Lịch sử thế giới đã chứng kiến nhiều nữ hoàng tài sắc vẹn toàn, lãnh đạo cả một đế chế thành công dẹp giặc ngoại xâm và phát triển xã hội thịnh vượng. Dưới đây là một số nữ lãnh đạo quyền lực nhất được ghi nhớ đến ngày nay.
Theo History, Catherine Đại đế/Ekaterina II (1729-1796) có tên đầy đủ là Sophie Friederike Auguste von Anhalt-Zerbst. Bà là con gái của Vương công xứ Stettin, khi đó là một phần lãnh thổ nước Phổ, nay là thành phố Szczecin ở Ba Lan. Dù không phải là người Nga, nhưng Catherine Đại đế đã cai trị quốc gia rộng lớn này trong 3 thập kỷ, gây dựng một bộ máy chính trị hiệu quả và thúc đẩy một xã hội phát triển về mọi mặt.
Vào năm 14 tuổi, bà được sắp đặt một cuộc hôn nhân chính trị với Thái tử Nga. Tới năm 1745, bà cải đạo sang Chính thống giáo Nga và đổi tên thành Catherine. Ngay sau đó, bà kết hôn với Thái tử Peter, cháu trai của Peter Đại đế và người thừa kế ngai vàng nước Nga. Tuy cuộc hôn nhân không hạnh phúc, nhưng cả hai đã có một người con trai tên Paul.
Năm 1772, chồng bà trở thành Hoàng đế (Peter III) và bà chính thức trở thành Nữ hoàng. Tuy vậy, Peter III là một vị vua không có đủ năng lực, khiến xã hội Nga rơi vào hỗn loạn. Không lâu sau đó, một cuộc đảo chính lớn đã xảy ra và Peter III qua đời. Một số sử gia cho rằng Catherine Đại đế đã lên kế hoạch để lật đổ ngai vàng của chồng cũng như dính líu đến cái chết của ông.
Sau khi chồng qua đời, Catherine Đại đế chính thức lên nắm quyền và ngay lập tức thực hiện nhiều cải cách nhằm thúc đẩy xã hội phát triển. Dưới sự lãnh đạo của bà, Nga nhanh chóng trở thành quốc gia lớn mạnh.
Dù là một phụ nữ, nhưng Catherine Đại đế đã thành công mở rộng lãnh thổ Nga về phía nam và phía tây. Bà cũng là người dẫn dắt quân đội Nga 2 lần đánh bại đế chế Ottoman. Nước Nga dưới thời Catherine Đại đế được chia ra làm 50 tỉnh, và mỗi địa phương đều có quân đội riêng nhằm ngăn chặn những cuộc nổi dậy.
Trong thời kỳ cầm quyền của Catherine Đại đế, ngân sách nhà nước Nga luôn ở trạng thái dư dả, giúp cho cuộc sống của người dân Nga được cải thiện. Nữ hoàng cũng vô cùng quan tâm tới việc phát triển dịch vụ cộng đồng và giáo dục. Rất nhiều thư viện công cộng đã được mở cửa trên khắp cả nước nhằm tìm ra những nhân tài cho đất nước.
Chính sách đối nội và đối ngoại của Catherine Đại đế đã đưa nước Nga trở thành cường quốc sánh vai cùng các nước châu Âu cuối thế kỷ 19. Tuy vậy, đường lối bảo thủ và đàn áp nông dân của bà khiến cho chế độ quân chủ chuyên chính trở nên không bền vững.
Vào năm 1785, bà ban hành chính sách "Đặc quyền dành cho tầng lớp quý tộc", đảm bảo mọi quyền lợi và đặc ân cho tầng lớp thượng lưu trong xã hội. Từ đây, Nữ hoàng cũng dần không quan tâm tới cuộc sống của tầng lớp nông dân. Tới ngày 17/11/1796, Catherine Đại đế qua đời một cách bí ẩn và con trai của bà là người kế vị.
Catherine Đại đế là một trong những nhà lãnh đạo nữ kiệt xuất nhất trong lịch sử, nhưng bà cũng bị phê phán nhiều vì đời tư phóng túng. Nữ hoàng Nga có nhiều nhân tình, và bà thường phong cho họ những chức vị cao trong triều đình. Người nổi tiếng và thành công nhất trong số các tình nhân của Catherine Đại đế là Grigory Potemkin.