“AI đang là một thuật ngữ tiếp thị được nhiều công ty sử dụng tự định vị mình là một doanh nghiệp trong ngành. Song, đây là công nghệ chỉ một số ít những tay chơi và chính phủ có đủ lực để phát triển và triển khai”, Whittaker, cựu quản lý tại Google cho biết.

Trong khi đó, AI nổi lên thành một mặt trận mới giữa Washington và Bắc Kinh trong cuộc chiến công nghệ leo thang. Trung Quốc đặt ra mục tiêu trở thành “trung tâm đổi mới trí tuệ nhân tạo hàng đầu thế giới” vào năm 2030, còn doanh nghiệp và học giả Mỹ đang kêu gọi chính phủ đầu tư phát triển AI để tránh bị tụt hậu.

Whittaker hiện đang là cố vấn AI cấp cao của Uỷ ban thương mại liên bang Mỹ (FTC), người thành lập nhóm Nghiên cứu mở của Google (Open Research) với mục tiêu giải quyết các vấn đề tác động xã hội gây ra bởi AI, nói rằng những tiến bộ AI trong thập kỷ qua dựa trên “lượng dữ liệu khổng lồ và sức mạnh điện toán mà chỉ những công ty công nghệ lớn nhất tại Mỹ và Trung Quốc sở hữu”.

Sự bùng nổ của ChatGPT tạo ra lo ngại về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ và lũng đoạn hệ sinh thái thông tin.

ChatGPT đã bị thổi phồng quá mức, gây ra những lo ngại thực sự về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, khả năng tạo ra thông tin sai lệch và làm rối loạn hệ sinh thái thông tin”, cố vấn FTC cho hay.

Bên cạnh đó, cuộc chạy đua vũ trang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang được sử dụng làm lý do chống lại những quy định chặt chẽ hơn đối với lĩnh vực công nghệ đang bùng nổ này.

“Chúng ta không nên hài lòng với những biện minh rằng các quy định, trách nhiệm giải trình và minh bạch là rào cản đối với tiến bộ AI quốc gia trong cuộc đua với Trung Quốc”, Whittaker nói.

Vừa hợp tác, vừa cạnh tranh

Mặc dù căng thẳng địa chính trị không ngừng gia tăng giữa hai cường quốc, song Mỹ và Trung Quốc đang là hai quốc gia có sự hợp tác hàng đầu về AI. Theo báo cáo của AI Index, mối quan hệ giữa các nhà khoa học của hai nước phát triển nhanh nhất trong số các quốc gia.

Cụ thể, kể từ năm 2010 đến năm 2021, hai bên có hơn 9.600 nghiên cứu chung về AI, so với hợp tác Mỹ - Anh trên lĩnh vực này chỉ là hơn 3.500 nghiên cứu. Những con số này phản ánh thực tế rằng cả hai đều đầu tư nhiều nguồn lực cho AI và tiến hành số lượng nghiên cứu khổng lồ. Ngoài ra, nhiều nhà khoa học Trung Quốc từng được đào tạo tại Mỹ và họ có những mối quan hệ học thuật chặt chẽ tại đây.

Cuộc đua phát triển AI giữa hai siêu cường kinh tế có thể tác động tiêu cực đến môi trường.

AI có nhiều ứng dụng trong hoạt động quân sự, từ giám sát, trinh sát, hậu cần hay chỉ huy và kiểm soát. Theo dữ liệu từ Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi thuộc Đại học Georgetown, ước tính vào năm 2021, quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc đã chi hơn 1,6 tỷ USD cho các hệ thống hỗ trợ AI, trong khi đó Lầu Năm Góc chi từ 800 triệu đến 1,3 tỷ USD.

Tuy nhiên, xét về đầu tư tư nhân, Mỹ đang dẫn đầu thế giới. Theo báo cáo chỉ số trí tuệ nhân tạo năm 2023 do Đại học Stanford công bố, đầu tư AI tư nhân tại quốc gia này đạt 47,4 tỷ USD vào năm 2022, so với 13,4 tỷ USD của Trung Quốc.

Không chỉ vậy, cuộc đua phát triển AI giữa hai siêu cường kinh tế có thể tác động tiêu cực đến môi trường. “Từ góc độ khí hậu, việc đào tạo mô hình ngôn ngữ lớn đòi hỏi cường độ tính toán rất cao, từ đó cần lượng điện năng khổng lồ cho máy tính”, Whittaker cho biết. Để so sánh, nghiên cứu từ Stanford cho thấy việc huấn luyện Bloom - một mô hình ngôn ngữ mở lớn nhất thế giới thải ra lượng carbon nhiều gấp 25 lần một hành khách đi chuyến bay từ New York đến San Francisco.

(Theo Nikkei Asia, Stanford.edu)