Lời giải cho hàng triệu “người tàng hình tài chính”
Nguyễn Trang - một phụ nữ kinh doanh online ở Hà Nội - cần tiền để đầu tư chứng khoán nhưng không thể chứng minh thu nhập của bản thân.
Anh Ritz Tahamata, một lái xe ở Indonesia, cần 10 triệu IDR (Rupiah Indonesia), tương đương 16 triệu VNĐ, để mua phương tiện trở thành tài xế grab nhưng không có tài sản đảm bảo.
Ông Kalpit Agate - một nông dân ở Ấn Độ cần 70.000 INR (Rupee Ấn Độ), gần 21 triệu VNĐ, nhằm đầu tư cho vụ mùa mới nhưng không có lịch sử tín dụng.
Họ đại diện cho khoảng 90% tổng dân số tại 4 quốc gia Philippines, Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia không thể tiếp cận được nguồn tín dụng chính thức bởi hệ thống ngân hàng không có cơ sở nào để tin. Họ là những lao động làm thuê, lao động tự do. Hàng trăm triệu cá nhân này được ví là những “người tàng hình tài chính”.
Dẫu vậy, những công ty về dữ liệu lớn chính là đơn vị thuyết phục các ngân hàng hãy tin “người tàng hình tài chính” bởi họ hiểu được mỗi người thông qua phân tích dữ liệu lớn (Big Data). Dữ liệu ở đây là hành vi tiêu dùng hàng ngày, hành vi sử dụng điện thoại, mua sắm... Dựa trên dữ liệu đó tạo ra bức tranh về độ tin cậy của mỗi người và chấm điểm tín dụng cho họ. Bằng cách thức trên, 1 tỷ người đã được chấm điểm, có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vi mô của các ngân hàng.
Thử tưởng tượng, một nữ công nhân may 28 tuổi đang làm việc ở TP.HCM thì Covid-19 bùng phát. Chị phải về quê và thất nghiệp. Đại dịch qua đi nhưng chị không trở lại TP nữa mà muốn mở một cửa hàng may ở quê. Do không có hợp đồng lao động, không có bảng lương nên ngân hàng không cho vay vốn. Chị đành lấy bảo hiểm xã hội một lần, đánh đổi tương lai tài chính chục năm về hưu cho một cơ hội kinh doanh mà không chắc có thành công hay không. Tuy nhiên, với việc được chấm điểm tín dụng, tiếp cận các sản phẩm tài chính chính thức, chị có khoản vay 20 triệu để mua máy khâu, vải vóc, hình thành một cửa hàng may mới.
“Mỗi năm, chúng tôi giúp hệ thống ngân hàng thẩm định từ 25-30 triệu khoản vay. Mức trung bình của các khoản vay là khoảng 800 USD. Tỷ lệ từ chối cho vay khoảng 20% và thường rơi vào những người có lịch sử tín dụng xấu”, CEO Trusting Social - ông Nguyễn An Nguyên chia sẻ.
Ngân hàng số len lỏi vào cuộc sống
Điều đáng bàn ở đây là sự vượt trội trong việc chấm điểm tín dụng cho 1 tỷ người dựa trên sức mạnh của Big Data và AI (trí tuệ nhân tạo). Một chuyên viên thẩm định của ngân hàng làm việc với năng suất cao chỉ có thể xử lý được khoảng 50 bộ hồ sơ/ngày, trong khi AI đọc được hành vi công dân từng phút một với khả năng tính toán gấp 20 triệu lần con người. Cùng với đó, đây là cỗ máy bất thiên vị khi xét duyệt hồ sơ tín dụng. Sau cùng, quá trình cấp thẻ tín dụng cũng chỉ cần đăng ký trực tuyến qua điện thoại.
Mới đây, Masan Group hoàn tất thỏa thuận đầu tư 65 triệu USD mua 25% cổ phần của Trusting Social, công ty con tại Việt Nam của Trust IQ Pte. Ltd (trụ sở tại Singapore), cho thấy tham vọng tiếp cận người dân khu vực nông thôn, nơi chưa có dịch vụ tài chính nhưng rào cản bởi nhu cầu nhỏ lẻ, thiếu các điều kiện để vay vốn NH truyền thống...
Với mục tiêu tiếp cận 1 triệu khách hàng chưa có tài khoản ngân hàng, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Masan Group - cho hay, trong năm 2022, DN triển khai các kiosk ngân hàng số, cho phép người tiêu dùng nạp tiền, rút tiền và tiếp cận các sản phẩm tài chính, như thẻ tín dụng, bảo hiểm. Các điểm bán hàng offline sẽ hoạt động như các điểm cung cấp dịch vụ và cổng thông tin online, đảm bảo kết nối người tiêu dùng với dịch vụ theo yêu cầu. Một ngân hàng sẽ cùng tham gia cuộc chơi này.
“80% khách hàng của chúng tôi còn đang dùng tiền mặt, việc cấp thẻ tín dụng điều hòa chi tiêu kết hợp thẻ khách hàng nhắm hướng đến thói quen tiêu dùng thông minh”, ông Quang nói.
Về phía tổ chức tín dụng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng nhận định, các ngân hàng đang đẩy mạnh phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ (tiền gửi, mở tài khoản, vay vốn, mở thẻ tín dụng... ) trên nền tảng số. Kênh phân phối đa tiện ích như mobile banking, internet banking, QR code giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận, sử dụng dịch vụ mọi lúc, mọi nơi.
Thống kê năm 2021, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đạt mức tăng trưởng cao qua kênh Internet, tăng 48,8% về số lượng và 32,6% về giá trị giao dịch. Người dân sử dụng phương thức thanh toán qua điện thoại di động tăng 76,2% và thanh toán qua kênh QR code tăng 87,5%. Con số này tăng tới 200% so với năm 2020.
Khảo sát các dịch vụ tài chính cá nhân của McKinsey (giai đoạn 2015-2021) với 20.000 người tại 15 nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương chỉ ra, năm 2021, 82% khách hàng cá nhân tại Việt Nam tích cực sử dụng ngân hàng số, tỷ lệ này tăng 41 điểm phần trăm; 75% khách hàng cá nhân Việt Nam sử dụng kết hợp các dịch vụ ngân hàng số và chi nhánh vật lý.
Theo ông Lê Hồng Việt, TGĐ Công ty TNHH FPT Smart, các ngân hàng đang ngầm cạnh tranh về nguồn lực công nghệ để tạo lợi thế kinh doanh. Trong đó, AI đang đi xuyên suốt hoạt động của ngân qua các phần khác nhau từ trao đổi với khách hàng, tối ưu hóa các hoạt động tín dụng và giúp nhân viên thực hiện công việc một cách hiệu quả hơn trong tổ chức.
Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng nhà nước - ông Lê Anh Dũng cho rằng, hành vi của người tiêu dùng đang thay đổi. Chính người tiêu dùng đặt ra cho các ngân hàng câu chuyện phải thay đổi, lấy khách hàng làm trung tâm phục vụ, phải hướng tới trải nghiệm, đáp ứng kỳ vọng và hành vi của họ. Khách hàng giờ muốn thanh toán nhanh, an toàn, cá nhân hóa, trao quyền cho người dùng nhiều hơn và mức phí hợp lý.
Mục tiêu năm 2025, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam sẽ gấp khoảng 25 lần GDP. Cơ quan quản lý ước tính, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt mức 50%; 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng. Cùng với đó, tăng trưởng thanh toán qua kênh mobile đạt mức 80% và kênh Internet khoảng 40%.
Trần Chung