị là 36.870 tấn, còn khu vực nông thôn là 29.455 tấn. Những năm qua, các địa phương cũng đẩy mạnh việc thu gom, xử lý rác thải và xây dựng nhiều nhà máy đốt rác phát điện hoặc hoặc xử lý rác.

Cả nước hiện có khoảng 1.326 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có 467 lò đốt và 1.207 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt. Hiện nay, còn khoảng 65% số rác thải của cả nước cần chôn lấp, còn khoảng 16% tổng số rác thải được các nhà máy chế biến thu hồi và phát triển năng lượng.

Thực tế, rác thải sinh hoạt theo báo cáo của các địa phương có 96% rác thải đô thị, 75% rác thải nông thôn được xử lý. Đây là con số được xử lý bằng hình thức chôn lấp.

Nguyên nhân được chỉ ra là do hiện nay, việc kêu gọi xã hội hóa để xử lý, xây dựng các nhà máy xử lý đốt phát điện và phân loại, xử lý rác tại các nhà máy đang gặp nhiều khó khăn. Quy trình chưa có phân loại rác tại nguồn, chưa làm triệt để. 

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là một trong những chính sách hoàn toàn mới, quan trọng, liên quan đến quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Với tư duy phải biến chất thải thành tài nguyên, hay nói cách khác là việc quản lý chất thải rắn phải theo hướng kinh tế tuần hoàn, trong thời gian qua, nhiều địa phương đã có nhiều mô hình tốt về quản lý cũng như áp dụng công nghệ liên quan đến phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo hướng đó.

Tuy nhiên, việc xã hội hóa quản lý chất thải rắn sinh hoạt đang được triển khai ở nhiều địa phương chưa hiệu quả và không bền vững, là do những hạn chế về cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa. Việc huy động các nguồn lực tham gia công tác xã hội hóa quản lý chất thải rắn, đặc biệt ở khu vực nông thôn còn gặp nhiều khó khăn như: thu nhập của người thu gom rác ở nông thôn rất thấp; chưa được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhiều nơi chưa có bảo hộ lao động...

Đáng chú ý là một số tổ chức dịch vụ môi trường nông thôn chưa đủ năng lực để giải quyết trọn vẹn các vấn đề quản lý chất thải. Hầu hết các tổ chức xã hội ở nông thôn mới chỉ thực hiện được các nội dung về tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, tổ chức thu gom chất thải mà chưa có các biện pháp xử lý dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải ngày càng gia tăng. 

Bên cạnh đó, việc xác định đơn giá, định mức hiện nay chưa hấp dẫn các doanh nghiệp; chưa có chính sách để thu hút các nhà đầu tư thuộc khu vực ngoài nhà nước tham gia...

Để khắc phục vấn đề này, Bộ TN&MT đã và đang thực hiện một số giải pháp, trong đó đã ban hành nội dung, yêu cầu kỹ thuật bảo vệ môi trường đối với điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt; yêu cầu, kỹ thuật bảo vệ môi trường đối với phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; tiêu chí về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; giá dịch vụ thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hình thức về giá dịch vụ thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng, thể tích chất thải; phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt áp dụng với các nhà đầu tư, xử lý chất thải; bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt và có văn bản hướng dẫn các địa phương phân loại rác tại nguồn... 

Thời gian tới, Bộ TN&MT đề nghị các địa phương tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân phân loại rác tại nguồn. Từ đó, sẽ có cách xử lý rác thải triệt để. Bộ sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách, quy định các chất thải rắn sinh hoạt trong thời gian tới, trong đó ưu tiên ban hành Bộ định mức kinh tế kỹ thuật về thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt và tiếp tục rà soát ban hành Quy chuẩn quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt.

Tiến Quang

Thùy Chi và nhóm PV, BTV