Nhiều học sinh THCS lựa chọn xe đạp điện làm phương tiện di chuyển hàng ngày. Tuy nhiên, các em chưa được trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật về giao thông, chưa có kỹ năng lái xe an toàn nên tình trạng vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, phóng nhanh, vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông còn diễn ra phổ biến. Đó là những nguy cơ khiến học sinh thương tật, thậm chí tử vong khi điều khiển xe đạp điện, xe máy điện tham gia giao thông.

Ðiển hình như ngày 5/9, vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trên quốc lộ 12 đoạn qua phường Thanh Bình, TP. Ðiện Biên Phủ đã làm 2 học sinh đi xe đạp điện tử vong tại chỗ.

Hay như hồi đầu tháng 8, một học sinh 11 tuổi ở Bình Dương điều khiển xe chở theo 2 người bạn. Do đùa giỡn và không chú ý quan sát nên nam sinh này đã va chạm với ô tô tải đang đỗ sát lề đường bên phải. Vụ tai nạn giao thông thương tâm làm 1 học sinh tử vong, 2 người bị thương.

Còn tại Nghệ An, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh cũng tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ đang học THCS chấn thương nặng do điều khiển xe đạp, xe đạp điện va chạm với các phương tiện khác.

Em V.M.Đ. (12 tuổi, trú huyện Quỳ Hợp) được đưa vào cứu trong tình trạng li bì, khó thở, nôn nhiều, tay phải tê bì, giảm vận động, vết thương vùng cổ chảy máu nhiều do đi xe đạp điện va chạm với ôtô đi ngược chiều. Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị tụ khí nội sọ vùng quanh cầu não, tổn thương đốt sống cổ, tràn khí phần mềm trước cột sống.

Các bác sĩ cho biết việc cho trẻ em sử dụng xe đạp điện, xe máy điện quá sớm tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn khi tham gia giao thông đường bộ. Nhiều phụ huynh biết rõ điều này nhưng vẫn mua các loại xe có tốc độ tối đa có thể lên tới 40-50 km/h cho con đi học.

Theo thống kê, tỷ lệ chấn thương sọ não do xe đạp điện thấp hơn xe gắn máy nhưng trẻ bị chấn thương dạng này sẽ ảnh hưởng tới thể lực và trí lực trong tương lai. Do nhiều trẻ chủ quan không đội mũ bảo hiểm nên khi tai nạn xảy ra thì tương tích vùng đầu sẽ nghiêm trọng.

tainan.png
TP Nam Định nghiêm cấm học sinh THCS điều khiển xe máy điện đến trường. 

Vào mỗi đầu năm học, nhà trường đều yêu cầu tất cả học sinh và phụ huynh ký cam kết đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, tình trạng đối phó vẫn xảy ra. Đáng nói, ở độ tuổi dưới 16, khi tham gia giao thông, nhiều học sinh thích thể hiện với bạn bè, ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông chưa cao nên vi phạm giao thông, tự gây ra tai nạn.

Những năm qua, lực lượng công an phối hợp với ngành giáo dục tổ chức tuyên truyền pháp luật an toàn giao thông đến các trường học. Ngoài trình chiếu hình ảnh về các vụ tai nạn giao thông, CSGT đã lồng ghép các nội dung tuyên truyền vào các trò chơi, tiểu phẩm, trao đổi trực tiếp để các em nhận thức sâu sắc hơn về mức độ nguy hiểm của tai nạn giao thông liên quan đến xe máy điện, xe đạp điện nói riêng và các phương tiện giao thông nói chung.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý tình trạng học sinh vi phạm quy định về giao thông. Cùng với việc lập biên bản, xử lý các trường hợp là học sinh vi phạm liên quan đến việc điều khiển xe máy điện, xe đạp điện, CSGT đã gửi thông tin đến nhà trường để phối hợp giáo dục, quản lý.

Ðể giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến xe đạp điện, xe máy điện, Bộ Công an và Bộ Giao dục & Đào tạo đều cho rằng cần có sự quan tâm, chung tay của các cấp, cơ quan chức năng và toàn xã hội trong giáo dục ý thức tự giác của mỗi học sinh khi tham gia giao thông. Lực lượng chức năng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Còn nhà trường và các bậc phụ huynh cần tăng cường công tác phối hợp quản lý, giáo dục, nâng cao nhận thức cho con em tuân thủ các quy định khi tham gia giao thông, đặc biệt là không giao xe gắn máy, xe máy điện cho con khi chưa đủ tuổi điều khiển.

Duy Tiến và nhóm PV, BTV