Tha hương

Tôi gặp Phạm Văn Tuyền lần đầu trong sự kiện đón Tết cổ truyền do Hội Sinh viên Việt Nam tại Berlin (Đức) tổ chức cách đây gần 10 năm. Lúc đó Tuyền 26 tuổi, có đôi mắt sáng và khi cười khoe chiếc răng khểnh. Nhưng tôi ấn tượng ngay từ phút đầu với cậu ấy lại bởi mái tóc dài, mượt buộc túm phía sau.

Nhìn vẻ ngoài điển trai và nghệ sỹ đó, tôi đoán cậu ấy là sinh viên đang theo học một trường nghệ thuật.

anh 5 ong chu.jpg
Ngày mới gặp, Tuyền gây ấn tượng bởi mái tóc dài, buộc túm phía sau

Thật bất ngờ khi nghe giới thiệu cậu là một doanh nhân thành đạt: Chủ nhà hàng UMAMI nổi tiếng ở Berlin.

Một người trẻ tuổi thành đạt cũng là bình thường trong xu hướng hiện tại. Cái khiến tôi tò mò vì nghe các bạn sinh viên nói, Tuyền đã có một tuổi thơ thật khốn khổ ngay trên chính mảnh đất Berlin - nơi  cậu ta đang nổi như cồn.

Sự tò mò thôi thúc tôi tìm hiểu, nhưng vì bận bịu, tận 5 tháng sau đó tôi mới đến gặp Tuyền.

Lúc đó, quán UMAMI 1 của Tuyền nằm ngay ngã ba một con phố cổ của Berlin. Một con phố hầu hết là hàng quán. Hai bên đường rợp những hàng cây vừa qua thì trổ lá, xanh nõn. Gặp đúng Berlin ngày nắng mới. Cái nắng đầu hè như cốm non, vừa đủ vàng chứ chưa rực rỡ, làm những tán cây xanh như óng ả, mướt mát hơn.

Lúc tôi đến là 15h, cái giờ thông thường quán xá vắng khách nhất, vậy mà toàn bộ bàn ghế đặt ngoài khoảng sân rộng chật ních khách ngồi. Vì Tuyền còn đang bận, tôi tự chọn cho mình một bàn nhỏ ngồi nơi khuất nhất trong quán.

Lúc xong việc, Tuyền vồn vã hỏi tôi uống gì, tôi chọn chè nóng. Chè được mang ra, không phải trong ấm, cũng không phải trong cốc. Vài cánh chè, vài lát chanh xanh, mấy cọng bạc hà được thả điệu đà trong cái bát sứ giả cổ với cái muỗng gỗ đặt trên miệng bát.

Tôi khoắng muỗng, mùi chè thơm thoang thoảng hương bạc hà bay thấm tận khứu giác. Tôi tợp ngụm chè, cảm nhận vị ngọt, đăng đắng quen thuộc của chè Thái tan trên đầu lưỡi.

"Anh muốn hỏi về quãng đời quá khứ của em à? Em sẽ kể, không giấu giếm gì. Nhưng có kể hết anh nghe chưa chắc đã tin. Mà có tin, anh cũng không thể tưởng tượng nổi. Bởi cuộc sống bao giờ cũng thật hơn lời kể", Tuyền hỏi tôi.

Nói ra những lời khẳng định như đinh đóng cột, nhưng giọng Tuyền lại nhẹ nhàng, bâng quơ, như không phải nói với người đối diện mà nói với chính mình. Tôi nhìn đôi mắt to như mở rộng hơn đang hướng ra phía cửa của Tuyền mà đoán vậy.

"Em sinh ra tại một vùng quê nghèo của tỉnh Nghệ An, trong một gia đình 5 anh em. Em là con thứ 4. Khi em được hơn 2 tuổi, mẹ sinh thêm đứa em trai. Đứa em vừa được vài tháng tuổi thì mẹ mất vì điện giật", Tuyền nói nhanh rồi lặng thinh.

Tôi xót xa nhìn Tuyền. Em ngoảnh mặt đi chỗ khác. Một lúc, Tuyền nói tiếp giọng bùi ngùi.

"Bố em một mình nuôi đàn con nheo nhóc. Hoàn cảnh gia đình quá khốn quẫn đến mức 14 tuổi, em đã quyết định đi nước ngoài mong tìm cách cứu giúp gia đình. Trong thâm tâm em, không có khái niệm rõ rệt về vùng đất nào.

Nhưng không hiểu sao em lại thích nước Đức, đặc biệt là Berlin".

tuyen.jpg
Tuyền ngồi trong một nhà hàng phong cách sang trọng của mình tại một con phố cổ kính và sầm uất giữa thủ đô Berlin

Cánh chim nhỏ vượt bão giông

"Ở Berlin, em quen một anh người Quảng Bình, và được anh ấy cho ở cùng. Rồi một quán ăn nhỏ của người Việt nhận em làm. Cho em ăn.

Mỗi ngày em làm 12 tiếng. Kể cả thời gian đi lại nữa là 15 tiếng. Một tháng không ngày nghỉ, ngoài được ăn, em nhận 300 Euro. Lúc đó em mới 15 tuổi.

Cuộc sống khó khăn, vất vả, thậm chí đói ăn. Vậy mà đến Tết Việt Nam, em gọi điện về, bố hỏi, bên đó ăn Tết ra sao? Em cố cười bảo: Tết bên này mọi người tổ chức không kém gì ở nhà. Cái gì cũng có. Gọi điện cho bố xong, gặm miếng bánh mỳ lạnh cứng mà tủi thân rơi nước mắt. Lúc đó em chỉ ước ao một gói mỳ tôm dội nước sôi cho ấm bụng mà điều nhỏ nhoi đó cũng chỉ là ao ước.

anh 3 ong chu.jpg

Sau nhiều bão giông, em được gửi đến một nhà làm phúc dành cho kẻ bụi đời thuộc nhà thờ. Ở đó có một cha và một thầy dòng coi sóc. Căn nhà hai tầng cổ nơi con phố vắng mở cửa 24/7 cho bất cứ ai cơ nhỡ nhưng chủ yếu là những kẻ bụi đời, những người nghiện hút vô gia cư đủ các sắc tộc. Duy nhất có em là một thằng nhóc đến từ Việt Nam.

Ở đó hàng ngày em được ăn là những thứ mà thầy dòng đi xin được từ các nhà hảo tâm hay những đồ gần hết hạn xin được từ các cửa hàng. Nhưng dù thế nào, em cũng hết cảnh bị đói.

14 tuổi sang Đức với hy vọng kiếm tiền giúp đỡ gia đình. Nhưng sang đến đây, em mới hiểu việc kiếm tiền không hề đơn giản, đặc biệt là với đứa trẻ con không biết tiếng Đức, không có giấy tờ như em.

Muốn có một tương lai tốt đẹp ở đây, ở tuổi của em, không gì khác là phải học. Nhưng muốn đi học cũng phải có giấy tờ mới được nhập trường. Cha Stefan – một người mà em nhớ ơn mãi mãi đã cậy cục tìm được một trường Công giáo chấp nhận cho em học dự thính. Tức là được đi học nhưng không phải là học sinh chính thức của trường.

Vậy cũng là may, may hơn nữa, cuối học kỳ, cuối năm học em vẫn được nhận bảng điểm, nhận giấy chứng nhận lên lớp. Suốt 5 năm liền, từ khi vào học lớp 6 cho đến khi hết lớp 10, dù trời mưa giông, bão tuyết, dù có lúc không được khỏe em vẫn kiên trì tới lớp không hề bỏ dù một tiết học.

Đến kỳ nghỉ, các bạn cùng học đều theo bố mẹ đi nghỉ tại các điểm du lịch ở nước Đức hay ra nước ngoài. Riêng em, thời gian đó, em xin đi làm việc tại các trại trẻ mồ côi hay các trại dưỡng lão. Đi làm không phải để kiếm tiền mà làm thiện nguyện".

Đúng là “trời không phụ người có công”. Chính nhờ sự kiên trì và nỗ lực học tập trong suốt 5 năm đó mà tiếng Đức của Tuyền được nâng cao. Đó cũng là cơ sở pháp lý để nước Đức chấp nhận cho Tuyền quyền ở lại lâu dài.

Giương buồm ra biển lớn

Thoắt cái đã chục năm trôi qua kể từ ngày đầu tiên tôi gặp Tuyền. Bây giờ Tuyền không còn là chàng trai với mái tóc dài cột ra đằng sau giống như nghệ sỹ nữa, mà đã trở thành người đàn ông trưởng thành, chững chạc với mái tóc xoăn có vẻ kiểu cách hợp với phong cách một doanh nhân hơn.

Tôi đã gặp lại Phạm Văn Tuyền như thế trong một ngày rét đậm giữa tháng 12/2023 khi không khí Giáng sinh đang phủ lên khắp thủ đô Berlin, nhất là trong nhà hàng sang trọng có tên Bless của Tuyền.

Chúng tôi ngồi với nhau bên tách trà thơm mùi lá bạc hà và nói với nhau đủ thứ chuyện từ công việc làm ăn của Tuyền, về cộng đồng, về quê hương, đến việc làm từ thiện siêng năng, cần mẫn của cậu ấy, về gia đình và cả chuyện tình yêu - như bạn bè thân tình lâu ngày gặp lại. Trong cách nói chuyện, Tuyền vẫn thế. Cởi mở, thân thiện và… khiêm nhường.

Như tâm nguyện từ thuở còn hàn vi, Tuyền đặc biệt dành nhiều tâm huyết và tấm lòng cho việc làm từ thiện. Tuyền chia sẻ thật thà: "Em không phải là người có số tiền quá lớn đóng góp cho các quỹ từ thiện và các hoạt động từ thiện. Nhưng em được tổ chức từ thiện ở Đức ghi nhận là người đóng góp thường xuyên và đều đặn nhất.

Những năm gần đây em còn tổ chức luân phiên các buổi quyên góp tại hệ thống nhà hàng của mình và kêu gọi những nghệ sỹ có tên tuổi hay những ngôi sao thể thao ở Đức cùng đứng ra kêu gọi quyên góp. Toàn bộ số tiền mọi người đóng góp cùng với doanh số bán hàng trong ngày hôm đó - có khi đến vài chục nghìn Euro - đều dành để giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn của trẻ em. Chủ yếu là trẻ em ở Việt Nam". 

"Còn về chuyện kinh doanh thì sao?" - tôi hỏi. Mấy năm dịch Covid-19 nhờ kiên trì và nỗ lực tìm thời cơ trong cái rủi ro mà ngay khi vừa hết dịch, trong đúng một năm em khai trương được thêm 5 cửa hàng. Đưa hệ thống nhà hàng lên thành 9 cái, bao gồm 8 cái ở Berlin, 1 cái ở Hamburg.

Từ một nhà hàng UMAMI thời khởi nghiệp, bây giờ em đã phát triển thành 9 nhà hàng với 3 thương hiệu UMAMI, Bless và Noumì Restaurant.

Nếu UMAMI mang phong cách nghệ sỹ theo kiểu bùi bụi một chút, thì Bless lại theo phong cách cổ điển và sang trọng. Còn Noumì Restaurant lại là quán mỳ tươi hợp với phong cách trẻ trung của các bạn trẻ.

Nói thế thôi, nhưng vào những giờ đông khách thì quán nào cũng tấp nập thực khách đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi tầng lớp. Nhưng rõ ràng tầng lớp văn nghệ sỹ thích UMAMI hơn, sinh viên, học sinh hợp Noumì Restaurant hơn và các doanh nhân, chính khách năng lui tới Bless hơn.

anh 2 ong chu.jpg
Tác giả và Tuyền gặp nhau dịp Giáng sinh 2023 vừa qua 

Ở Việt Nam, cách đây hơn 3 năm, Tuyền cũng mở nhà máy sản xuất sản phẩm từ thép phục vụ cho xây dựng... 

Tôi nhìn Tuyền say sưa nói về tương lai bỗng liên tưởng đến bài thơ “Anh chủ nhiệm” của Hoàng Trung Thông. “Anh giơ tay vẽ giữa đồng xanh. Vẽ cả ngày mai thành bức tranh”. Đương nhiên so sánh bao giờ cũng khập khiễng, nhưng cái giống là ở tinh thần và hình ảnh.

Cái cơ sở để vẽ ngày mai thành bức tranh của anh chủ nhiệm cũng giống Tuyền “tiền đã lo xong, đất cắm rồi”. Và cái phương châm hành động “tay anh nắm chặt tay xã viên. Xốc cả phong trào vững tiến lên” của anh chủ nhiệm cũng giống phương châm ứng xử của Tuyền.

Khi được hỏi điều gì đã tạo nên thành công của em, chẳng cần suy nghĩ, Tuyền nói ngay: "Đấy là lòng tin. Em luôn tin vào những người làm việc cùng em dù đó là chuyên gia, cộng sự hay anh em, đồng nghiệp. Mình tin vào họ, họ đặt niềm tin vào mình vậy là đồng tâm, hiệp lực. Điều đó tạo ra sức mạnh và là nguyên nhân của sự thành công".

Một cậu bé 14 tuổi ra đi từ một vùng quê nghèo sang Đức, chấp nhận những năm tháng lăn lóc, bơ vơ, những ngày đói ăn thèm cả một gói mỳ tôm nhưng dứt khoát tìm con đường ngay thẳng, chân chính để thay đổi cuộc đời mình.

Khi mới đặt chân đến nước Đức dù còn nhỏ tuổi, nhưng vẫn còn nhiều cách để Tuyền có thể kiếm tiền, đơn giản nhất như một số người thời đó thường làm là bán thuốc lá lậu. Nhưng Tuyền không làm thế. Em chọn con đường cực nhọc hơn, chịu thiếu thốn hơn đấy là đi học.

31/12/2013 là ngày Tuyền đặt bút ký cho sự ra đời của nhà hàng UMAMI đầu tiên khi trong tay không một đồng vốn. Tất cả đều là tiền vay mượn từ bạn bè. 10 năm sau Tuyền đã có trong tay một sản nghiệp khiến bất cứ ai, nhất là những người cùng tuổi như Tuyền phải ngưỡng mộ, mơ ước.

Vậy mà Tuyền vẫn khiêm tốn nói em tạm gọi là thành công chứ chưa phải là người thành đạt. Em phải cố gắng nhiều hơn nữa.

Đương nhiên em phải cố gắng hơn nữa vì em còn quá trẻ, tương lai rộng dài vẫn đang ở phía trước. Nhưng rõ ràng 10 năm qua đã là bước phát triển ngoạn mục của Phạm Văn Tuyền. Giờ em không còn là cánh chim nhỏ vượt bão giông nữa mà là cánh buồm căng gió vươn mình ra biển lớn.

Đại sứ Việt Nam tại CHLB Đức - Vũ Quang Minh cũng chúc mừng thành công của doanh nhân Tuyền và cho rằng, câu chuyện của Tuyền đã truyền cảm hứng cho người Việt trẻ ở Đức.