Bản cổ Hoài Khao (huyện Nguyên Bình, Cao Bằng) là nơi sinh sống của 35 hộ dân người Dao Tiền. Bao quanh giữa núi rừng hùng vĩ, bản nhỏ luôn lưu giữ những nếp văn hóa truyền thống có từ lâu đời. Trong đó có tập tục khai thác tổ ong rừng cheo leo trên vách đá.
Người dân tìm thấy và khai thác 2 hang ong Đá lớn. Đường đi tới 2 tổ ong này rất đẹp nhưng không dễ dàng. Mãi đến cuối năm 2019, xã mới có tiền làm đường bê tông dẫn vào một hang ong. Kể từ đó, du lịch địa phương bắt đầu được đẩy mạnh với trải nghiệm ngắm tổ ong trên vách đá cheo leo.
Để khai thác tổ ong Đá, người Dao Tiền phải đi sang một ngọn núi khác, cách bản Hoài Khao chừng 1,5km. Theo sách "Các loài côn trùng Việt Nam", tổ ong Đá thường được xây dựng trên các vách đá ở độ cao khoảng 60m. Trong tổ, ngoài ong chúa và ong thợ, còn có ong hướng đạo, một loại ong có khả năng nhớ vị trí các tổ cũ để quay lại chính xác.
Khác với nhiều địa phương, người Dao Tiền ở bản Hoài Khao không khai thác mật ong rừng. Hàng năm, chờ tới mùa mưa, khi đàn ong Đá rời tổ đi nơi khác, việc lấy tổ ong mới được diễn ra. Tới ngày lấy tổ ong, bà con trong làng cùng nhau gùi gánh lên rừng. Nam giới có nhiệm vụ trèo lên cây cao gần đó dùng một chiếc gậy tre dài phía đầu buộc một con dao để chọc lấy tổ.
Trong khi các trai tráng leo cây cao để lấy tổ, ở bên kia vách đá, thầy cúng liên tục đọc bài khấn cảm tạ núi rừng và đàn ong đã đến đây và cho phép bà con hái tổ về sử dụng. Thầy cúng cũng không quên khấn bái để sang năm đàn ong tiếp tục quay trở về.
Phụ nữ bên dưới đi lượm nhặt những tổ ong rơi xuống rồi cho vào gùi, bao mang theo. Tổ ong rừng rất lớn, có cái chiều ngang lên tới hơn 1m.
Mỗi gia đình trong bản đều cử đại diện một người đi lấy tổ hoặc đón tổ ong về. Nhà nào bận công việc không có mặt thì sẽ góp lễ một con gà làm vía cầu may.
Quãng đường đi lấy tổ ong nhiều đoạn không thể di chuyển bằng xe máy. Bà con gùi tổ trên lưng đi theo cái lối nhỏ trong khu rừng rậm rạp. Việc chỉ khai thác xác tổ, không lấy mật được đánh giá là cách bảo tồn tự nhiên và tốt nhất đối với loài ong rừng này.
Có 2 vị trí khai thác tổ ong Khoái, nằm cách bản Hoài Khao chừng 2km. Năm nay, bà con khai thác được hơn 50 tổ tất cả. Những người phụ nữ lớn tuổi trong bản cẩn thận kiểm tra chất lượng của tổ ong năm nay.
Phần tổ có màu vàng tươi thường cho nhiều sáp nhất. Bà con đánh giá chất lượng tổ ong mỗi năm thông qua việc quan sát kích thước phần tổ màu vàng này.
Tổ ong Đá lấy về sẽ được xé nhỏ rồi cho lên bếp nấu. Đây là cách thức chế biến sáp ong truyền thống để sử dụng vào việc vẽ vải truyền thống.
Tổ ong được mang đi nấu thành sáp, sau một đêm chờ lắng sẽ chia đều cho 35 hộ dân trong bản cùng sử dụng.
Bà con Dao Tiền ngồi vẽ sáp ong lên vải lanh sau đó phơi khô rồi đem đi nhuộm vải. Phần sáp ong được vẽ lên vải không ngấm chàm sẽ tạo nên họa tiết màu trắng trên trang phục truyền thống của họ.
Mới đây, bản Hoài Khao được Nhà nước đầu tư hơn 30 tỷ đồng để phát triển du lịch cộng đồng. Đến nay, trên địa bàn đã có 7 hộ kinh doanh homestay. Ông Hoàng Quốc Chấn (Chủ tịch UBND xã Quang Thành) cho biết: "Việc phát triển du lịch gắn liền với các hoạt động bảo tồn văn hóa và đưa du khách trải nghiệm gần nhất với đời sống bà con dân bản là hướng đi lâu bền và thiết thực để giúp kinh tế nơi đây phát triển".