Patrick Kramer đâm vào tay khách hàng và cấy vào một con chip nhỏ bằng hạt gạo. "Giờ anh là cyborg (nửa người nửa máy) rồi đó", Patrick vừa nói vừa băng bó vết thương nhỏ ở giữa ngón cái và ngón út của vị khách. Trên tay của Guilherme Geronimo tích hợp một con chip có khả năng mở cửa và thanh toán tiền điện tử. Tuy nhiên, con chip không khác gì hàng triệu loại chip giám sát được gắn vào gia súc, gia cầm.
Kramer là CEO đứng đầu Digiwell, một dự án start-up tại Hamburg, Đức chuyên cấy ghép thiết bị công nghệ vào cơ thể người. Kramer cho biết công ty anh vừa thực hiện 2.000 ca ghép trong vòng 18 tháng và trên tay anh đã có 3 con chip.
"Một cái để mở cửa văn phòng, cái này lưu trữ dữ liệu y tế, cái cuối để chia sẻ thông tin cá nhân", Kramer nói với Bloomberg.
Ngành công nghiệp cấy chip vào cơ thể dần trở nên phổ biến, công ty Digiwell của Kramer đã giúp khoảng 100.000 khách hàng toàn thế giới thỏa mãn nhu cầu khác nhau bằng công nghệ này. Kramer cho rằng càng ngày người ta dần hỏi nhau "bạn có bao nhiêu chip rồi?" thay vì "bạn đã gắn chip chưa?"
"Chúng tôi đang tiếp cận với lượng khách hàng phổ phông", Kramer nói.
Moon Ribas, một vũ công người Tây Ban Nha cấy chip kết nối máy đo địa chấn vào tay của mình nhằm thực hiện buổi biểu diễn nghệ thuật mang tên "Ngồi chờ động đất". Họa sĩ mù màu Neil Harbisson đến từ Bắc Ireland sử dụng con chip gắn vào đầu giúp anh "nghe" được âm thanh.
Bên cạnh đó, Rich Lee sống ở St.George, Mỹ bỏ ra 15.000 USD (349.5 triệu đồng) gắn một con chip vào xương chậu của mình. Thiết bị mang tên Lovetron 9000 có khả năng rung lắc tương tác như một loại đồ chơi tình dục. Không những thế, anh còn tự tích hợp một nam châm trên đầu ngón tay, 2 con chip để gọi, một máy đo nhiệt độ trên mu bàn tay.
"Chúng tôi là những người tiên phong trong lĩnh vực này, càng có nhiều người dùng, mục đích sử dụng sẽ càng mở rộng", Rich Lee nói.
Tuy nhiên, cấy chip vào cơ thể lại dấy lên nhiều nỗi lo về vấn đề đảm bảo an ninh mạng. Các bộ phận điện tử trong cơ thể có thể dễ dàng bị đánh chiếm và thao túng phục vụ mục đích xấu.
"Nếu một chiếc smartphone hay máy tính bị tấn công, ta ngắt nguồn và dừng mọi hoạt động trên thiết bị ấy là xong. Tuy nhiên, ta không thể nào tắt các chip trong cơ thể người", Friedemann Ebelt, nhà hoạt động của tổ chức quyền Internet Digital Courage phát biểu.
Giá cả của một con chip cấy vào cơ thể dao động từ 40 USD (932,000 đồng)đến 250 USD (5.8 triệu đồng)), Digiwell còn tính thêm 30 USD (699,000 đồng)tiền công cấy ghép. Khách hàng của Digiwell bao gồm đủ mọi thành phần xã hội từ luật sư, học sinh, nhân viên văn phòng. Thiết bị của công ty còn có khả năng thực hiện thanh toán online và tự động cập nhật tính năng mới nhất.
"Loài người không thể chờ đến hàng triệu năm để tiến hóa, đó là lý do tại sao chúng tôi phải tự làm", Kramer nói.
Theo công ty nghiên cứu Gartner, cấy chip vào cơ thể sẽ nhanh chóng nằm trong top 5 xu hướng công nghệ tương lai cùng với trí tuệ AI và công nghệ blockchain. Công ty này dự đoán ngành công nghiệp cấy ghép này sẽ còn tiếp tục tăng trưởng, tới năm 2025 lợi nhuận đạt được của mảng này sẽ vào khoảng 2,3 tỷ USD.
"Chúng ta chỉ đang ở vạch xuất phát", Oliver Bendel, giáo sư Đại học Công Nghệ Ứng dụng và Nghệ thuật Thụy Sỹ cho hay.
Theo Zing