Trung Đông đang thu hút sự chú ý của dư luận thế giới với một loạt các diễn biến quan trọng, đặc biệt là ở Syria, Israel và Ai Cập.
TIN BÀI KHÁC:
Tổng thống Ai Cập hứng "búa rìu" tứ phía
Anh, Pháp tính chuyện trả đũa Israel
Iran đã lách cấm vận của Mỹ như thế nào?
Jihad Makdissi là nhân vật cao nhất trong chính phủ Syria đào tẩu trong những
tháng gần đây. (Ảnh: The Guardian)
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Syria, ngày 3/12, đã đào tẩu ra nước ngoài
trong khi Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo lãnh đạo Syria Bashar al-Assad sẽ
đối mặt "nhiều hậu quả" nếu dùng đến vũ khí hóa học.
Jihad al-Makdissi, từng làm việc cho sứ quán Syria ở London và đã trở về Damascus một năm trước để đảm nhận công việc phát ngôn cho Bộ Ngoại giao, bảo vệ chiến dịch trấn áp của chính phủ nhằm vào lực lượng nổi dậy chống chế độ Assad.
Tổng thống Barack Obama cảnh báo lãnh đạo Syria sẽ phải đối mặt với "nhiều hậu quả" nếu ông dùng vũ khí hóa học chống lại người dân của mình.
Liên Hợp Quốc cho biết tổ chức này đã rút "tất cả các nhân viên quốc tế không cần thiết" khỏi Syria. Khoảng 25 trong tổng số 100 nhân viên quốc tế có thể rời đi trong tuần này, với các sứ mệnh nhân đạo bên ngoài Damascus sẽ tạm hoãn trong thời gian sắp tới.
Israel, trong khi đó, tuyên bố sẽ không nhượng bộ trước áp lực quốc tế đòi nước này ngừng các kế hoạch xây 3.000 nhà định cư mới ở Đông Jerusalem và Bờ Tây.
Văn phòng của Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố Israel sẽ tiếp tục bảo vệ "các lợi ích sống còn" và sẽ không thay đổi quyết định của mình.
Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đan Mạch và Thụy Điển đã triệu tập các đại sứ Israel
để phản đối các kế hoạch kể trên. Mỹ kêu gọi Israel "xem xét lại" quyết định của
nước này.
Người biểu tình tập trung tại Quảng trường Tahrir, Cairo, phản đối Tổng thống
Mohammed Mursi. (Ảnh: Reuters)
Ở Ai Cập, tình hình vẫn rất rối ren và có nguy cơ đẩy nước này trệch khỏi tiến trình chuyển tới một nền dân chủ.
Cơ quan tố tụng cao nhất của nước này cho biết họ sẽ giám sát cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp mới. Động thái này được đưa ra một ngày sau khi một tổ chức khác, Câu lạc bộ Các Thẩm phán, kêu gọi các thành viên của mình không chủ trì cuộc bỏ phiếu dự kiến vào ngày 15/12.
Dự thảo hiến pháp mới và sắc lệnh mới đây của Tổng thống Mohammed Mursi cho phép ông nắm nhiều quyền quan trọng đã gây ra làn sóng biểu tình rộng khắp ở Ai Cập.
Những người phản đối ông Mursi dự kiến sẽ tổ chức một cuộc tuần hành rầm rộ và tổng đình công trong hôm nay (4/12).
Kuwait cũng rơi vào tình trạng chia rẽ khi cuộc bầu cử quốc hội nước này chỉ thu hút 30% cử tri đi bỏ phiếu, so với con số 60% trong các cuộc bầu cử hồi tháng 2.
Phe đối lập đã kêu gọi tẩy chay, khẳng định các quy định mới thiên vị các ứng viên ủng hộ chính phủ và những người này hiện nay đang lấn át cơ quan gồm 50 thành viên này.
Bộ trưởng Ngoại giao Iran, hôm 3/12, cho biết các cuộc hội đàm trực tiếp giữa nước này với Mỹ là có thể song ông khẳng định bất cứ một bước đột phá nào như vậy sẽ phải được Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei chấp thuận.
Tuyên bố trên của ông Ali Akbar Salehi là dấu hiệu đầu tiên cho thấy Tehran
có thể tìm kiếm các cuộc thương lượng ngoại giao với Washington trong bối cảnh
nền kinh tế nước này đang ngấm đòn trừng phạt từ Mỹ và châu Âu liên quan đến
chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước Cộng hòa Hồi giáo.
Thanh Hảo (Tổng hợp)