Vinaphone, Mobifone và Viettel, ba nhà mạng lớn đang chiếm phần lớn thị phần viễn thông tại Việt Nam, đã chính thức được cấp phép 4G. Sau khi chạy đua nâng cấp lên 4G các nhà mạng tiếp tục cạnh tranh về giá và các dịch vụ tiện ích.

Rẻ như 3G

Ngay sau khi nhận được giấy cấp phép 4G của Bộ Thông tin và truyền thông, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel cho biết, về giá cước, Viettel dự kiến sẽ cung cấp với mức rẻ hơn so với hiện nay. 

Viettel sẽ triển khai 4G như đã từng làm với với mạng 2G, với mục tiêu phổ cập dịch vụ băng rộng di động tới hầu hết người dùng di động. Theo kế hoạch, Viettel sẽ cung cấp 4G chính thức trên toàn quốc vào quý I/2017 trên băng tần 1800 MHz. 

VNPT đã hội đủ điều kiện để có thể bắt đầu cung cấp chính thức dịch vụ 4G tới người dùng trên băng tần 1800 MHz ngay từ đầu tháng 11. VinaPhone vừa chính thức khai trương 4G tại Phú Quốc.

{keywords}
4G mang lại cho người dùng nhiều trải nghiệm mới

Chưa công bố cụ thể các gói cước nhưng đại diện nhà mạng cho biết, giá cước 4G sẽ thấp hơn hoặc tương đương 3G, tùy theo gói sản phẩm cụ thể. Ngoài ra, cách đóng gói sản phẩm 4G cũng sẽ linh hoạt hơn, phù hợp với từng nhóm nhu cầu của người dùng.

Một nhà mạng khác, Mobifone đang khẩn trương triển khai đồng bộ các khâu với tiến độ cao nhất nhằm nhanh chóng đưa mạng 4G-LTE vào khai thác chính thức phục vụ nhu cầu khách hàng và đảm bảo vị thế cạnh tranh trên thị trường. 

MobiFone hiện đã xây dựng được 4.500 trạm phát sóng 4G và dự kiến con số này sẽ là 30.000 trạm phát sóng 4G giai đoạn 2017 - 2018. MobiFone dự kiến sẽ triển khai rộng rãi trên toàn bộ các tỉnh/thành phố trên cả nước, đảm bảo vùng phủ sóng 4G rộng khắp vào quý I/2017.

Cần công khai chất lượng dịch vụ

Theo đánh giá của các nhà mạng, 4G mở ra nhiều cơ hội mới trong việc phát triển các tiện ích dịch vụ. Ông Lê Nam Trà, Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone cho biết, việc được cấp giấy phép 4G sẽ mở ra cơ hội mới cho MobiFone, là động lực để MobiFone thực hiện chiến lược phát triển thông tin di động tại Việt Nam và sắp tới vươn ra nước ngoài.

Lãnh đạo Tập đoàn Viettel cho biết, trong quý I/2017, Viettel sẽ chính thức đưa thiết bị hạ tầng 4G vào sử dụng tại Lào, Đông Timor và 3 tỉnh của Việt Nam; đồng thời thúc đẩy việc nghiên cứu mạng lõi 4G (EPC) và thiết bị truyền dẫn Site Router để đưa vào thử nghiệm cùng thời gian này.

Tại buổi trao giấy phép 4G cho các doanh nghiệp, ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng lưu ý các nhà mạng cần công khai chất lượng dịch vụ, đặc biệt tốc độ tối thiểu đối với từng gói dịch vụ. Khảo sát đánh giá nhu cầu sử dụng của người dân, xây dựng phương án kinh doanh, hợp tác hiệu quả với các nhà cung cấp dịch vụ khác để tận dụng tối đa cơ hội do công nghệ 4G mang lại. Đồng thời quan tâm nghiên cứu thị trường để giải quyết một cách thoả đáng bài toán chất lượng – giá cước khi chính thức thương mại hoá, tối ưu lợi ích nhà nước và người sử dụng.

Với nhà mạng như Mobifone, Bộ trưởng đề nghị cần đẩy mạnh chính sách liên kết về nội dung truyền hình, hợp tác với các đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương để tận dụng tối đa các lợi thế sản xuất, am hiểu văn hóa từng vùng miền, ưu tiên các nội dung trải nghiệm thực tế, tin nhanh tại các địa bàn. Đây là điểm đánh dấu xu thế đa hội tụ của MobiFone trong quá trình triển khai 4G.

Trong cuộc họp mới đây, liên quan đến giá cước 4G, Thứ trưởng Phan Tâm khuyến nghị các doanh nghiệp cần xây dựng gói cước hợp lý, dựa trên mặt bằng khu vực và quốc tế. Trong hồ sơ xin cấp phép 4G, các doanh nghiệp đều đã cam kết với Bộ TT&TT về giá cước, do đó cần tránh tình trạng phá giá, cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến phá vỡ thị trường.

Song song với việc phát triển 4G, Bộ trưởng cho biết sẽ đề nghị Cục Viễn thông chủ động chuẩn bị cho việc triển khai 5G tại Việt Nam. "Thử nghiệm và triển khai 5G sớm trước năm 2019, đừng để phải đứng cuối thế giới (sau Lào, Campuchia) về cấp phép và đầu tư 4G như hiện nay", Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định. 

D.Anh